Người tiết lộ thông tin, hình ảnh của trẻ bị xử lý ra sao?

Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock
TPO - Theo luật sư, không thể cho rằng bất cứ hình ảnh nào của trẻ bị tiết lộ mà không được đồng ý là hành vi xâm phạm đời sống riêng tư mà những hình ảnh có biểu hiện nhạy cảm, bộc lộ thân thể quá đà, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ em mới nên được cho là xâm phạm.

Ngày hôm nay, 1/6/2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực. Luật Trẻ em được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016 gồm 7 chương, 106 điều, tăng thêm 2 chương và 46 điều so với Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em 2014.

Luật Trẻ em quy định cụ thể “trẻ em là người dưới 16 tuổi” và về các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm… 

Một số những điểm mới khiến dư luận quan tâm là việc nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em…

Trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại Luật Trẻ em thì cha mẹ, người chăm sóc vẫn thuộc đối tượng phải có trách nhiệm Bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư . Do vậy, nhóm đối tượng này có hành vi xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Theo quan điểm của luật sư Lực, không thể nói bất cứ hình ảnh nào của trẻ em được cha mẹ đăng tải trên môi trường mạng mà không được trẻ em đồng ý là hành vi xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ em. “Những hình ảnh có biểu hiện nhạy cảm, bộc lộ thân thể quá đà, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sự phát triển của trẻ em mới nên được xác định là xâm phạm đời sống riêng tư. Ngoài ra cũng cần xem xét động cơ, mục đích của người đăng tải hình ảnh trẻ em để xác định đâu là hành vi xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ em”- luật sư Lực cho biết.

Cũng theo luật sư Lực, sau khi Luật Trẻ em có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật, Nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Khi những nghị định này ra đời thì sẽ xác định cụ thể hành vi như thế nào là xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Còn theo luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng để xử lý hành vi xâm phạm quyề trẻ em trong Luật Trẻ em khi có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu bất kỳ ai vi phạm về hình ảnh của người khác bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính còn đối với việc bồi thường thiệt hại thì vẫn áp dụng theo cơ chế bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Luật Dân sự.

MỚI - NÓNG