Nguy cơ dịch cúm A/H5N1 quay trở lại rất cao

Nguy cơ dịch cúm A/H5N1 quay trở lại rất cao
TP - Hôm qua (23/5), một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết kết quả xét nghiệm lần 2 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân P.M.P chưa rõ ràng, cần thêm thời gian để khẳng định.
Nguy cơ dịch cúm A/H5N1 quay trở lại rất cao ảnh 1
Người dân vẫn chủ quan với cúm gia cầm

TS Quỳnh Mai – Trưởng khoa Virus (Viện vệ sinh dịch tễ TƯ) - cơ quan chuyên môn được Bộ Y tế giao làm các xét nghiệm về virus H5N1 cho biết, tính đến ngày 23/5, Viện vẫn chưa xét nghiệm thấy mẫu bệnh phẩm nào có kết quả dương tính (nhiễm virus cúm H5N1).

Chiều 23/5, Ông Phùng Minh Chiến - Chủ tịch UBND xã Thạch Đà (Mê Linh, Vĩnh Phúc) cho biết sau khi nhận được thông báo chính thức từ Bệnh viện Bạch Mai, cho hay kết quả xét nghiệm lần 1 của anh P.M.P thường trú tại xã nhiễm virus cúm A/H5N1, xã đã tiến hành phun hóa chất khử độc môi trường. 61 người có tiếp xúc với bệnh nhân đã được khám, uống thuốc Tamiflu dự phòng và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Theo ông Chiến, xã Thạch Đà không phải là điểm chăn nuôi gia cầm. Gà mà anh P. thịt trong đám cưới được mua từ xã bên cạnh.

Liên quan đến việc này, bác sĩ Hồng Hà (Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia) cho biết thêm, cháu gái anh P., 16 tuổi cũng bị sốt, gia đình đưa ngay cháu xuống Viện để điều trị. Kết quả xét nghiệm cháu không nhiễm virus cúmA/H5N1.

Chiều qua, cháu gái này đã bình phục và được xuất viện. Các bác sĩ điều trị cho biết thêm sức khỏe của bệnh nhân P. khá hơn so với 2 ngày trước rất nhiều. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ăn được thức ăn lỏng như nước cháo, uống sữa...

TS Mai cho hay trung bình mỗi tuần Viện tiếp nhận hơn 10 mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm virus H5N1 từ các địa phương chuyển về, nhưng chưa có mẫu bệnh phẩm nào cho kết quả dương tính.

PGS.TS Phạm Ngọc Đính – Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, cúm H5N1 trên người có mối liên quan mật thiết với cúm gia cầm trên gà, vịt... Việc xuất hiện dịch cúm trên gia cầm vào thời điểm nắng nóng hiện nay là khác hẳn với mọi năm nhưng có thể giải thích là do trong môi trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều ổ virus, và virus từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.

Thêm tỉnh Đồng Tháp tái phát dịch cúm gia cầm

Chiều 23/5, trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Năm, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Cơ quan Thú y vùng VII (Cần Thơ) vừa công bố kết quả xét nghiệm dương tính virus cúm H5N1 đối với mẫu bệnh phẩm đàn vịt của một hộ gia đình xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Đàn vịt này có 1.600 con chết trong tổng đàn 2.600 con (vịt 30 ngày tuổi). Như vậy, từ 1/5/2007 đến nay, cả nước có 6 tỉnh tái phát dịch cúm gia cầm: Nghệ An, Sơn La, Quảng Ninh, Nam Định, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Cũng trong ngày 23/5, Cục Thú y xác nhận đàn ngan và gà của gia đình ông Trịnh Xuân An ở thôn Tân Lập, xã Tân Việt (huyện Đông Triều - Quảng Ninh) nhiễm virus H5N1.

Ngày 18/5, 256 con ngan (60 ngày tuổi) và 40 con gà (60 ngày tuổi) của gia đình ông An đã bị chết.                             

TS Đính khẳng định cúm gia cầm trên người không phân biệt xuất hiện vào mùa nào trong năm. Hiện nay trên thế giới cúm gia cầm xuất hiện rải rác quanh năm, Việt Nam không là ngoại lệ.

Vì vậy các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin ngừa cúm thông thường (không phải cúm H5N1) bất cứ khi nào có thể vì ngoài việc bảo vệ có hiệu quả chống nhiễm cúm theo mùa ở người.

Vắc xin này cũng góp phần ngăn chặn việc tạo ra biến chủng của virus cúm gia cầm, khi chẳng may có một người cùng nhiễm cả 2 loại virus cúm người và cúm gia cầm, khi đó 2 virus này có khả năng tái tổ hợp và tạo nên một chủng virus mới nhiều độc lực, có khả năng lây truyền trực tiếp từ người sang người, và một đại dịch cúm toàn cầu là khó có thể tránh khỏi.

Liên quan đến cúm H5N1, tin từ Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) cho biết đang trong quá trình hoàn thiện nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 dùng cho người.

Trao đổi với Tiền phong, PGS.TS. Lê Văn Hiệp - Viện trưởng IVAC cho biết hiện nay Viện đã xây dựng xong quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 trên trứng gà có phôi và đã sản xuất được 9 lô, tương đương 10.000 liều đạt yêu cầu kiểm định của phòng thí nghiệm tại chỗ.

Được biết, phôi trứng 10-11 ngày tuổi được chọn ra, sau đó chủng virus qua kiểm định được cấy vào phôi trứng, trải qua nhiều công đoạn phức tạp đã thu được vắc-xin cúm H5N1 thành phẩm.

Hiện nay, phôi gà sạch dùng sản xuất thử nghiệm vắc xin H5N1 của IVAC được lấy từ trại gà của Chi cục Thú y tỉnh. IVAC tiếp nhận chủng virus đã được làm sạch virus gây bệnh để làm vắc xin phòng bệnh H5N1 từ WHO. Đây là chủng virus để tạo vắc xin được Viện Nghiên cứu chế phẩm sinh học (Luân Đôn – Vương quốc Anh) phân lập và cung cấp cho WHO đạt tiêu chuẩn do Tổ chức y tế thế giới đặt ra. 

Viện đã gửi 5.000 mẫu ra Viện Kiểm nghiệm vắc xin và sinh phẩm quốc gia để đánh giá. Dự kiến cuối năm 2007, Viện sẽ kết thúc đề tài cấp Nhà nước này. Được biết, quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 của IVAC đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao và WHO đã tài trợ cho IVAC 25.000 USD.            

MỚI - NÓNG