NATO triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine: Tam giác 3-3-3

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến Ukraine đang ở thế chông chênh do xoay quanh 3 yếu tố ủng hộ, 3 yếu tố phản đối và 3 phản ứng có thể đến từ Nga.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã bày tỏ ý định thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa Ukraine và Nga khi ông nhậm chức vào tháng 1 tới. Ông cho biết đã đạt được một số tiến bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình, mặc dù thừa nhận tình hình rất phức tạp.

3 thuận lợi

Ông Trump khuyến khích các quốc gia châu Âu gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine. Pháp, Anh và Đức đang cân nhắc đề xuất này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố Đức có thể tham gia đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine trong tương lai, nhưng nhấn mạnh còn quá sớm để xác định chi tiết về lực lượng gìn giữ hòa bình.

Dự kiến, ngày 18/12, Tổng thư ký NATO Mark Rutte tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại dinh thự của ông ở Brussels.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ý trong hôm nay (18/12) và những ngày tới sẽ khuyến khích NATO đưa quân tới Ukraine để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn, với điều kiện Ukraine nhận được lộ trình rõ ràng về tư cách thành viên NATO.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang có kế hoạch họp tại Brussels vào tối nay (theo giờ địa phương) với Tổng thống Ukraine và người đứng đầu NATO Mark Rutte để thảo luận về các kế hoạch hòa bình và khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine. Cuộc họp diễn ra sau áp lực từ ông Trump về việc các nước châu Âu giám sát bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai giữa Kiev và Mátxcơva bằng cách gửi quân tới Ukraine.

Ngoài hai ông Rutte và Zelensky, những người được mời tham gia cuộc họp bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles ngày 17/12 nói rằng, không loại trừ khả năng Úc sẽ tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong tương lai tại Ukraine. Các cuộc thảo luận của ông tại London với các quan chức Anh đã củng cố cam kết của Úc trong việc hỗ trợ Ukraine.

NATO triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine: Tam giác 3-3-3 ảnh 1

Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky tại Kiev trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông với tư cách là Tổng thư ký, ngày 3/10/2024. Ảnh: NATO.

3 khó khăn

Trước khi cuộc họp diễn ra, thông tin trên báo chí địa phương thể hiện 3 yếu tố bất lợi đối với việc NATO đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.

Một là, Ba Lan kiên quyết từ chối, viện dẫn quyền quyết định chủ quyền trong các vấn đề quân sự.

Hai là, sự bất đồng nội bộ trong Liên minh châu Âu (EU), với Đức và Hungary phản đối việc nhanh chóng đưa Ukraine vào NATO.

Ba là, sự do dự từ công chúng và các nhà lãnh đạo châu Âu do lo ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.

NATO triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine: Tam giác 3-3-3 ảnh 2

Binh sĩ một số nước thành viên NATO. Ảnh: The Telegraph.

3 phản ứng

Nếu quân nhân NATO xuất hiện trên đất Ukraine, nhiều khả năng Nga sẽ từng bước hoặc cùng lúc có 3 phản ứng mạnh.

Từ chối ngoại giao: Nga coi bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây nào ở Ukraine cũng là tiền đồn của NATO, tương đương với việc Ukraine gia nhập NATO. Nhiều khả năng Nga sẽ lập tức bác bỏ, phản đối, lên án việc triển khai này.

Leo thang quân sự và chính trị: Nga có thể gia tăng các hoạt động quân sự hoặc châm ngòi cho các sự cố nhằm làm suy yếu uy tín của NATO. Nga cũng có thể gia tăng triển khai quân sự dọc theo biên giới phía tây của Nga hoặc đe dọa trực tiếp đến các lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai ở Ukraine.

Phản ứng chiến lược: Nga có thể tăng cường quan hệ đồng minh với các quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên... hoặc triển khai lực lượng riêng để đối trọng với sự hiện diện của NATO.

NATO triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine: Tam giác 3-3-3 ảnh 3

Nga phóng thử tên lửa siêu vượt âm Zircon. Ảnh: Tass.

Có thể nói, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Ukraine phải đối mặt với những thách thức lớn về địa - chính trị và quân sự. Phản ứng mạnh từ Nga, cùng với sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu và những rủi ro về mặt tác chiến, khiến việc triển khai ngay lập tức trở nên khó xảy ra nếu không có những đột phá ngoại giao.

MỚI - NÓNG
Lực lượng chức năng TPHCM túc trực tại các cửa khẩu để ngăn dịch bệnh 'bí hiểm' từ châu Phi
Lực lượng chức năng TPHCM túc trực tại các cửa khẩu để ngăn dịch bệnh 'bí hiểm' từ châu Phi
TPO - Để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) theo dõi sát tình hình diễn biến dịch, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch. Hiện HCDC có bộ phận Kiểm dịch y tế quốc tế túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng hải TPHCM để kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài xâm nhập.
Nữ sĩ quan 'mũ nồi xanh' lan tỏa tinh thần 'Tôi yêu Tổ quốc tôi'
Nữ sĩ quan 'mũ nồi xanh' lan tỏa tinh thần 'Tôi yêu Tổ quốc tôi'
TPO - "Là một trong những thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, tôi cho rằng, tinh thần, khẩu khí “Tôi yêu Tổ quốc tôi” không phải là những điều xa xôi, mà còn là trách nhiệm thiêng liêng mỗi thanh niên Quân đội nói riêng, thế hệ trẻ của đất nước nói chung luôn khắc sâu trong tim", Đại úy Vũ Nhật Hương - Trợ lý Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) chia sẻ.