Nguy cơ dịch lợn tai xanh lan rộng: Điếc không sợ súng

Nguy cơ dịch lợn tai xanh lan rộng: Điếc không sợ súng
TP - Trong khi dịch lợn tai xanh đang lan ra nhiều tỉnh, thành ở phía Bắc, thì tại Hải Dương, địa bàn trọng điểm về dịch, người dân vứt lợn tai xanh chết tự do ngoài sông, hồ.

Theo báo cáo của tỉnh Hải Dương, đến nay dịch tai xanh trên đàn lợn tại Hải Dương diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 38 xã thuộc 5 huyện (Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Thanh Hà) có dịch tai xanh trên đàn lợn; với tổng số đàn lợn bị ốm gần 6.000 con, phải tiêu hủy 3.266 con.

Sáng qua, Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm và lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương về kiểm tra công tác phòng, chống dịch tai xanh tại xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng). Tại địa phương này, việc phòng, chống dịch tai xanh thực sự đáng lo ngại, khi mà người chăn nuôi và một số chủ buôn lợn giống vứt xác lợn bừa bãi ra sông, ao, hồ gây ô nhiêm môi trường.

Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Lỗi - Vũ Thạch Bồn, khi xảy ra dịch, lực lượng tham gia phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Khi lợn chết, lực lượng an ninh xã, thú y viên đều từ chối tham gia tiêu hủy. Nên chủ hộ chăn nuôi có lợn chết bệnh vứt lợn ra bãi rác, sông, hồ, không chôn lấp.

Theo ông Bồn, nguyên nhân chủ yếu là chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Trong khi trên địa bàn xã có 15-20 hộ chuyên buôn bán lợn con, nên việc kiểm soát lưu thông đối với các hộ này gặp nhiều khó khăn.

Sau khi kiểm tra tại xã Thạch Lỗi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Trọng Thừa cho rằng: Việc phòng, chống dịch tai xanh ở xã này yếu kém. Hệ thống chính quyền đoàn thể ở đây hầu như tê liệt. Tình trạng này cần sớm được khắc phục.

Thực tế, ở Hải Dương, không chỉ có xã Thạch Lỗi, mà tại xã Thái Hoà- Bình Giang, tình trạng lợn tai xanh chết được vứt ra sông, hồ khá nhiều. Điều này cho thấy công tác phòng chống dịch thực sự đáng lo ngại.

Dịch đang lan nhanh

Theo ông Hoàng Văn Năm, dịch tai xanh xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hải Dương, sau đó lan nhanh ra các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đến ngày hôm nay, dịch tai xanh tại các tỉnh đã làm 23.763 con lợn ốm, 8.300 con lợn phải tiêu hủy.

Mặc dù Bộ NN&PTNT sớm có chỉ thị về công tác phòng, chống dịch tai xanh. Tuy nhiên, kết quả phòng, chống dịch tai xanh chưa được như mong đợi. Vì vậy, dịch tai xanh vẫn lây lan nhanh.

Hiện, dịch tai xanh đã xuất hiện và bùng phát ở 6 tỉnh, thành phố phía Bắc là Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Phòng.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Viện Thú y) cho rằng, qua nghiên cứu thực tế cho thấy, vi rút tai xanh thường biến đổi nhiều hơn so vi rút cúm gia cầm. Vì thế, nếu như trước đây dịch tai xanh thường làm lợn nái, lợn con chết, nhưng nay nếu nhiễm bệnh này thì lợn thịt lại chết nhiều hơn.

Từ năm 2007 đến nay, dịch tai xanh thường xuất hiện vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Như vậy, dịch tai xanh diễn ra gần như theo quy luật, bùng phát đồng thời tại nhiều tỉnh.

Trước diễn biến khó lường của dịch lợn tai xanh, hôm qua, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị các tỉnh khẩn trương bao vây ổ dịch; kiểm soát chặt đàn lợn bị bệnh và việc vận chuyển, giết mổ lợn ốm. Nếu các địa phương không làm được khâu này thì công tác phòng, chống dịch thất bại.
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.