Người thu xác trên đường

Người thu xác trên đường
TP- Một buổi sáng đầu tháng 7/2008, gần ngã tư Phước Tường (Hòa Phát, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tiếng còi tàu đổ dồn, hãm phanh kêu ken két xuống hai thanh ray làm ông Hùng rùng mình, miệng lẩm nhẩm cầu khấn: “Lạy trời, mong đừng xảy ra chuyện gì!”.
Người thu xác trên đường ảnh 1
Ông Hùng lật từng viên đá đường tàu, cẩn thận lượm lặt để không bỏ sót thi thể nạn nhân

Người dân hai bên đường hét lên thảng thốt: “Tàu! Tàu!...” nhưng đã muộn, một vài phụ nữ không dám nhìn xuống đường tàu, đôi mắt đỏ hoe tách ra khỏi đám đông. Mười phút sau, xe cứu thương 115 chạy đến.

Một thanh niên bị thương được chở về hướng bệnh viện đa khoa, còn một người nằm lại với thi thể không nguyên vẹn.

Ông Huỳnh Phước Hùng gọi bà Bùi Thị Phước (60 tuổi, nhà số 290 Trường Chinh) vào nhà lập thùng quyên góp giúp đỡ gia đình nạn nhân rồi lặng lẽ bước xuống đường tàu, làm công việc mà không một ai dám làm.

 20 năm, hơn 150 lần nhặt xác

Người đàn ông đứng bên chạy vội vào nhà lấy ra đôi găng tay nilon mỏng manh luồn vào bàn tay xương xẩu của ông Hùng, tay kia ông cầm chiếc bao màu đen. Phía dưới đường tàu, nạn nhân bị cán nát thành nhiều đoạn, nằm rải rác khoảng ba chục mét ray. Ông khom người cẩn thận nhặt từng mảnh cho vào chiếc túi, khóe mắt nhỏ xuống giọt nước đục thấm vào những viên đá đường tàu.

Hơn nửa tiếng phơi mình dưới cái nắng hè hầm hập, tấm lưng gầy còm đã ướt đẫm mồ hôi ông vẫn kiên nhẫn lục lọi từng viên đá. Bà Phước thút thít gọi ông: “Chú Hùng, lượm luôn mấy thanh củi dính máu đó để tui mua xăng về nhờ chú đốt cho người ta, để rứa tui chịu không nổi” - tiếng nói nghẹn ngào lẫn trong tiếng khóc làm quặn lòng những người chứng kiến, họ kéo vạt áo lên che đậy nỗi đau.

Gần 10 giờ sáng, người nhà nạn nhân (quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam) hay tin ra đến nơi. Bà mẹ chết lặng nhìn xác đứa con khóc không thành tiếng. Ông Hùng ôm thi thể bỏ lên xe tải, bên cạnh là chiếc túi đen ông lượm lặt từ sáng đến giờ.

Lại gần bà mẹ đang vật vã, ông cầm xấp tiền quyên góp từ sáng tới giờ được hai triệu tám, chia sẻ: “Đây là tấm lòng của bà con, chị cầm để lo cho cháu”.  Bà đau đớn nhận lấy không nói được lời nào.

47 tuổi, nhưng ông Hùng thầm lặng làm công việc đặc biệt đó đã hai mươi năm nay. Có nhiều đêm đang ngủ ông giật mình bật dậy thở dốc vì ám ảnh với những vụ tai nạn thương tâm.

Hơn 150 lần nhặt xác, trong đầu ông như có một “nghĩa địa” mà mỗi lần nhắc đến nước mắt ông lại tuôn chảy nghẹn ngào với nỗi đau sinh tử. Ngồi trong căn nhà xập xệ ở xóm đường tàu, ánh mắt ông rầu rầu thổ lộ: “Chết không toàn vẹn đã khổ rồi, nhưng để thi thể nằm lại dọc đường thì người nhà đau đớn lắm” – Ông bặm môi để ngăn dòng cảm xúc.

Người thu xác trên đường ảnh 2
Cha con ông Hùng sống trong cảnh nghèo nàn

“Cái tâm bắt tui phải làm thế !”

Năm 1988, trên đường đi làm ông gặp chiếc xe container tông một người mặc quân phục bộ đội, thi thể giập nát giữa đường. Người dân đứng quanh nhìn sợ hãi, còn ông không biết ai xui khiến mà lại chạy vào gom nhặt thi thể nạn nhân, và đó chính là lần đầu tiên ông “tiếp xúc” với người chết.

Ngồi nhớ lại câu chuyện đã qua 20 năm, ông kể: “Tui trước đây cũng từng là bộ đội nhưng không đủ sức khỏe bị trả về địa phương, thấy người bị tai nạn cũng là lính giống mình nên đau lòng lắm. Mình mà không làm thì cũng chẳng ai dám làm, để thi thể nạn nhân nằm hoài như vậy tui chịu không thấu”.

Cách đây mấy năm, ông đang chạy xe thồ chở hàng cho chủ thì gặp hai mẹ con bị tai nạn giữa đường, tài xế lái xe chạy mất. Ông phải sang hàng cho người khác chở để lo cho hai mẹ con. Người mẹ bị gãy xương vai được chở vào bệnh viện cấp cứu, còn đứa con bị giập đầu không cứu được.

Ông ôm đứa bé thuê xe chở về gia đình nạn nhân cách Đà Nẵng mấy chục cây số, đến tối mịt mới về đến nhà. Cả ngày không kiếm được đồng nào, ông phải sang hàng xóm mượn gạo nấu cơm cho 4 đứa con đang ngồi mếu máo vì đói.

Có lần trên đường vào chăm sóc mẹ đang cấp cứu ở bệnh viện đa khoa, đến phường An Khê ông gặp vụ tai nạn khiến người đàn ông chết ngay tại chỗ. Ông gọi điện nhờ em trai vào chăm sóc mẹ, còn mình ở lại để giúp đỡ người nhà nạn nhân.

“Nghĩ lại tui thấy mình mang tội bất hiếu nhưng cũng chẳng biết làm sao được, cái tâm bắt tui phải làm thế” - Ông Hùng thở dài.

Ông dẫn tôi đến đoạn đường ngang băng qua đường sắt không có rào chắn, kể tôi nghe về một vụ tai nạn khiến ông ... “mừng” nhất. Sáng đó, một sinh viên nữ đi xe đạp qua đường bị tàu Bắc - Nam gạt văng xuống ống cống đen ngòm.

Thấy nạn nhân không cử động ai cũng bảo chết rồi, không dám lại gần. Ông lội xuống cống bế cô gái áo quần dính máu bê bết lẫn với nước cống nồng nặc. Kiểm tra thấy nạn nhân vẫn còn nóng bèn gọi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện. Người thân ở tận Quảng Nam chưa ra kịp, ông phải chạy theo chăm sóc, nộp tiền nhập viện...

Cô gái được cứu sống, bây giờ đã đi làm thỉnh thoảng vẫn ghé thăm ông. Đang nói chuyện bỗng ông nắm tay tôi kéo sát vào bên đường tránh đoàn tàu sắp chạy đến, giọng ông nhỏ lại: “Lạy trời cho đoàn tàu suôn sẻ”.

Cảnh đời chẳng giống ai

Ngồi nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng ánh mắt ông nhìn về xa xăm trĩu nặng nỗi buồn. Ông lấy vợ từ năm 26 tuổi, là một phụ nữ bị tật bẩm sinh đi đứng phải vịn vào cây nạng gỗ. Nhà bà nghèo lắm, mặc dù bị tật nhưng phải đi làm thuê ở một quán ăn để kiếm sống, dành dụm được bao nhiêu thì gửi về phụ giúp gia đình lo cho mấy đứa em ăn học.

Đồng cảm với hoàn cảnh của nhau, hai người đến với nhau trong sự phản đối của hai bên gia đình. Bốn đứa con lần lượt ra đời, ông phải tất tả chạy xe thồ cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không lo nổi cho 6 miệng ăn.

Đói rách, thiếu thốn. Năm 2002, sau 14 năm chung sống, vợ ông để lại 4 đứa con, đứa nhỏ nhất chưa đầy 1 tuổi lặng lẽ đi theo người đàn ông khác khá giả hơn. Một mình ông oằn lưng lo cho mấy đứa nhỏ, đau ốm cũng phải nghiến răng chịu đựng không dám mua thuốc để dành tiền đó mua sách vở cho con.

Ông quay mặt vụng về che giấu cảm xúc: “Tui cũng không trách bà ấy, mình không lo nổi cho người ta thì giữ lại làm gì cho khổ, chỉ tội cho mấy đứa nhỏ”, giọng ông nghẹn lại không nói được nữa. Trong căn nhà 17m2, chiếc xe máy cà tàng làm phương tiện “kiếm cơm” chiếm mất một góc, phần còn lại 5 cha con chen chúc chật chội nhưng vẫn thấy thiếu thốn cái gì đó.

Bệnh tim của ông lại tái phát, ông ngồi bệt xuống nhà ôm ngực thở dốc. Mấy đứa con lo lắng chạy lại, ông cố mỉm cười trấn an: “Ba không sao cả, tụi con lấy cơm ăn trước đi kẻo đói”.

Tôi cùng ông đi ra quán nước trước nhà nhường chỗ cho tụi nhỏ ăn cơm. Cảnh trời đã chập choạng tối, nhìn dòng người bước vội trên đường giọng ông rầu rầu: “Thằng út cứ hỏi tui mẹ đâu ba, tui chỉ biết xoa đầu nó chứ biết trả lời răng được ? Cầu trời cho tui được sức khỏe để chạy xe đưa tụi nó học hành đến nơi đến chốn”.

MỚI - NÓNG