Người vợ cuối cùng: Có gì hơn một dự án gia đình?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Người vợ cuối cùng - phim phóng tác từ cuốn truyện tâm linh trinh thám Hồ oán hận của Hồng Thái - liệu có vượt qua tầm cỡ một dự án quy mô gia đình? Vì người viết truyện là bố vợ của đạo diễn Victor Vũ, còn vợ anh - Đinh Ngọc Diệp - là nhà sản xuất kiêm diễn viên trong phim.

Con trai của Victor Vũ và Đinh Ngọc Diệp cũng đảm nhiệm một vai nhỏ trong phim. Màu sắc tâm linh của truyện đã bị lược bỏ, phim đơn thuần theo mô típ tình tay ba, thể loại kết hợp giữa diễm tình và phá án. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên cả trong Nam ngoài Bắc. Ai giữ giọng nguyên bản của người đó. Dẫn đến tình trạng bố của Diệu Linh (Kaity Nguyễn) nói giọng Bắc, mẹ giọng lơ lớ (kiểu Bắc giả giọng Nam) và con gái nói giọng Nam.

Đạo diễn cho biết, anh chọn diễn viên chứ không chọn giọng nói, để diễn viên tự nói cho có hồn. Và sau lần lồng tiếng cho diễn viên trong Mắt biếc, anh nhận thấy, việc lồng tiếng cho nhân vật chính rất cực khổ, chưa chắc đã đạt hiệu quả cảm xúc. Như vậy, để diễn viên tự thoại cũng là một cách tiết kiệm thời gian và chi phí.

Câu chuyện xảy ra ở một ngôi làng thuộc Bắc bộ nhưng tên làng Cua Ngộp lại có dấu hiệu phương ngữ (tiếng Bắc nói “ngạt” chứ không phải “ngộp”). Dân làng thay vì mặc nâu sồng lại dùng màu chàm. Kể cũng có lý, vì bối cảnh đặt tại tỉnh miền núi Bắc Kạn, ven hồ Ba Bể.

Người vợ cuối cùng: Có gì hơn một dự án gia đình? ảnh 1

Tuy trong nhà quan bị đối xử như tôi đòi nhưng khi ra ngoài, mẹ con Diệu Linh ăn vận rất thời trang

Tuy sống giữa một nơi sơn thủy hữu tình, có thể khai thác nhiều sản vật nhưng dân Cua Ngộp vẫn sống trong tình trạng nghèo đói mông muội. Điều này thể hiện qua những nếp nhà tạm bằng tranh tre nứa lá, tất cả nằm dúi dụi vào một chỗ - không ra dáng một ngôi làng. Gọi là làng nhưng không thấy đền chùa gì, ngay cả miếu thờ thành hoàng chẳng hạn cũng không. Đôi trẻ dắt nhau ra bãi đất trống thề nguyền phong long trước phong đình rồi thôi…

Người dân ăn mặc khá tươm tất (chứng tỏ nghề dệt và thương mại phải phát triển ở mức khá), tuy nhiên kiến trúc và quy hoạch của làng cho thấy sự tạm bợ không cân xứng. Trong khi dân gần như ăn lông ở lỗ, nhà quan toàn làm bằng gạch, gỗ hết sức bề thế, tòa ngang dãy dọc chắc chả kém kinh kỳ là mấy. Có thể sự chênh lệch về lối sống có tác dụng tô đậm khoảng cách giai cấp và cho thấy người dân bị bóc lột đến tận xương tủy.

Cũng như nhiều phim gần đây, tuy kể câu chuyện ở đồng bằng Bắc bộ nhưng lại toàn lấy cảnh nửa núi nửa nước kiểu ở Ninh Bình hoặc Bắc Kạn. Cộng thêm sự úi xùi trong dựng trường quay nên kết quả đều không làm toát lên được chất làng xã Bắc bộ. Điều này có thể lý giải: thứ nhất, do các đạo diễn tham cảnh đẹp lên phim cho lung linh lại được tiếng kích cầu du lịch; thứ hai cũng không có khả năng để đầu tư một phim trường cho ra tấm ra món, chưa kể còn phải có vốn sống, vốn văn hóa xứ Bắc nữa…

Tuy nhiên ở phim này, hành xử của các nhân vật đều dừng lại ở mức bản năng, mông muội đâm ra lại khá ăn rơ với sự tạm bợ của nơi họ sống. Nam chính Nhân (Thuận Nguyễn) không thể gọi là chất phác hay dũng mãnh mà vừa giống kiểu “chàng ngốc” lại có máu côn đồ. Và đương nhiên bất cần, vì toàn đưa người yêu vào vòng nguy hiểm. Cả Nhân và Linh “sống chết mặc bay” đều lao vào nhau bất cứ khi nào có thể. Trong khi họ thừa biết, sự độc ác và hung hãn của tri huyện cùng bà cả, chưa kể nếu vỡ lở còn ảnh hưởng đến bố mẹ hay con của Linh. Mối quan hệ giữa Linh và Nhân vì thế đậm màu sắc dục hơn tình yêu.

Người vợ cuối cùng: Có gì hơn một dự án gia đình? ảnh 2

Làng Cua Ngộp chỉ đơn giản là vài túp lều gianh

Đến lượt tri huyện (Quang Thắng) cũng hành xử một cách thiếu nhân tính, dù đang mong Linh đậu thai nhưng vẫn đánh đập cô không thương tiếc, lại toàn vào chỗ hiểm. Mặc dù phải lấy vợ đến lần thứ ba mới ra được mụn con gái, nhưng cha con tỏ ra như chưa hề quen biết trong những lần hiếm hoi chung khung hình.

Bà cả (Kim Oanh) mang tiếng con quan đốc học, nhưng từ lời nói đến việc làm đều như phường chợ búa, nanh nọc mà không thâm hiểm. Tóm lại, mấy nhân vật ác là phải ác đến mất nhân tính giống như trong cổ tích mới chịu. Các nhân vật dù chính hay phản diện đều tư duy hết sức đơn giản, một chiều. Đâm ra thoại phim cũng hết sức tẻ nhạt và rời rạc. Trong nhà quan, mọi người quá lắm nói được ba câu rồi chỉ trực lao vào cấu xé nhau chẳng vì lý do gì.

Phải sau 2/3 thời lượng, phim mới khởi sắc lên chút khi có sự xuất hiện của thám tử Kiên - do triều đình cử xuống để điều tra vụ mất tích của một người thừa hành công vụ trong huyện. Vai diễn của Quốc Huy có thể nói ra chất điện ảnh nhất, là điểm sáng của phim. Kaity Nguyễn diễn tròn vai và tự nhiên. Thực ra vai này cũng dễ, vì toàn hành động theo kiểu nghĩ gì làm nấy. Dàn diễn viên miền Bắc dù đều có hạng cả nhưng cũng không thể vực dậy được các nhân vật không thân phận, thiếu cá tính cũng chẳng có chiều sâu.

Mặc dù câu chuyện xảy ra trong thời phong kiến, nhưng có thể thấy hành xử và lời ăn tiếng nói của các nhân vật rất hiện đại, chả có vẻ gì là biết đến chứ đừng nói đến lo ngại lễ giáo, gia phong gì. Những cái tên như Diệu Linh, Đông Nhi không biết có phổ biến ở nông thôn từ thời Nguyễn chưa, rồi những từ hiện đại như “ngoại tình”, hay “tiền bẩn” cũng được nhân vật thốt ra hết sức tự nhiên. Thực ra, câu chuyện này nếu được kể ở thời hiện đại có khi còn hợp lý hơn. Việc đưa về thời xưa có thể sẽ thu hút khán giả hơn, nhưng rất tiếc ngoài phục trang có vẻ cầu kỳ ra, phim chưa phục dựng được không gian văn hóa của một thời cụ thể nào.

Có câu rằng, bi kịch là khi khán giả khóc chứ không phải nhân vật. Còn với Người vợ cuối cùng e khán giả khó có thể xúc động dù Kaity Nguyễn có rơi bao nhiêu nước mắt đi nữa.

MỚI - NÓNG