Nguy cơ đụng độ Nga-Mỹ tại Syria ngày càng hiện hữu

Ảnh: Dailystar
Ảnh: Dailystar
TPO - Với việc Mỹ tiếp tục kiên quyết quan điểm "Tống thống Syria Assad phải ra đi", cho thấy nguy cơ đụng độ Nga-Mỹ tại Syria thời kỳ hậu Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng gia tăng.

Đã có rất nhiều cuộc thảo luận giữa các bên về tương lai của Syria thời kỳ hậu IS. Tuy nhiên, các bên liên quan vì những toan tính khác nhau đã không tìm được tiếng nói chung, dẫn tới một số cuộc thảo luận bị trì hoãn hoặc nếu có cũng không đạt được kết quả khả quan.

Và việc Mỹ thêm một lần nữa muốn loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad khỏi đời sống chính trị Syria khiến cho bất đồng giữa Nga và Mỹ về việc thái thiết Syria thời hậu IS ngày càng gay gắt và khó giải quyết.

Thật vậy, từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Chính quyền Trump chưa bao giờ chính thức bác bỏ quan điểm “Assad phải ra đi” dù họ ra dấu hiệu rằng sự ra đi ngay lập tức của ông Assad không phải là điều kiện tiên quyết tuyệt đối cho các cuộc đàm phán về tương lai Syria.

Ngày 26/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gia đình ông không có vai trò trong tương lai quốc gia này ngay trước thềm vòng đàm phán hòa bình về sự chuyển tiếp chính trị tại Syria dự kiến vào tháng 11 tại Geneva (Thụy Sỹ). Động thái này của Mỹ một lần nữa cho thấy, Washington chưa bao giờ từ bỏ ý định loại ông Assad ra khỏi đời sống chính trị tại Syria.

Phát biểu với phóng viên sau khi hội đàm với Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết: "Mỹ muốn một đất nước Syria toàn vẹn và thống nhất mà ông Bashar al-Assad sẽ không có vai trò gì trong chính phủ. Chính quyền của ông Assad sắp kết thúc. Vấn đề duy nhất là cách thức để đạt được điều này".

Đồng thời, ông Tillerson cho rằng lý do duy nhất khiến cho lực lượng của Tổng thống Assad thành công trong việc đảo ngược tình thế cuộc chiến chống IS và các nhóm phiến quân khác là nhờ "sự hỗ trợ về không lực của Nga".

Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Chính quyền Washington khẳng định Assad phải ra đi mới chấm dứt được nội chiến Syria. Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin vào tháng 11/2015, ông Obama đã lên tiếng cho rằng cuộc nội chiến tại Syria sẽ không thể chấm dứt chừng nào mà Tổng thống Bashar al-Assad còn tại vị, đồng thời bác bỏ gợi ý rằng nhà lãnh đạo Trung Đông có thể tham gia cuộc bầu cử trong tương lai.

Tuy nhiên, những toan tính này của Mỹ đã bị dội "gáo nước lạnh" từ phía Nga. Bởi theo quan điểm của Nga, ông Assad sẽ vẫn là Tổng thống của Syria. Nước Nga sẵn sàng cam kết cung cấp các vũ khí hạng nặng trong cuộc chiến ở Syria và sẵn sàng chấp nhận tổn thất để bảo vệ chế độ ông Assad.

Ngày 24/10, Nga đã bỏ phiếu phủ quyết kéo dài cuộc điều tra của Liên hợp quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, điều cho thấy Moscow coi vấn đề này đã kết thúc và không cần điều tra thêm.

Động thái này của Nga hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Mỹ cho rằng, ông Assad có thể tiếp tục sở hữu và sử dụng các vũ khí như vậy đặt ra mối đe dọa. Mỹ bày tỏ dấu hiệu rằng thậm chí ngay sau khi IS bị đánh bại khỏi lãnh thổ Syria, Washington sẽ không coi cuộc nội chiến Syria được giải quyết. 

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng, hoàn toàn không thể chấp nhận được khi đưa ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho việc ông Assad phải ra đi.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ngày 24/10, hiện tại các phần tử khủng bố IS chỉ còn chiếm giữ 5% lãnh thổ Syria. Điều đó cho thấy, việc IS tại chiến trường Syria sụp đổ hoàn toàn chỉ là vấn đề thời gian.

Hiện tại, quân đội của Nga và Mỹ đều được cho là đang giữ liên lạc để ngăn chặn các vụ đụng độ trên bộ và trên không - nhưng các rủi ro vẫn luôn có thể xảy ra.

Đặc biệt, việc Mỹ đẩy mạnh nỗ lực để ngăn chặn quân đội chính phủ Syria, đặc biệt là các đơn vị của Iran được cài cắm vào quân đội chính phủ Syria hay đưa các binh sĩ của phe đối lập trở lại vị trí đó đều là những động thái khiến nguy cơ đụng độ với phía Nga gia tăng. 

Như vậy, sau khi Nga và Mỹ loại bỏ được mối đe dọa chung từ các phần từ IS, hai cường quốc này lại phải đối mặt với một nguy cơ đối đầu khác đó là những toan tính về việc tái thiết Syria, cũng như cuộc chiến giữa việc "giữ lại" và "loại bỏ" chính quyền của ông Assad.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.