Nguy cơ từ đội tàu cá Trung Quốc ở biển Đông

Đội tàu cá Trung Quốc trở thành công cụ thúc đẩy chủ quyền. Ảnh: Getty Images
Đội tàu cá Trung Quốc trở thành công cụ thúc đẩy chủ quyền. Ảnh: Getty Images
TP - Trung Quốc vận hành một mạng lưới tàu cá được tổ chức thành lực lượng dân quân biển với vai trò bán quân sự trong thời bình và trong xung đột vũ trang, tạp chí Diplomat (Nhật Bản) ngày 10/8 nhận định.

Theo Diplomat, dân quân biển cung cấp cho quân đội Trung Quốc một lực lượng ít tốn kém, đồng thời gia tăng thách thức về chính trị, luật pháp và tác chiến đối với bất cứ đối thủ nào. Theo GS James Kraska (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ), quy mô và phạm vi hoạt động của mạng lưới dân quân biển rộng lớn của Trung Quốc khiến tình hình trở nên phức tạp, làm suy giảm bất kỳ tiến trình ra quyết sách nào của đối thủ.

Đội dân quân biển xóa nhòa sự khác biệt lâu nay giữa tàu chiến và tàu dân sự theo luật về hải chiến. Luật hải chiến bảo vệ các tàu cá ven bờ khỏi bị bắt giữ hoặc tấn công trong thời gian xung đột. Tuy nhiên, chiến hạm có thể tấn công tàu cá dân sự hỗ trợ lực lượng kẻ thù. Việc sử dụng các tàu cá như lực lượng hải quân thứ hai là vi phạm nguyên tắc phân biệt trong luật nhân đạo quốc tế, quy định rằng dân thường và các đối tượng dân sự được bảo vệ trước các cuộc tấn công vũ trang. Toàn bộ mục tiêu của nguyên tắc phân biệt nhằm bảo vệ dân thường, giảm thiểu ảnh hưởng của chiến tranh đối với họ. Nhưng lực lượng dân quân biển Trung Quốc xóa nhòa ranh giới phân biệt giữa tàu cá và tàu hải quân.

Theo Diplomat, với 200.000 tàu cá, Trung Quốc sở hữu đội tàu cá lớn nhất thế giới và ngành công nghiệp đánh cá nước này sử dụng tới 14 triệu người (25% tổng số ngư dân trên thế giới). Đội tàu khổng lồ này nếu hành động phối hợp chung với hải quân của Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh ở biển Đông và biển Hoa Đông, như ngăn cản tự do hàng hải, tiếp tế hậu cận cho các chiến hạm, tham gia xâm chiếm đảo…, Diplomat nhận định. Đội tàu cá của dân quân có khả năng được trang bị thiết bị điện tử tiên tiến, bao gồm hệ thống thông tin và radar bổ sung cho các trạm trinh sát của hải quân Trung Quốc, tăng cường trao đổi với các lực lượng khác như hải giám hay hải cảnh. Nhiều tàu thuyền có thể được trang bị hệ thống định vị, theo dõi vệ tinh, có chức năng thu thập, báo cáo thông tin tình báo trên biển.

Theo Diplomat, lực lượng dân quân Trung Quốc khai thác các ranh giới của luật pháp và do đó sẽ đẩy nhiều dân thường được luật pháp bảo vệ vào nguy cơ. Gần như không thể phân biệt tàu cá hợp pháp và tàu dân quân biển hỗ trợ hải quân Trung Quốc, vì số tàu cá và phạm vi hoạt động quá lớn, trong khi phía Mỹ và các đồng minh thiếu phương tiện giám sát. Diplomat nhận định, bất cứ tàu cá nào của lực lượng dân quân biển bị phá hủy trong trận chiến hải quân cũng sẽ được biến thành lá bài chính trị và ngoại giao để Trung Quốc khai thác.

Theo chuyên gia Zhang Hongzhou ở Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam tại Singapore, Trung Quốc trang bị cho lực lượng dân quân biển nhằm thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau ở các vùng biển tranh chấp. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có thể được sử dụng để kiểm soát ngư dân và củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông. Thăm đảo Hải Nam năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố rằng, dân quân biển không chỉ có nhiệm vụ đánh bắt hải sản trong khu vực, mà còn thu thập thông tin trên biển và hỗ trợ việc xây đảo nhân tạo.

MỚI - NÓNG