Người tiêu dùng kêu trời

Người tiêu dùng kêu trời
LTS: Bắt đầu từ 1/1/2005, giá bán điện sinh hoạt mới của Tổng Cty Điện lực Việt Nam đã chính thức được áp dụng. Những ngày qua, người tiêu dùng cả nước vẫn đang ngỡ ngàng và bức xúc với cách tính mới này, đặc biệt là những hộ sử dụng quá 300 số/tháng phải trả một mức giá quá cao so với những người dùng ít hơn mức trên. Có thời điểm người dân phải trả tới... 62.000 đồng cho 2 số điện (giữa số thứ 209 và 301). Phải chăng  người tiêu dùng đang bị “đánh thuế thu nhập” thêm một lần nữa?

Bán điện sinh hoạt theo giá mới

Người tiêu dùng kêu trời

Theo cách tính mới, chỉ cần vượt ngưỡng 5 - 10 số điện, người dân phải trả thêm cả trăm ngàn đồng. 

Ngành điện: Xem công tơ theo giờ!

Theo Cty Điện lực Hà Nội, việc ghi chỉ số đồng hồ thường vào nửa cuối hàng tháng. Ví như kiểm tra ngày 20/12/2004 thì đến 20/1/2005 kiểm tra tiếp. Như vậy sẽ có 12 ngày của tháng 12 năm 2004 và 19 ngày của tháng 1 năm 2005. Số điện sử dụng và số tiền phải nộp được áp dụng theo tỷ lệ (12 ngày của tháng 12 - khung giá cũ) và 19 ngày của tháng 1 - khung giá mới)?  Đây là cũng là một vấn đề rắc rối.

Với cách tính giá mới, các hộ dân dùng trên 300 số điện sẽ chịu mức giá khởi điểm 1100 đ/số cho 200 số đầu; từ số 201 đến số 300 phải chịu mức giá 1.340 đồng/số; từ số 301 đến 400 sẽ chịu mức giá 1.400 đồng/số; từ số 401 trở lên người tiêu dùng phải chịu mức giá 1.500 đồng.

So với hộ dùng từ 300 số/tháng trở xuống (mức giá khởi điểm 100 số đầu là 550 đồng/số; mức cao nhất từ 201 số đến 300 số là 1340đồng/số thì khung giá áp dụng đối với hộ dùng trên 300 số/tháng chênh lệch rất cao. Tuy nhiên chỉ những chủ hộ dùng trên 300 số/tháng mới bị điều chỉnh. Con số này ước khoảng 100.000 hộ.

Người tiêu dùng kêu trời ảnh 1

Song, ranh giới trên và dưới 300 số thật mỏng manh và người tiêu dùng rất dễ “bị thiệt”. Ví như nếu hộ dùng 299 số/tháng thì tổng số tiền phải trả là: 100x550+ 50x900+50x1210+ 99x1.340 = 293.100 đồng. Trong khi đó hộ dùng 301 số điện sẽ  hết số tiền là :200x1.100+100x1.340+1x1400 = 355.400 đồng. Như vậy chỉ chênh 2 số điện, hộ dùng 301 số/tháng sẽ phải chi thêm 62.000 đồng.

- Tháng 4/2005, sẽ mắc đồng hồ điện tử tính giá điện theo giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường. 

- Khoảng 100.000 hộ tại Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng.

- Tháng 4/2005 sẽ mắc đồng hồ điện tử tính giá điện theo giờ cao điểm, thấp điểm.

Để tránh “trượt số”, gây thiệt hại cho hàng ngàn khách hàng đòi hỏi nhân viên kiểm tra chỉ số phải kiểm tra đúng giờ, đúng ngày nhất định hàng tháng. Tuy nhiên vấn đề thực hiện lại không dễ. 

Một vụ tắc đường, một cơn mưa bất chợt hay gặp ngày mưa bão, là không thể ghi chỉ số đúng giờ. Như vậy hàng ngàn khách hàng có thể bị thiệt hại với số tiền không hề nhỏ. Với 370.000 đồng hồ của Hà Nội, việc bố trí kiểm tra đúng giờ, ngày hàng tháng xem ra là bài toán quá khó của ngành điện.

Được biết, để thay đổi cách tính tiền mới, Cty Điện lực Hà Nội đã phải thay đổi toàn bộ phần mềm tính tiền. Đánh giá về cách tính tiền mới, Cty Điện lực Hà Nội cho rằng, ưu điểm lớn nhất chính là buộc người dân sẽ phải tiết kiệm sử dụng điện. Cty cũng sẽ kiểm tra và thực hiện việc lắp đồng hồ điện tử tính tiền theo giờ đối với những hộ 3 tháng liền sử dụng trên 300 số/ tháng.

Với việc bắt đầu điều chỉnh giá điện theo Quyết định 215 của Thủ tướng kể từ ngày 1/1/2005, ngành điện đang phải “vắt chân” chạy.

Ông Đào Văn Hưng - Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực Việt Nam:

Người tiêu dùng kêu trời ảnh 2
Ông Đào Văn Hưng
Việc ban hành giá điện mới đã được cân đối 

Chiều 18/1, ông Đào Văn Hưng đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Tiền phong qua điện thoại.

Thưa ông, người tiêu dùng đang phản đối việc áp dụng giá điện mới với vấn đề “định mức 300 số”,  xin được hỏi ông về quan điểm của EVN?

Tất cả đã có trong quy định 215 của Thủ tướng, Tổng Cty Điện lực VN chỉ là cơ quan thi hành và ở thời điểm này thì chúng tôi không dám phát ngôn gì.

Cơ sở nào để tính giá điện sinh hoạt mới, thưa ông?

Việc này xin các anh hỏi bên Bộ Công nghiệp (Quyết định của Thủ tướng về giá bán điện được ban hành theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp).

Thưa ông, nếu như giá điện sinh hoạt mới thực sự là không hợp lý, thì tới đây liệu ngành điện có điều chỉnh?

Tôi chỉ có thể nói rằng việc ban hành giá điện mới đã được cân đối dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng thể kinh tế - xã hội, có cân nhắc đến lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính):

Người tiêu dùng kêu trời ảnh 3
Ông Nguyễn Tiến Thỏa
Điều chỉnh giá điện nhằm vào 3 mục tiêu 

Thứ nhất: Hướng đến lộ trình một giá không phân biệt giữa đối tượng sử dụng điện trong nước và người nước ngoài cả về điện sản xuất kinh doanh lẫn điện tiêu dùng.

Thứ hai: Thực hiện việc bảo hộ giá điện cho người có thu nhập thấp và trung bình (theo tính toán của ngành điện có 60 - 70% hộ gia đình trong đó có nhiều CBCNV dùng ở mức dưới 300 số điện/tháng). Còn những hộ sử dụng vượt trên 300 số/tháng, theo khảo sát của ngành, hầu hết là đều có thu nhập từ trung bình khá trở lên. Trong khi đó, độ nguồn điện và lưới điện của VN chưa thực sự đáp ứng phụ tải phát triển điện tiêu dùng.

Thứ ba: Thực hiện bước bù chéo, điều tiết giữa điện sản xuất và tiêu dùng. Bởi từ trước đến nay, giá điện sản xuất trong nước ở VN  luôn bị DN kêu ca, phàn nàn là cao hơn điện tiêu dùng (trái với các nước khác là giá điện sinh hoạt thường đắt hơn). 

Theo tính toán của ngành điện, ngay cả khi đã có sự điều chỉnh giá điện sinh hoạt như vậy, ngành điện vẫn đứng trước khả năng phải giảm thu nhập 300 tỷ đồng/năm.

Ghi số điện chậm là dân đã thiệt rồi

Người tiêu dùng kêu trời ảnh 4
Ông Đỗ Văn Đường
(Ông Đỗ Văn Đường - Cán bộ Cty Điện lực Hà Nội nghỉ hưu)

Cách tính phụ trội có lẽ là không ổn vì nếu chỉ chậm vài giờ đồng hồ quay sang số bị phụ trội thì chúng tôi đã thiệt quá rồi. Tôi đề nghị nếu dùng phụ trội có 1 - 2 số điện mà bị tính mức giá cao ngay từ số đầu thì ngành điện nên đưa công tơ vào nhà để dân chủ động.

Chi phí cao quá thì chúng tôi chẳng sản xuất, kinh doanh được gì

Người tiêu dùng kêu trời ảnh 5
Chị Nguyễn Thanh Hà
(Chị Nguyễn Thanh Hà, 19 Lò Đúc, Hà Nội)

Nhà tôi, mỗi tháng điện sinh hoạt hơn 1 triệu đồng. Điện lại tính theo cách mới sẽ đội lên rất cao. Tôi thấy cách tính mới không ổn, làm cho người sử dụng bị thiệt thòi. Tôi có cửa hàng bán mặt hàng điện tử, mỗi tháng trả hơn 3 triệu đồng tiền điện, bây giờ tính theo cách mới kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Lẽ ra càng sử dụng nhiều thì giá càng phải giảm đi

(Ông Phạm Văn Hiếu - Chủ cửa hàng kinh doanh sắt thép - số 96, Đê La Thành)

Theo tôi khi khách hàng dùng quá số điện theo quy định thì càng phải giảm giá mới đúng. Có như vậy mới khuyến khích người dân sử dụng trang thiết bị dụng cụ điện bảo đảm.

Cách tính giá điện đang “quay ngoắt” sang một thái cực khác

Ngành điện đánh “thuế thu nhập” thêm... !

Phải chăng chỉ “đánh” vào túi tiền nhà giàu?

Cách tính giá điện mới: Chỉ 500.000 hộ bị thiệt ?

Xin mời bạn đọc đóng góp ý kiến về vấn đề này tại đây

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn Quốc Nam; Email: nqnam@fpt.vn

Tôi hoàn toàn phản đối việc áp dụng giá điện mới như Bộ Công nghiệp vừa ban hành. Như một số ý kiến và bài báo đã phản ánh, đây là một việc thể hiện sự vô lý của ngành điện khi áp dụng hình thức tính giá điện mới mà thực tế là thu thêm thuế đối với những người sử dụng quá 300 kw/tháng.

Nếu với lý do không khuyến khích sử dụng nhiều điện thì tại sao không áp dụng giá điện luỹ tiến như đang có? Việc truy ngược giá lại từ số kwh đầu tiên nếu tổng kwh của tháng quá 300 số thì làm sao đảm bảo được sự bình đẳng xã hội của người dân trong việc hưởng phúc lợi về giá "bao cấp" (như ngành điện vẫn nói) cho một số kwh nào đó dù là rất ít. Số các hộ bị ảnh hưởng bởi sự áp dụng giá này "chỉ là" 5% như ngành điện công bố. Vậy 5% này vì sao lại bị đối xử như vậy? Để bù lỗ cho ngành điện ư ?

Mà ngành điện cũng không tính đến kích cỡ của từng hộ: một người cũng như 10 hoặc hơn nữa trong việc dùng điện ư? Trong cơ chế kinh tế thị trường và trong giai đoạn hội nhập phát triển, điện cũng là một món hàng vậy mà ngành điện lại áp dụng cơ chế giá đi ngược lại quy luật chung. Hãy lấy gương của ngành Viễn thông trong những năm qua để áp dụng cho mình.

Huyền Vũ, Email: huyenvu90@yahoo.com

Chúng tôi thực sự bàng hoàng và khó hiểu trước kiểu tính giá mới của ngành điện (chẳng giống một nước nào, kể cả các nước kém phát triển). Phải chăng đây là điều tất yếu của hội nhập? Chúng tôi đồng ý với chủ trương tính một giá. Song cách tính như hiện nay thực sự chưa được sự đồng tình của đông đảo nhân dân khi dân rất lo ngại cái khoảng cách mong manh giữa 300 và 301 số điện.

Dân bỏ tiền ra mua điện, mua công tơ đo điện nhưng không được biết, không được có quyền nhìn thấy sự hoạt động của nó để điều chỉnh việc sử dụng điện. Với nỗi lo này, nhiều gia đình đã bắt đầu tiết kiệm triệt để (đây là điều mừng cho ngành điện) đến nỗi cả nhà cùng chung nhau sinh hoạt duới một ngọn đèn. Vì lương của chúng ta có hạn mà! Ôi ngành điện, hãy mang đến cho mọi nhà một điều gì mới đầu xuân, đừng để mọi người tắt hết điện.

Vũ Duy Anh, Email: viet_hn@yahoocom

Mấy ngày qua, cả khu tập thể chúng tôi đều lo rằng mình sẽ không đủ khả năng để kiểm soát lượng điện tiêu thụ, để làm sao cho mỗi tháng công-tơ của gia đình chỉ dừng lại ở số 300. Con số 301 đã tự nhiên trở thành một sự ức chế cho cả vợ lẫn chồng, bởi thêm một nỗi lo phải chi tiêu trong khi giá cả ngày một leo thang. Nói như thế không phải chúng tôi không có ý thức tiết kiệm điện khi chưa điều chỉnh giá điện.

Song nếu chỉ vì một vài số điện vượt định mức mà chúng tôi phải chịu cách tính cho cả 300 số đầu tiên thì quả là không công bằng. Trong cuộc họp báo công bố điều chỉnh giá điện ngày 22/1, ngành điện nói rằng sẽ kỷ luật nếu ghi sai, song cũng chính ngành điện đã nói trong trường hợp mưa gió không thể ghi số công-tơ - đó là việc của ngành điện - tại sao lại bắt người dân phải chịu?

Hơn nữa, đại đa số cán bộ công nhân viên đều phải đi làm trong giờ hành chính, đến giờ “cao điểm” mới được về nhà, vì lẽ gì chúng tôi phải chịu tính giá điện theo giờ cao điểm? Xin ngành điện hãy công bằng hơn trong tính giá ?

Hoàng Minh, Email: hoanghong228@yahoo.com

Theo thông tin được phản ánh trên Tienphongonline, ông Đào Văn Hưng - Tổng Giám đốc TCty Điện lực VN - khẳng định: Mọi việc đều thuộc vào quyết định 215/2004/QD-TTg về việc ban hành giá điện mới. Và cơ sở để tính giá điện mới lại do đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ? Tôi cho rằng cách trả lời đó là không đúng và thiếu trách nhiệm. Không nên chuyển mọi việc khó, nhạy cảm khi nhiều người dân quan tâm lên cấp trên để thoái thác trách nhiệm.

Tôi tin rằng Nhà nước do Đảng lãnh đạo luôn quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, từ quyền làm chủ từ cơ sở của nhân dân. Thủ tướng ra quyết định khi có đề nghị của Bộ trưởng, và Bộ trưởng ra quyết định chắc chắn phải từ đề nghị, phương án, tờ trình của TCty Điện lực VN ?

Việc tính giá điện đưa vào tiêu thức dưới 300 kwh/tháng và trên 300 kwh/tháng là thiếu cơ sở thực tế. Có rất nhiều gia đình trong các điều kiện cụ thể như nhà đông người, vị trí nhà thiếu ánh sáng, gia đình có người già, trẻ em... mặc dù đã rất tiết kiệm nhưng cũng không thể dùng dưới 300 kwh/tháng, đó là những thực tế khách quan.

Có lẽ nào giờ đây mỗi gia đình để tiết kiệm tiêu dùng phải cho con em mình học vào lúc sau 22 giờ? Mọi chương trình thông tin giải trí qua TV cũng sau 22 giờ? Trời rét đậm như những ngày qua (dưới 10oC) cũng sau 22 giờ mới sưởi cho người già?...Tôi có suy nghĩ với cách tính giá điện như QĐ trên sẽ lợi bất cập hại. Tiết kiệm điện nhưng sẽ tăng chi phí ở các lĩnh vực khác trong xã hội cho người dân.

Đất nước ta còn nghèo, tiết kiệm luôn là quốc sách nói chung và trong tiêu dùng điện nói riêng. Việc Thủ tướng quyết định tăng giá điện trong hoàn cảnh như hiện nay, là người dân tôi thấy đó là các quyết định tình huống cần thiết khi đất nước ta  chưa sản xuất điện được nhiều. Nhưng triển khai thực tế thì cách tính giá điện theo kiểu phân các hộ có mức tiêu thụ trên 300 kwh/tháng là thu nhập cao để điều tiết của TCTty Điện lực VN thì không thể chấp nhận được.

Hàng nghìn hộ tiêu dùng điện sẵn sàng theo dõi việc ghi chỉ số công tơ điện theo cam kết của ngành điện: Không được sai thời gian (tháng trước ghi giờ nào, tháng sau phải ghi đúng giờ đó), tôi tin rằng chắn chắn ngành điện sẽ phải xử lý rất phức tạp lỗi ghi sai giờ của nhân viên ghi công tơ điện.

Tôi cũng kiến nghị khi đến giờ đọc công tơ nếu không có người đến ghi chỉ số thì người dân sẽ phản ánh bằng gì (điện thoại phản ánh lỗi này thì ngành điện phải thanh toán), phản ánh tới đâu? Trong thời gian bao lâu người phản ánh được trả lời giải quyết?

Vũ Quốc Anh (Hà Nội), Email: qanhv@yahoo.com

Vừa qua, Nhà nước áp dụng cách tính giá điện sinh hoạt mới. Theo cách tính mới, nhóm hộ khách hàng sử dụng trên 300 kWh/tháng sẽ phải áp dụng giá điện bậc thang mới, tác động tăng chi phí cỡ 65.000 đ/tháng. Nhiều hộ dân kêu trời vì bị tác động và cho rằng chính sách vừa rồi là bất hợp lý. Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn lại vấn đề thì không hẳn như vậy.

Tại Thái Lan, một nước mà nhiều người dân VN biết đến nhất và có nền kinh tế phát triển hơn chúng ta, họ cũng áp dụng cơ chế tương tự. Có khác chăng chỉ là cơ chế này họ đã áp dụng từ năm 1997 và các hộ sử dụng được chia thành 2 mức (dùng đến 150 kWh/tháng và dùng trên 150 kWh/tháng!!!).

Với nhóm hộ ở mức thứ 2, giá điện áp dụng cao hơn nhiều mức giá ở nhóm hộ thứ nhất. Nếu phân tích theo hướng nhiều báo chí vẫn nêu thì có lẽ Thái Lan kém phát triển hơn Việt Nam vì định mức điện sinh hoạt thấp hơn?

Hỏi ra mới biết, vấn đề không hẳn vậy. Các nước càng phát triển thì giá điện càng phải được xác định theo cơ chế thị trường, và nhóm đối tượng được trợ giá càng bị hạn chế. (với cơ chế mới, ở Việt Nam, nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt vẫn được trợ giá chéo là 92% số hộ thành thị và 100% số hộ nông thôn). Trong khi tỷ lệ tương ứng ở Thái Lan là 5% tổng số hộ. Có như vậy, họ mới có thể quy định giá bán điện cho SX-KD thấp hơn của ta và nhờ đó, kinh tế của họ mới phát triển và khả năng thu hút đầu tư của họ mới cao hơn của ta.

Nhiều khách hàng nói giá điện ở VN đi ngược cơ chế thị trường và đòi hỏi giá điện phải được thị trường hoá. Xem xét lại, nước ta đang thiếu điện. Như vậy, theo lý thuyết thị trường, trong trường hợp cung thấp hơn cầu, giá bán sẽ tăng lên.

Ngoài ra, trong cơ chế thị trường, không có doanh nghiệp nào lại dại dột mà đem bỏ biết bao chi phí, công sức để tuyên truyền khách hàng sử dụng tiết kiệm loại hàng hoá do mình cung cấp?

Cũng theo cơ chế thị trường, không doanh nghiệp nào lại dại dột mà đem bán một thứ hàng hoá với giá chỉ bằng chưa đếm 50% giá thành sản xuất của mình. (theo tính toán, sản lượng sử dụng điện sinh hoạt tập trung đến 80% vào giờ cao điểm trong khi giá thành SX điện giờ cao điểm là 1900 đ/kWh)?

Cuối cùng, trong khi khách hàng liên tục đòi hỏi giá phải theo thị trường thì khi Nhà nước tiến hành một bước cải tổ, giảm bù chéo giữa giá điện sản xuất cho giá điện sinh hoạt của một nhóm hộ để từng bước đưa giá điện theo cơ chế thị trường thì khách hàng lại phản đối cho đó là cửa quyền?

Cho đến nay, không kể hộ giàu hay nghèo, khách hàng đều được áp dụng cùng một biểu giá điện và cùng được hưởng chính sách trợ giá điện của Chính phủ. Điều này có hợp lý không khi một người có thu nhập cao, trong khi phải nộp thuế thu nhập cao cho Chính phủ sau đó lại được mua điện theo giá có trợ giá của Chính phủ.

Chẳng lẽ cứ duy trì hình thức điều tiết ngược như vậy và các hộ sản xuất cứ phải è cổ chịu mức giá điện cao để bù chéo cho các hộ dùng điện sinh hoạt này? Vậy thị trường ở chỗ nào?

Theo tôi, chính sách mới của Chính phủ là nhằm tái định nghĩa lại cơ chế trợ giá qua giá điện một cách hợp lý và chính xác hơn, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm hơn vì lợi ích chung của toàn quốc gia mà thôi.

Trần Văn Xuyên, Email: tvxuyen2002@yahoo.com. Phản hồi về bài phát biểu của ông Vũ Quốc Anh.

Nói về bài phát biểu của ông tôi thấy có nhiều vấn đề phải nói:

- Ông nói: "Dân kêu vì từ lâu đã quen với việc bao cấp" là không chính xác. Ông thử nghĩ: Xây dựng đường điện mà thiếu vốn thì ngành Điện xin vốn của Nhà nước, mà ông thừa biết rằng vốn đó Nhà nước lại huy động trong dân dưới nhiều hình thức, ví dụ Nhà nước bán công trái cho dân. Vậy ông nói:" Dân kêu vì qúa quen với việc bao cấp là sao ?"

- Ông không nên so sánh với nước ngoài: Ông nên hiểu rằng nước ngoài khi họ làm điều gì họ cũng có một cuộc trưng cầu dân ý trước, còn ở Việt Nam các ông chỉ biết đưa ra và thực hiện mà đâu cần biết dân có đồng ý hay không? Hơn nữa ông có biết chính xác là việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành điện của họ vốn là từ đâu không?

- Ồng nói là điện của nước ta còn thiếu nhiều, việc cung không đủ cầu nên theo như lý thuyết thì tăng giá. Vậy tại sao tôi vẫn thấy đài báo nói rằng cung cấp điện cho các nước lân cận, trong khi thị trường trong nước thì thiếu

- Ông phát biểu: "Không doanh nghiệp nào lại dại dột mà đem bán một thứ hàng hoá với giá chỉ bằng chưa đến 50% giá thành sản xuất của mình". Vậy các ông lấy tiền ở đâu để trả cho nhân viên của ngành điện: mà lương ngành điện không hề thấp một chút nào, lương từ nhân viên cho đến kỹ sư cũng khiến cho những kỹ sư như chúng tôi phải ngước nhìn.

Hơn nữa khi tính đến hội nhập, cạnh tranh xảy ra giữa các doanh nghiệp điện của nước ngoài, ông có dám khẳng định là câu nói trên không, hay lại dùng kiểu cạnh tranh không sòng phẳng như VNPT đã làm với S-Phone, Viettel...

Nguyen Ngoc Bich, Email: ngnbich@hn.vnn.vn

Sao lại đề ra những cách tính nhiêu khê và dễ tạo ra chỗ hở cho tiêu cực phát triển thế? Những nhà quản lý cần phải đề ra những cách quản lý hiệu quả và đỡ tốn kém chứ! 

Tại sao lại không quy định cho mức từ 300 kw trở lên một mức giá cao hơn và vẫn cho hưởng ưu đãi ở những số đầu? Như thế thì chẳng ai thắc mắc và khỏi mất nhiều thời gian tiền của để chống tiêu cực mà chẳng đem lại kết quả gì.

Tại sao những người có thu nhập cao, có điều kiện sống khá hơn lại không được hưởng những chính sách ưu đãi về giá điện trong khi họ cũng là công dân và vẫn đóng góp cho Nhà nước?

Một bạn đọc (IP Address: 203.210.198.210)

Vì nhiều nguyên nhân (tạo nguồn vốn cho tái đầu tư, phù hợp với giá điện khu vực...) việc tăng giá điện sinh hoạt là không phải bàn cãi, ảnh hưởng của việc này đến đời sống của người dùng điện ở các mức độ khác nhau là không thể tránh khỏi.

Chuyện bức xúc của người dân nói chung khi bị ảnh hưởng quyền lợi là bình thường.

Vấn đề chính ở đây là cách tính giá điện. Việc tính giá điện tăng theo mức tiêu thụ - "đánh" vào túi tiền nhà giàu. Việc này ghe qua chưa ổn. "Nhà giàu" không có nghĩa là người được xã hội ưu tiên, mọi quyền lợi và nghĩa vụ đối với công dân là bình đẳng.

Tuy nhiên, xét trong điều kiện thực tế của ngành điện nói riêng, của nền kinh tế nói chung, việc này là chấp nhận được.

Vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất ở đây là việc đưa ra 2 biểu tính giá điện khác nhau đối với mức tiêu thụ trên và dưới 300 kwh. Tại sao không thể tính giá theo luỹ tiến kể từ 0 - 500 kwh, kể cả việc nâng cao mức chênh lệch kể từ mức 300 kwh mà lại đưa ra 2 biểu giá?

Việc này nghe qua có vẻ rất bình thường nhưng khi phân tích chi tiết thì lại là vấn đề lớn. Khi một gia đình sử dụng tăng thêm 1kwh từ 300 - 301 thì số tiền phải trả thêm là rất lớn.

Như nhiều người đã phân tích, với những hộ sử dụng ở mức 200 - 300 kwh mỗi tháng, trung bình mỗi ngày 7 - 10 kwh. Như vậy chỉ cần dịch chuyển lịch ghi công tơ trong vài giờ là đã thay đổi hẳn tiền điện phải trả (301 + 297 >>> 300 + 298 ???). Cụ thể tôi khỏi phải trình bày vì một đứa trẻ học lớp 4 cũng tính được.

Vậy những người đưa ra cách tính mới này, trước khi có hiệu lực có ai tính đến chuyện này không?  Theo ông Bùi Xuân Khu (Trong bài "Cách tính giá điện mới chỉ 500.000 hộ chịu thiệt) việc này chỉ tác động đến số ít (500.000 hộ). Vậy số đó là không đáng đế quan tâm chăng, trong khi mà nó chẳng mang lại lợi ích gì cho số đông.

Hoai Thanh, Email: julian_thanh@yahoo.com

Cách tính giá điện mới đã hợp lý hay chưa?

  • Với gia đình công nhân viên chức thì phần lớn "giờ bình thường"(từ 4 - 18 giờ) diễn ra ở các công sở.

Tôi nghĩ, trước khi đưa ra bất cứ một quyết định nào cũng phải xem xét thật đầy đủ các khả năng có thể xảy ra khi quyết định đó được thực thi. Tiết kiệm điện là việc nên làm và tôi cũng không phản đối việc đưa ra các biện pháp nhằm tiết kiệm điện. Nhưng với cách tính giá điện mới hiện nay tôi thật sự không hài lòng.

Thứ nhất, nếu nói như ông Quốc Anh - Phó vụ trưởng Tài chính kế toán Bộ Công nghiệp "... 8% số hộ sử dụng vượt 300 kWh đều có thu nhập trung bình khá trở lên" là không chính xác.

Nếu như một hộ có đến 5 - 6 người cùng chung sống, hoặc ít người hơn nhưng lại có người già và trẻ em thì việc tiêu thụ hơn 300 kwh/tháng là điều khó tránh khỏi. Có ai dám khẳng định 100% những hộ gia đình này có thu nhập trung bình khá trở lên?

Cũng như vậy, có ai dám khẳng định 100% những hộ dùng dưới 300 kwh/tháng là "đối tượng thu nhập thấp và trung bình cần được Nhà nước bảo hộ"?

Thứ hai, "Bộ Công nghiệp khuyến cáo những hộ có nhiều gia đình sống chung nên tách công tơ để tránh bị đội giá điện?". Tôi không hiểu việc tách hộ có nhiều gia đình sống chung thành nhiều hộ có dễ dàng thực hiện hay không? Chẳng nhẽ việc tách hộ ai muốn làm cũng được mà không phải tuân theo các quy định về hộ khẩu?

Thứ ba, áp dụng điện theo giờ sử dụng: giờ bình thường (từ 4 - 18 giờ); giờ cao điểm (từ 18 - 22 giờ) và giờ thấp điểm (từ 22 - 4 giờ hôm sau).

Với gia đình công nhân viên chức thì phần lớn "giờ bình thường" diễn ra ở các công sở. Từ 18 - 22 giờ là giờ đoàn tụ của các gia đình, giờ làm bài tập của các cháu học sinh thì được khuyên tiết kiệm điện.

Vậy chúng tôi sẽ phải ăn tối dưới ánh nến, cho các cháu học dưới ánh đèn neon thay vì đèn tóc đỏ để bảo vệ mắt? Và từ 22 - 4 giờ hôm sau các gia đình mới bắt đầu tắm, giặt, xem tivi...?.

Thứ tư, là việc đảm bảo chính xác thời gian ghi chỉ số điện, ngay bản thân ông Quốc Anh cũng thừa nhận không thể thực hiện được "song ngành điện đã có quy trình ghi chỉ số đồng hồ, nếu không đúng thời điểm như tháng trước thì phải quy đổi định mức".

Tôi tự hỏi, có phải mỗi gia đình sẽ phải kiểm tra xem chỉ số côngtơ của gia đình mình được ghi vào giờ nào, ngày nào tháng này để đến giờ đó, ngày đó tháng sau nhìn ra cột điện xem nhân viên điện lực có đến ghi số cho gia đình mình hay không?

"Ông Đào Văn Hưng trả lời với 6 triệu công tơ thì khó có thể ghi số chính xác 100%. Nhưng khách hàng cũng không nên băn khoăn về chuyện ghi sai số điện vì những nhân viên ghi điện không được biết số đầu kỳ và cũng chẳng được lợi gì trong việc ghi chênh lệch" (Theo báo Người lao động).

Nói như vậy, mỗi lần nhân viên điện lực đi ghi chỉ số điện là họ lại cầm quyển sổ khác với quyển ghi điện tháng trước để ghi lại tên từng hộ và chỉ số công tơ chứ không phải như tôi vẫn nghĩ nhân viên điện lực ở mỗi khu vực có sẵn sổ ghi chỉ số điện, trong đó đã có tên của từng hộ và chỉ số điện của từng tháng?

"Kinh nghiệm cho thấy chỉ thắp sáng, dùng quạt, rồi nấu một vài bữa cơm thì mỗi hộ chỉ tiêu tốn dưới 250 kWh/tháng" - Ông Hưng phân tích. Ngày nay cuộc sống con người chỉ gói gọn trong vài việc như ông Hưng nói vậy sao?

Một công chức, Email: thanhthebnh@hn.vnn.vn

Tôi xin có một vài ý kiến về cách tính giá điện mới của Tổng Cty Điện lực Việt Nam :

Thứ nhất, hiện nay trong xu hướng cạnh tranh để phát triển kinh tế tiến tới hội nhập với thế giới thì tất cả các ngành đã và đang áp dụng rất nhiều chính sách bán hàng cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. 

Trong khi đó, ngành điện lực lại đang áp dụng cách kinh doanh độc quyền và áp đặt, bắt người dân phải đứng trước sự lựa chọn có hoặc không sử dụng sản phẩm của họ.

Trong khi các nước trong khu vực tìm mọi biện pháp để người dân được hưởng những lợi ích các sản phẩm ngành điện tử mang lại, tiến tới văn minh nhân loại thì với cách tính giá điện ngày càng leo thang như ở Việt Nam lại đẩy lùi người dân quay trở lại thời kỳ lạc hậu.

Thứ hai, khi xây dựng hệ thống đường dây Bắc - Nam, rất nhiều công chức như chúng tôi cũng như người dân đều rất nhiệt tình mua trái phiếu mà Chính phủ phát hành thời điểm đó hy vọng rằng góp phần nâng cao hơn chất lượng của ngành điện lực và trong sâu thẳm mỗi người dân ắt hẳn đều có mong muôn một ngày nào đó được sử dụng điện với giá rẻ, nào ngờ tình hình giá không những cải thiện mà ngày càng cao.

 Thứ ba, so với các ngành khác (như viễn thông, bảo hiểm...) việc áp dụng các chính sách bán hàng ngày càng được cải tiến, đem lại sự tiện lợi cho khách hàng bao nhiêu (như hình thức thu phí tại nhà, áp dụng các chế độ khuyến mãi...) thì ngành điện càng trở lên hách dịch đối với khách hàng bấy nhiêu.

Đơn cử: Việc ghi chỉ số tiêu thụ điện hàng tháng tại các công tơ điện đều do các sở điện cử nhân viên leo lên cột ghi (không quy định ngày giờ cụ thể nào hàng tháng, không làm sổ theo dõi tháng cho người sử dụng, không có sự chứng kiến của người sử dụng hay thông báo cho người sư dụng biết). Chỉ đến ngày thu tiền hàng tháng sau khi nộp tiền người sử dụng mới biết số điện tiêu thụ của mình.

Hay tình trạng cúp điện đột ngột gây thiệt hại rất nhiều cho người sử dụng mà không hề có thông báo hay xin lỗi khách hàng sau đó. Còn rất nhiều điều mà ngành Điện nên xem xét lại cách kinh doanh của mình. Đừng để đến khi những người sử dụng thậm chí được coi là dễ tính, đại khái cũng phải lên tiếng bất bình.

Bùi Quốc Trung, Email: trungbuiquoc@yahoo.com

Sau khi đọc được thông báo về giá điện mới đăng tải trên các báo, người tiêu dùng điện cả nước đều bất bình.

Thứ nhất: Ngành Điện lý giải chi phí tăng cao cần phải tăng thu để bù đắp, thế nhưng ngành Điện cần phải hiểu rằng chi phí bỏ ra từ trước đến nay cho ngành Điện đầu tư đều là tiền của dân thông qua nộp thuế cho Nhà nước, tới gần đây mới đi vay để hiện đại hoá ngành.

Khoản trả nợ đó sau này cũng lấy từ người tiêu dùng (tức là toàn bộ người dân). Việc tính toán tăng thu của người dân theo kiểu bắt bí như thế là không ổn.

Thứ hai: Thu nhập của người dân ( nhất là cán bộ, công chức) vừa tăng được khoảng 30% lương, nhưng ngành điện lại thu của người thụ hưởng vượt quá tốc độ tăng lương (kể cả số tuyệt đối hay số tương đối) làm cho đời sống của người dân bị tụt xuống chứ không phải được tăng lên.

Thứ ba: Theo cơ chế thị trường hàng hoá bán ra càng nhiều càng được giảm giá vì mong muốn bán được nhiều sản phẩm, thế nhưng ngành Điện lại làm ngược lại và lý giải rằng cung không đủ cầu vì vậy phải tăng giá để hạn chế sử dụng điện.

Lý giải như vậy là không ổn vì càng hiện đại hoá, càng sử dụng nhiều đồ dùng sử dụng điện, việc định giá như vậy chỉ là sự độc quyền của ngành Điện mà thôi.

Thư tư: nếu theo cách lý giải của ngành Điện chỉ tính giá cao đối với người sử dụng nhiều cũng không ổn, vì đây thực chất là đánh thuế thu nhập đối với những người sử dụng nhiều hơn.

Thứ năm : Vấn đề này các độc giả khác đã nêu là giờ ghi điện ở công tơ không thể chính xác chỉ chênh nhau 1 tiếng thì cũng chênh nhau vài số rồi. Cái giới hạn giữa 300 KW và 301 KW quá mong manh. Vấn đề nêu ra có vẻ như khoa học, nhưng thực sự là phản khoa học.

Như cán bộ có trách nhiệm của ngành Điện đã thừa nhận nếu trời mưa gió thì không thể trèo lên cột để mà ghi chỉ số công tơ được. Hơn nữa ai khẳng định rằng các công nhân được cử đi ghi số điện không tìm cách trì hoãn thậm chí là hàng ngày.

Thứ sáu : Chính phủ cần có quyết định để ngành Điện chấm dứt ngay kiểu tính giá điện theo cách của mình. Tôi đề nghị:

1. Tất cả các công trình điện từ trước đến nay do Nhà nước bỏ chi phí để xây dựng và đang sử dụng cho dân phải tính giá theo phương thức khống chế giá, không được tính lãi quá cao ( tạm gọi là phi lợi nhuận) vì dùng tiền của dân phải chi trả cho dân.

2. Các công trình điện mới làm nếu phải đi vay sẽ được hạch toán riêng và lúc đó giá bán sẽ do thị trường định giá, không thể bắt người dân gánh chịu chi phí cho ngành Điện.

Phạm Bá Hùng, Email Address: trietgiathatthe@yahoo.com

Trong khi tất cả các ngành đều cố gắng giảm giá thành sản phẩm thì giá điện lại càng tăng, điều đó sẽ kéo theo sự tăng giá của các hàng hoá khác, góp phần vào cơn lốc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng trong thời gian qua.

Nguyên nhân của việc tăng giá điện được giải thích là để tái đầu tư, đây là điều không hợp lý. Trong khi các ngành khác như BCVT, Hàng không đều phải vay vốn để đầu tư nhưng giá thành sản phẩm liên tục giảm thì ngành Điện lại làm ngược lại.

Đáng lý ngành Điện phải làm tốt công tác quản lý, giảm hao hụt để giảm nguồn chi thì họ lại nhìn vào túi tiền của người dân. Chính phủ cần xoá bỏ độc quyền trong ngành Điện như đã làm với Viễn thông, chắc chắn giá điện sẽ giảm xuống, và đời sống nhân dân sẽ đưọc nâng lên.

Bá Đỗ, Email: goat142fat2002@yahoo.com

Sáng nay (20/1), theo đúng lịch, tôi tới nộp tiền điện, nhưng do đi sớm quá (chưa tới 8 giờ sáng) nên chẳng thấy nhân viên thu tiền điện xuất hiện, hay vì cách tính tiền điện quá rắc rối nên nhân viên điện lực vẫn chưa thể tính được chúng tôi phải trả tháng này là bao nhiêu? 

Dù chưa biết mình sẽ phải đóng hơn tháng trước bao nhiêu, nhưng chúng tôi rất bức xúc. Hộ gia đình 2 người của chúng tôi cũng chỉ tiêu thụ chừng hơn 100 số/tháng, chưa tới mức phải chịu thiệt đến 62.000 đồng cho 2 số phụ trội tiếp theo của tiêu dùng trên 300 số điện, hay như trường hợp của anh Anh Vũ (88 Hai Bà Trưng, Hà Nội) trả thêm đến 25.000 đồng cho 1 số điện tiếp theo.

Song, xin được hỏi Tổng Cty Điện lực Việt Nam: Liệu đồng hồ đo điện sẽ đo như thế nào nếu có đến 3 mức giờ: Giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường. Nhân viên đọc số điện sẽ căn cứ vào đâu để đọc được rõ số điện nhà tôi từ 15/1 - 15/2/2005 tới sẽ tiêu thụ điện vào giờ cao điểm (thấp điểm, bình thường) là bao nhiêu? Hay mỗi hộ phải đặt tới... 3 đồng hồ để đo?

Tôi đồng ý là thay đổi giá điện mới để cân bằng giữa người tiêu dùng trong nước và người nước ngoài; giữa các nhà sản xuất và hộ gia đình, nhưng mỗi sở điện, ngành Điện có đủ nhân lực để đọc đúng, đọc đủ và chuẩn xác số điện các hộ gia đình tiêu thụ hàng tháng không hay cứ phiên phiến (đọc không đúng giờ, kéo dài ngày đọc), thiệt và hại mặc dân. 

DOAN ANH TUAN, Email: tthds_tthn@yahoo.com

Sau khi đọc bài viết trên báo Tiền phong, tôi thấy ngành Điện cần xem xét lại cách tính giá điện sao cho phù hợp với cơ chế thị trường, không đi ngược với quy luật cung cầu của tất cả các nước trên thế giới.

Đời sống xã hội ngày càng phát triển, các trang thiết bị sử dụng ngày càng hiện đại, đồng nghĩa với việc người dân phải sử dụng điện ngày càng nhiều hơn.

Vậy mà, bây giờ giá điện mới lại tăng chóng mặt chẳng khác nào đưa người dân về với thời kỳ của những năm 40. Các doanh nghiệp, Cty sản xuất đồ dùng về điện chắc cũng dần phá sản với ngành điện nếu giá điện cứ leo thang như hiện nay.

Le Thai, Email: thaiciem@yahoo.com

Điều cốt lõi là: sản phẩm điện là sản phẩm được cung ứng độc quyền. Người tiêu dùng chỉ có 2 phương án lựa chọn: hoặc chấp nhận giá mà họ đưa ra hoặc là "không thèm" xài điện nữa. 

Vậy thì Nhà nước phải can thiệp, trước hết là phải giám sát sự "lạm dụng vị thế" của các doanh nghiệp độc quyền, đặc biệt là giám sát về giá và chất lượng sản phẩm.

Nhà nước, trước hết là Bộ Công nghiệp, có quan tâm và có ý kiến gì về việc thực hiện giá điện mới chưa. Sự vô lý trong cách tính giá điện đã quá rõ ràng song nếu họ (các cơ quan nhà nước liên quan) chẳng quan tâm thì người dân có kêu ca cũng chỉ đến "đốt nến" mà thôi.

Anh Vu, Email: viet_hn@yahoo.com

Vợ chồng tôi đều là CNV Nhà nước. Tổng cộng lương tháng tính tất cả mọi khoản được hơn 2 triệu đồng. Số tiền đó phải tằn tiện để chi tiêu mọi khoản cho gia đình và cho 2 đứa con đang tuổi đi mẫu giáo.

Từ hôm nghe thông báo thay đổi cách tính giá điện cả hai vợ chồng bảo nhau từ tháng sau phải cực kỳ hạn chế bởi rất có thể mình sẽ bị “ép” trở thành những người giàu có nếu sử dụng quá 300 số điện trong một tháng.

Và điều ấy đã trở thành hiện thực khi nhận được hóa đơn thanh toán tiền điện tháng 1/2004. Chúng tôi đã phải trả thêm một khoản chênh lệch đáng kể cho những số điện đã trót sử dụng quá định mức trong những ngày đầu của tháng 1.

Lý do để gia đình tôi được lên mác “hộ khá” là tại... ông trời vô tình làm những đợt rét đậm rét hại. Cái bình đun nước nóng vợ chồng tôi ky cóp mãi mới mua được, năm nay mới được dịp phát huy tác dụng. Sự tiện dụng của nó đã bớt đi được rất nhiều phiền phức và mệt mỏi cho sinh hoạt gia đình và chúng tôi đã có nhiều thời gian hơn để dành cho công việc chuyên môn...

Thế nhưng chỉ vì một cái bình nước nóng, một cái tủ lạnh mà chúng tôi được là những hộ giàu... thì cái căn cứ để xác định thu nhập của các hộ gia đình của ngành Điện là điều cực kỳ vô lý.

Bây giờ là mùa đông, chúng tôi có thể không đun nước nóng bằng điện, có thể chuyển sang đun bằng gas hoặc than. Nhưng mấy tháng nữa đến mùa hè những “nhà giàu” như gia đình tôi sẽ không được dùng quạt hay những thiết bị hiện đại khác nữa?! Hay muốn tiện dụng thì chúng tôi buộc phải là những “nhà giàu bất đắc dĩ”?

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.