Hiện tượng kỳ lạ được đề cập tới lần đầu tiên vào những năm 1990, khi nhà thiên văn học Carl Sagan ghi chép về vệt sáng trong một bức ảnh từ tàu vũ trụ Galileo. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature của các nhà khoa học cho thấy các chớp sáng không chỉ xuất hiện trên biển mà cả trên đất liền. Họ nhận thấy nhiều khả năng chúng có nguồn gốc từ những tinh thể băng nằm ngang trôi nổi ở trên cao, theo Phys.org.
EPIC, máy chụp hình Trái Đất đa sắc của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trên Đài quan sát khí tượng không gian sâu (DSCOVR) do Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ điều hành, phát hiện 866 chớp sáng trên đất liền trong thời gian từ năm 2015 đến tháng 8/2016.
Chớp sáng trên đại dương có thể chỉ đơn giản là sự phản chiếu của ánh sáng Mặt Trời bên trên bề mặt phẳng lặng của đại dương hoặc hồ nước, Alexander Marshak, nhà khoa học quản lý dự án DSCOVR, lý giải. Nhưng những chớp sáng trên đất liền lại khác.
EPIC chụp những bức ảnh màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương riêng biệt, khiến chớp sáng dường như có ba màu. Nếu hiện tượng do ánh sáng Mặt Trời phản xạ gây ra, nhóm nghiên cứu suy đoán họ cần tập trung vào các vị trí đặc biệt trên Trái Đất, nơi góc tạo bởi Mặt Trời và Trái Đất tương tự góc giữa tàu vũ trụ và Trái Đất. Họ tìm ra hai vị trí đáp ứng điều kiện này.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đặt giả thuyết những chùm sáng do nước trong tầng thượng quyển ở dạng tinh thể băng gây ra. Để tìm hiểu, họ dựng các góc phản xạ và sử dụng EPIC để đo độ cao của mây. Phân tích hé lộ vị trí mây ti trên cao, cách mặt đất 5 - 8 km, là nơi trông thấy những chớp sáng bí ẩn. Góc phản xạ chỉ ra các tinh thể băng nằm ngang.
"Nguồn phát ra chớp sáng không nằm trên mặt đất", Marshak nói. "Đó rõ ràng là do băng, nhiều khả năng là Mặt Trời phản chiếu trên các tinh thể nằm ngang".