Chủ yếu là vốn vay
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ GTVT cách đây ít ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép các dự án BOT đường bộ đang triển khai theo đúng lộ trình đã ký hợp đồng với nhà đầu tư được tăng phí. Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo hoàn vốn đầu tư, tránh phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Tuấn kiến nghị Chính phủ: Xem xét, chấp thuận các kiến nghị của Bộ GTVT để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thu phí tự động không dừng khi dự án đang chậm tiến độ; Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất phương án xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí BOT giao thông; Chỉ đạo Bộ Công an và các địa phương có giải pháp đảm bảo trật tự tại các trạm
thu phí.
Trên thực tế, phần lớn số tiền đầu tư các dự án BOT giao thông là từ vốn vay ngân hàng, nhà đầu tư chỉ góp vốn tự có từ 10 đến 20%. Do đó, khi các dự án chưa thể thu phí, hoặc không được tăng phí theo phương án tài chính, số tiền vay từ ngân hàng đứng trước nguy cơ trở thành nợ xấu. Điển hình như Dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang), trong tổng số vốn gần 1.400 tỷ đồng, vốn tự có của nhà đầu tư chỉ hơn 200 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.
Từ năm 2017 tới nay, dự án không thể thu phí do bị người dân phản đối, khiến số tiền vay trở nên rất rủi ro. Tương tự, trạm thu phí T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ) cũng phải dừng thu phí từ tháng 5/2019 tới nay, đã ảnh hưởng tới dòng tiền của nhà đầu tư trả nợ ngân hàng. Do đó chủ đầu tư đề xuất nhà nước mua lại dự án. Trước đó, không ít nhà đầu tư do không được thu phí theo lộ trình đã ký hợp đồng với Bộ GTVT nên đề xuất trả lại Nhà nước, như BOT cầu Việt Trì - Ba Vì; BOT Chợ Mới - Bắc Cạn…
Trong báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, có nhiều dự án BOT giao thông doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu. Điều đó dẫn tới có hàng chục nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng cho các dự án BOT nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông bắt đầu tăng nhanh từ đầu năm 2019, chủ yếu là do doanh thu thu phí không đạt như dự kiến. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cảnh báo các ngân hàng thương mại về cho vay dự án BOT, BT giao thông.
Có nhiều trạm thu phí tụt doanh thu do phải giảm phí cho tất cả phương tiện, hoặc miễn phí cho khu vực lân cận trạm thu phí. Trong khi đó, theo hợp đồng Bộ GTVT ký với nhà đầu tư, định kỳ khoảng 3 năm, nhà đầu tư sẽ được tăng phí 1 lần, mỗi lần tăng từ 12 đến 18% tùy dự án.
Bộ kiến nghị Chính phủ cho tăng phí
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho tăng phí tại 49 dự án BOT đường bộ tới năm 2021 theo hợp đồng bộ này đã ký với nhà đầu tư, ưu tiên với các dự án có doanh thu thấp. Giải pháp này để các dự án không rơi vào tình trạng bị phá vỡ phương án tài chính, khoản vay đầu tư không thành nợ xấu. Trường hợp từ năm 2021 mới được tăng phí, Bộ GTVT tính toán, sẽ có 9 dự án nguy cơ phá vỡ phương án tài chính, ngân sách sẽ phải cấp bù 3.000 tỷ đồng.
Văn bản số 8020/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước gửi Thủ tướng cho hay, thời gian tới, một số dự án giao thông trọng điểm sẽ được triển khai theo hình thức BOT, như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng… Do đó, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục xem xét, tài trợ vốn cho các dự án theo cơ chế thương mại. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro trong cho vay, tăng tính khả thi của dự án, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan thu phí, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Dù đứng trước nguy cơ nợ xấu từ các dự án BOT, song chính các dự án BOT cũng tồn tại không ít bất cập trong hoạt động thu phí. Theo Tổng cục Đường bộ, qua thanh kiểm tra, giám sát các trạm thu phí, vừa qua, Tổng cục Đường bộ phát hiện một số trạm thu phí BOT chưa tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng xe, doanh thu theo quy định và hợp đồng dự án.
Một số trạm thu phí chưa nâng cấp trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ các dữ liệu theo quy định; Miễn, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đúng đối tượng; Triển khai thu phí tự động chậm... Do đó, Bộ GTVT tiếp tục phải yêu cầu các nhà đầu tư BOT chấp hành nghiêm các quy định pháp luật và hợp đồng ký với bộ. Đặc biệt là về quản lý thu - chi, sao lưu dữ liệu, tăng cường quản lý nội bộ, triển khai thu phí tự động, kiểm tra xử lý vi phạm để không xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí.
Về đề xuất tăng phí, một số chuyên gia giao thông cho rằng, chưa nên tăng phí khi những bất cập, tồn tại của các dự án BOT chưa được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt là cần quyết toán dứt điểm các dự án, triển khai thu phí tự động, giám sát thu phí hiệu quả… sau đó mới đặt vấn đề về tăng phí.