Người trẻ lấy binh làm nghiệp - Kỳ 3: Nhà khoa học đam mê lịch sử và vật lý

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Quân đội, Trung tá Phạm Đình Quý (36 tuổi, Viện Khoa học – Công nghệ quân sự) đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, vươn lên trong học tập, để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại thiết bị quan sát, ngắm bắn được ứng dụng vào huấn luyện, chiến đấu, góp phần xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại.

Không ngại khó, ngại khổ

Cùng đi tham quan các công trình khoa học, Phạm Đình Quý chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, ở vùng quê miền Trung đầy nắng gió, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Được Quân đội bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo trở thành nhà khoa học, tôi phải cố gắng để có nhiều công trình khoa học được ứng dụng vào trong huấn luyện, chiến đấu”.

Trong quá trình hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, anh Quý đã chủ trì 6 đề tài, tham gia là thành viên chính hơn 10 đề tài các cấp. Trong đó, có nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tế huấn luyện, chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân.

Chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng thuộc chương trình chế tạo xe chiến đấu bộ binh trong nước: “Nghiên cứu chế tạo kính ngắm pháo thủ, kính trưởng xe và lái xe bơi cho xe chiến đấu bộ binh”. Chỉ trong vòng một năm với sự cố gắng của Phạm Đình Quý, cùng nhóm nghiên cứu đã giải quyết rất nhiều vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật cũng như công nghệ để thực hiện thành công nhiệm vụ và nghiệm thu cấp Bộ quốc phòng.

“Kính ngắm đa kênh cho pháo thủ sử dụng công nghệ ảnh nhiệt tích hợp đo xa laser và kính trưởng xe ngày đêm có sử dụng ảnh nhiệt, sản phẩm đã được áp dụng, thử nghiệm trực tiếp trên xe chiến đấu bộ binh, được các cơ quan, đơn vị và chuyên gia đánh giá cao. Sản phẩm đang tiếp tục được đặt hàng sản xuất giai đoạn tiếp theo”, Phạm Đình Quý cho biết.

Đề tài này được thực hiện trong thời gian 1 năm từ khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ. Tuy nhiên chỉ 8 tháng, theo yêu cầu nhóm đề tài phải nghiên cứu chế tạo xong sản phẩm để lắp đặt lên xe, nên mọi thành viên phải làm cả ngày và đêm, không kể ngày nghỉ, ngày lễ. “Bản thân tôi ngay lúc đấy bố bị bệnh nặng phải nhập viện điều trị dài ngày. Áp lực lên bản thân rất lớn, làm sao vừa hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao, vừa hoàn thành đạo làm con. Thật sự, đây là quãng thời gian khó khăn nhất của tôi kể từ khi công tác trong quân đội. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của thủ trưởng đơn vị, sự chia sẻ, động viên của đồng chí, đồng đội cũng như sự hỗ trợ của gia đình, cùng với tinh thần người lính trên mặt trận nghiên cứu khoa học, không ngại khó, không ngại khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, anh Quý chia sẻ.

Người trẻ lấy binh làm nghiệp - Kỳ 3: Nhà khoa học đam mê lịch sử và vật lý  ảnh 1

Phạm Đình Quý (thứ nhất bên phải) cùng cộng sự thử nghiệm kính trưởng xe hỗn hợp ngày đêm cho xe BMP-1.

Người trẻ lấy binh làm nghiệp - Kỳ 3: Nhà khoa học đam mê lịch sử và vật lý  ảnh 2

Thử nghiệm thiết bị trộn ảnh quang học ảnh nhiệt và khuếch đại ánh sáng yếu

Trải qua 10 năm nghiên cứu khoa học, công trình khoa học đã để lại cho Quý nhiều kỷ niệm đó là, khi dịch COVID - 19 bùng phát, với tinh thần người lính nghiên cứu khoa học, Quý đã cùng các cộng sự trong thời gian rất ngắn đã nghiên cứu chế tạo thành công Hệ thống đo thân nhiệt từ xa, giúp phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp nghi ngờ sốt do COVID - 19 gây ra. Sản phẩm hoạt động hiệu quả được sử dụng ở nhiều cơ quan, đơn vị trong quân đội và một số địa phương, giúp kiểm soát thân nhiệt tại cổng ra vào trụ sở làm việc, góp phần vào công tác chống dịch hiệu quả.

Yêu Bộ đội Cụ Hồ từ những trang sử

Nói về tình yêu người lính và tự hào về bề dày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tá Phạm Đình Quý cho hay: “Tôi đam mê lịch sử và vật lý. “Tôi đã đọc nhiều sách lịch sử, tự hào với truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, cảm phục về phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đội quân do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện đã chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, lập nên biết bao chiến công hiển hách”.

Những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Những người lính đó đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, khí phách can trường, tràn đầy nhiệt huyết, tư tưởng cách mạng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Người trẻ lấy binh làm nghiệp - Kỳ 3: Nhà khoa học đam mê lịch sử và vật lý  ảnh 3

Phạm Đình Quý thử nghiệm kính ngắm pháo thủ đa kênh cho xe chiến đấu bộ binh do Việt Nam sản xuất.

“Người lính trẻ hôm nay phải vận động phù hợp sự phát triển của đất nước, sự phát triển của khoa học công nghệ. Phải tiếp cận tư duy của chiến tranh hiện đại; cùng với tinh thần, ý chí sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, phải hướng tới trình độ cao hơn và làm chủ các tiến bộ trong lĩnh vực khoa học công nghệ ...”, Phạm Đình Quý chia sẻ.

Phạm Đình Quý tâm sự, từ sự hòa quyện giữa đam mê vật lý, kỹ thuật với tình yêu người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, Quý chọn thi vào Học viện kỹ thuật Quân sự năm 2006 và đạt điểm số cao, được chọn vào lớp dự Khóa du học tại Liên Bang Nga. Sang Nga học tại trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moskva Bauman, đại học kỹ thuật hàng đầu nước Nga và nổi tiếng trên thế giới. “Nơi đây là cái nôi đào tạo nên các nhà bác học, các tổng công trình sư, các kỹ sư trưởng và kỹ sư nổi tiếng về kỹ thuật vũ trụ, hàng không, kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng và các ngành công nghệ cao. Trong những năm tháng học tại đây, tôi cố gắng học tập, nghiên cứu khoa học công nghệ, tiếp thu những kiến thức mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại để khi về nước có đủ kiến thức trình độ, năng lực nghiên cứu ra những loại khí tài hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại ”, Quý bày tỏ.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, Phạm Đình Quý đã được khen thưởng: 5 lần chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (2011, 2012 và 3 năm liên tiếp 2022-2024); Bằng khen của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2021; Bằng Khen của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng 2024; Điển hình tiên tiến giai đoạn 2019-2024 của Viện Khoa học – Công nghệ Quân sự...

Năm 2013, anh tốt nghiệp Đại học với tấm bằng xuất sắc, sau 1 năm về nhận công tác tại Viện Vật lý Kỹ thuật, Viện Khoa học - Công nghệ Quân sự, đúng theo chuyên ngành được học. “Được về cái nôi nghiên cứu khoa học - công nghệ quân sự, là điều mơ ước của tôi. Tôi cố gắng đem hết sức mình để nghiên cứu, sáng tạo những khí tài hiện đại phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng, Phạm Đình Quý chia sẻ.

Tại Viện Vật lý Kỹ thuật, anh chuyên nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại thiết bị quan sát, ngắm bắn ngày đêm cho các vũ khí bộ binh, xe tăng, xe thiết giáp, các loại tàu thuyền chiến đấu, tuần tra…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Sắc màu dân tộc tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX
Sắc màu dân tộc tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX
TPO - Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029, có sự tham gia của 980 đại biểu đến từ 54 dân tộc anh em, đại diện cho hơn 21 triệu hội viên, thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Trang phục truyền thống của các đại biểu dân tộc thiểu số đã mang đến sắc màu rực rỡ tại Đại hội.