Theo báo cáo, đến hết năm 2014, tỷ lệ người tham gia BHYT đã khoảng 71,6% dân số. Quỹ BHYT đã thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…; tạo điều kiện cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận các dịch vụ y tế.
Nhận định về việc khó có thể đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân nếu không chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, một số ý kiến đề nghị đưa chỉ tiêu BHYT trở thành chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, các địa phương hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để bao phủ BHYT cho 100% số người thuộc hộ cận nghèo.
Khẳng định, BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng cho rằng, những kết quả đạt được đã góp phần thiết thực vào giảm nghèo, phát triển bền vững; đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. “Người bệnh được khám chữa bệnh và khi có bệnh hiểm nghèo được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất, đây là mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới” - Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thời gian tới phải làm tốt hơn nữa chủ trương thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu quyết liệt hơn để năm 2015 đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 75% dân số, đến 2020 đạt 80% dân số. Phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khám chữa bệnh, bảo đảm cho người tham gia bảo hiểm y tế được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao và chi phí của người bệnh giảm.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, giải pháp hiện có nhằm tạo mọi thuận lợi trong thực hiện chủ trương về BHYT toàn dân. Nghiêm túc thực hiện BHYT đối với các đối tượng bắt buộc. Tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền vận động mua bảo hiểm để tăng dần tỷ lệ hộ cận nghèo có BHYT. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm đào tạo đội ngũ y bác sỹ; đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ mới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Tuyến dưới yếu, giảm quá tải không có ý nghĩa
Chiều 4/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với lãnh đạo Bộ Y tế nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 và chỉ đạo các biện pháp tiếp tục thực hiện Đề án này trong thời gian tới.
Theo Báo cáo của Bộ Y tế, sau 2 năm triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện tình hình đã được cải thiện đáng kể. 58% tổng số bệnh viện tuyến trung ương trước đây có tình trạng nằm ghép thì nay đã giảm và nhiều bệnh viện đã cam kết không còn tình trạng nằm ghép. Tuyến tỉnh cũng có tới 47% bệnh viện đang có xu hướng giảm tỷ lệ số khoa có nằm ghép trên giường bệnh. Cùng với giảm tỷ lệ chuyển tuyến, quy trình, thời gian khám bệnh cũng giảm mạnh, góp phần cải thiện ngày càng rõ tình trạng quá tải tại khu vực khám bệnh.
Lưu ý ngành y tế không chạy theo thành tích giảm quá tải, không giảm quá tải hành chính, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm căn bản tình trạng quá tải gắn với không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới. “Phải quán triệt trong ngành là giảm quá tải phải đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đây là mục tiêu kép, nếu không đạt được thì giảm quá tải cũng không có ý nghĩa” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, việc Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới là giải pháp tốt để vừa giảm quá tải, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ không hài lòng vì mới chỉ có 38 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh. “Tôi sẽ có chỉ thị để nhắc nhở về việc này. Đây là trách nhiệm, là yêu cầu bắt buộc. Không có lý do gì mà người dân không được tiếp cận những dịch vụ và kỹ thuật khám chữa bệnh chất lượng cao mà chúng ta đã có” - Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế cải cách thủ tục hành chính, công nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Đồng thời lên kế hoạch các bệnh viện cần xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 để Chính phủ tính toán bố trí nguồn vốn ngân sách; đồng thời có các cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư. “Nếu chỉ chờ ngân sách thì không biết bao giờ mới xong và cũng sẽ khó có được bệnh viện có chất lượng cao. Các đồng chí phải tính toán. Bệnh viện nào cam kết tự chủ Chính phủ sẽ cho vay ưu đãi, thậm chí vay không lãi để đầu tư và cho phép điều chỉnh nhanh giá dịch vụ y tế” - Thủ tướng cam kết.