Nguyễn Cường - 72 tuổi mới làm liveshow

Mũ phớt là vật bất ly thân làm nên hình ảnh Nguyễn Cường. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Mũ phớt là vật bất ly thân làm nên hình ảnh Nguyễn Cường. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
TP - Nguyễn Cường là tên tuổi nổi bật đương thời nhưng khá “lười” hoạt động. Nếu Phú Quang, Dương Thụ, Trần Tiến… chốc chốc lại làm chương trình riêng thì Nguyễn Cường mãi tuổi 72 mới ra liveshow đầu tiên - đêm nhạcTuổi thơ tôi Hà Nội vào 13 và 14/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trước đây Nguyễn Cường cũng có những chương trình riêng do truyền hình tổ chức. Làm show để bán vé thì đây là lần đầu. Sao bây giờ chuyện đó mới xảy ra? Ông trả lời: “Tôi thích Lão Tử, nên thuận theo tự nhiên. Cái gì đến cứ thế đến không ép. Tự dưng có cô gái dịu dàng xinh xắn đến bảo, chú Cường ơi làm chương trình, ừ thì làm”. “Cô gái xinh xắn” chính là ca sĩ Ngọc Châm - chủ của chuỗi chương trình Vàng son một thuở. Đây là lần đầu tiên chuỗi này động đến một nhạc sĩ còn sống, và hơn nữa sống trẻ, sống khỏe.

Về sự trẻ khỏe của Nguyễn Cường thì thanh niên khó bì. Ông duy trì chế độ luyện tập theo đúng biệt danh Mr. Five (tức Ông Năm) từ khi mới ngoài 30. Sáng dậy thể dục một mạch 50 phút, mỗi ngày đi bộ ít nhất 5 cây, cứ đến 5h chiều là bơi 500m trong vòng nửa tiếng. Ngày nào cũng ba đầu việc như thế. Đúng là sống kỷ luật thế thì thời gian đâu ra mà… làm liveshow?

Một trong những lý do nữa là… vợ không cho tiền (làm show). Ở tuổi thất thập, nhạc sĩ mới “dám” nhắc đến vợ. Ông nói: “Vợ tôi đặc biệt không bao giờ muốn được nhắc tới trong các bài báo. Cô ấy rất tự trọng, đến mức thái quá. Tuổi Dần mà lại. (Vợ Nguyễn Cường kém chồng 19 tuổi - PV). Cho nên không thích bề nổi. Có công việc độc lập và rất tự tin, chỉn chu. Ở nhà, cô ấy rất ít nói, chỉ cười khi cần thiết, không bao giờ cười thừa”.

Định làm một đêm nhưng đối tác mua hết sạch vé, nên mới có đêm thứ hai. Đối tác chính là những tập đoàn lớn từng đặt hàng bài hát Nguyễn Cường. Ông nói về “tập quán” nghe nhạc của dân Bắc Hà: “Hình như mời mới đi, không mời thì lại bảo không coi mình ra gì. Cái này không nên tí nào. Bỏ tiền ra để mua vé ủng hộ nếu anh yêu chứ.” Và nhạc sĩ tự tin thách thức với “tập quán” bằng cách không tặng vé, kể cả người thân.

Các chương trình thường giấu kịch bản rất ghê. Nguyễn Cường không thế. Ông công bố chương trình có bốn phần. Chương 1, Thanh Lam là nhân vật chính hát bài chủ đề Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội. Chương này nhấn mạnh xuất thân Hà Nội của tác giả có 4 bài thể hiện vẻ đẹp của bốn mùa Hà Nội và sáng tác mới nhất Gác xép - viết về ký ức Hà Nội cách đây 40 năm, nhà nào cũng có gác xép. “Mẹ ơi gác xép nhà xưa, vẫn đâu đây, vẫn đâu đây tiếng mẹ…” bài hát phỏng thơ của một người bạn Nguyễn Cường.

Chương 2 Mái đình làng biển thể hiện sự nối dài của văn minh sông Hồng ra biển với các bài Mái đình làng biển, Hò biển, và một sáng tác về chuyện tình Mỵ Châu Trọng Thủy cùng chùm ca khúc Độc thoại Thị Mầu. Quan điểm của nhạc sĩ: “Mau là người đàn bà đẹp nhất Việt Nam 4.000 năm nay”.

Siu Black phụ trách chương 3 Cao nguyên để thương với 5 bài. Phần này không thể thiếu giọng hát Y Moan. Siu Black vẫn trong thời kỳ ở ẩn sau scandal vỡ nợ cũng không thể từ chối lời mời của nhạc sĩ ruột. Ông kể: “Siu rất vui vì hai anh em đã bàn nhau mấy lần rồi. Tôi phải góp phần đưa Siu trở lại”. Về sự an toàn cho Siu Black, nhạc sĩ bình luận: “Ở một nơi văn hóa như thế này, không thể có chuyện ồn ào lùm xùm được”. Điểm nhấn của chương 4 là Tùng Dương với Khúc romance Hà Nội, kết bằng Tổ quốc ta cờ bay.

Đêm nhạc có sự tham gia của các giọng hát Việt Hoàn, Minh Thu, Vũ Thắng Lợi, Văn Viết, Đào Mác, Ngọc Châm, nhóm Cỏ Lạ… Đêm thứ hai không có Tùng Dương, Thanh Lam, bù lại khán giả có cơ hội nghe nhiều hơn cuộc đối thoại giữa nhạc sĩ và nhà sử học Dương Trung Quốc bạn ông, cả nhạc sĩ Trần Tiến và một nhà khoa học đến từ Đắk Lắk.

Tùng Dương cũng là “chàng thơ” duy nhất cho CD 12 bài Nguyễn Cường sắp ra lò. Về đĩa này, nhạc sĩ nói: “Âm nhạc của tôi không phải kiểu như tình cờ, đau đớn, anh anh em em…Tôi hết tuổi ấy rồi, kể cả còn tuổi cũng không muốn làm. Tôi muốn động chạm đến văn hóa. Tình yêu phải đặt trong văn hóa chung vùng miền. Như thế âm nhạc mới có cớ phát triển dân ca. Bài hát mà không mang màu sắc dân ca, tôi không công nhận. Tôi chỉ thích bài hát có mùi mắm tôm, nước mắm… đặc biệt của Việt Nam”.

Nguyễn Cường sinh 1943, 16 tuổi thi vào Nhạc viện Hà Nội học đàn cello. Tốt nghiệp 1963, ông được phân công về đoàn ca múa Tây Nguyên (nay là đoàn ca múa Đam San), lúc đó đóng tại Hà Nội và công tác ở đó hai năm. Ông được Giải thưởng Nhà nước năm 2007 cho các ca khúc: Hò biển (1974), H’Zen lên rẫy (1981), Một nét ca trù ngày xuân (1984), Em muốn sống bên anh trọn đời (1989), Đôi mắt Pleiku (1994).

MỚI - NÓNG