Vượt chặng đường hàng trăm cây số từ Hà Nội, tác phẩm và đại diện nhóm tác giả tham gia Hành trình Âm vang Điện Biên – Hào khí Trường Sa do T.Ư Đoàn tổ chức, lên Điện Biên.
Cũng là thành viên trong nhóm Bí thư Đoàn trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội Hoàng Khắc Biên - nhóm Chỉ đạo tác phẩm, chia sẻ: “Tác phẩm là sự kết tinh trí tuệ và sáng tạo của thầy và trò trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Được lấy cảm hứng từ cánh tay trong huy hiệu Đoàn Thanh niên, tác phẩm là hình ảnh bàn tay cầm cuốn chiếu thư được cách điệu và gắn với hình ảnh ngọn đuốc rực cháy với chiều cao 95cm, đế rộng 35cm và nặng khoảng 15kg. “Bức tượng mang thông điệp tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ luôn dẫn dắt soi đường cho thế hệ trẻ Việt Nam”, Hoàng Khắc Biên nói.
Nhóm trưởng Trần Văn Thược (sinh viên năm thứ 3 khoa Điêu khắc, quê Ninh Bình) cho hay: Nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ có rất nhiều hình ảnh tiêu biểu, như kéo pháo, xe đạp thồ, dân công mở đường… nhưng thể hiện tinh thần hào khí, đẹp nhất là hình ảnh ba chiến sĩ vẫy cờ trên nóc hầm tướng Đờ-Cát. Hình ảnh này được nhóm chọn để thể hiện trên bức phù điêu của tác phẩm”.
Chất liệu làm nên tác phẩm bao gồm đất gốm và đất lấy trên đồi A1. Trưởng nhóm Trần Văn Thược kể lại: “Đất lấy trên đồi A1 được mang về từ chuyến đi thực tế lên Điện Biên Phủ đợt tháng 2/2014 bằng xe máy. Nhóm mình lấy đất trên đồi A1 vì đây là địa danh gắn liền với trận đánh lịch sử và dễ liên tưởng, biết đến khi nhắc tới”. Trần Văn Thược cũng cho hay, trong quan niệm đất có vai trò quan trọng đối với sự sống của con người và được ví như tấm lòng của người mẹ. Khi đó, tác phẩm gửi tới Điện Biên Phủ và Trường Sa mang ý nghĩa kết gắn bền chặt hơn.
Từ lúc chuyển ý tưởng trên những khuôn giấy thành tác phẩm, nhóm 5 người của Thược toàn sinh viên năm thứ 3, khoa Điêu khắc miệt mài làm việc suốt hai tuần. Theo những thành viên trong nhóm, khó khăn để tạo nên sản phẩm mang chủ đề Âm vang Điện Biên - Hào khí Trường Sa không chỉ xây dựng ý tưởng mà còn lựa chọn hình ảnh biểu tượng, tạo ra những đường nét cho tác phẩm, tính toán kết cấu vật liệu, dáng hình... Về kết cấu của bức tượng, Thược bảo đất lấy từ đồi A1 cần được trộn với đất gốm với tỉ lệ phù hợp, đảm bảo sự kết dính chặt chẽ, dễ tạo hình; đảm bảo yêu cầu về tính đơn giản. Đồng thời, phù hợp với nhịp sống hiện đại và không gian trưng bày mang tính nội thất của Bảo tàng.
Theo Bí thư Đoàn trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tác phẩm sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ trong ngày 7/5. Một phiên bản khác của bức tượng sẽ được mang tặng quần đảo Trường Sa trong dịp Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2014. “Tác phẩm không chỉ thể hiện sức trẻ nhiệt huyết, sáng tạo mà còn gắn với khát vọng gắn gần và chặt hơn nữa giữa biên cương và hải đảo của Tổ quốc; giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc”.