Người nghèo, đông con than khó!
Bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngậm ngùi: “Gia đình tôi có 6 thành viên, trong đó có 2 người đã có thẻ BHYT. Không có công việc ổn định, khó khăn về kinh tế nên tôi chỉ mua BHYT cho bản thân. Giờ quy định mới đưa ra, số tiền mua BHYT cho cả gia đình lớn quá, đành đợi đến khi tích cóp đủ sẽ mua sau”.
Dù đợi suốt buổi sáng, nhưng bà Thanh, trú tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội vẫn phải ra về tay không. Với quy định mới, cán bộ phường yêu cầu bà Thanh phải mua BHYT cho cả hộ gia đình (trừ những người chứng minh được đã có BHYT). “Tôi già yếu rồi, làm sao có thể đi lấy BHYT của các con được vì chúng đang làm ăn xa”, bà Thanh nói.
Theo quy định hiện hành, mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, người đầu tiên mua với giá 621 nghìn đồng, người thứ hai mua với giá bằng 70% người đầu, người thứ ba là 60%, người thứ tư là 50%, người thứ năm trở đi là 40%. Như vậy, hộ gia đình có 4 người, chi phí mua BHYT cả năm hơn 1,7 triệu đồng; hộ có 5 người chi phí gần 2 triệu đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ phụ trách BHYT tại phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: Người mua BHYT chủ yếu là lao động tự do, điều kiện kinh tế khó khăn mà số thành viên chưa tham gia BHYT đông nên khó thực hiện. Người dân đưa ra nhiều lý do, như nhà nghèo chỉ đủ tiền mua bảo hiểm cho một người; con trai khỏe mạnh không cần mua… “Chúng tôi giải thích theo quy định mới, phải mua cho tất cả các thành viên trong gia đình, nhưng người dân vẫn cho rằng cán bộ làm khó”, vị cán bộ nói.“Các thủ tục liên quan như xác minh, chứng thực... là trách nhiệm của cơ quan BHXH và UBND xã, phường chứ không phải người dân phải đi làm”.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam)
Tìm hiểu ở phường Nguyễn Du được biết, “có những người lao động phổ thông, không có tiền. Họ chỉ muốn mua BHYT cho bản thân nhưng vì trong gia đình có 5 người nên bắt buộc phải mua cho tất cả. Quy định như thế nên nhiều người không mua được BHYT dẫn đến nổi đóa”, vị cán bộ nói.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, cán bộ Ban Lao động thương binh xã hội, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhiều người nghèo nếu bắt đóng đủ cho các thành viên trong gia đình thì không đủ tiền. “Chúng tôi thông cảm, động viên họ cố gắng chứ quy định đã đưa ra rồi thì phải thực hiện”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, với quy định mới, khi đăng ký mua BHYT tự nguyện, cá nhân đăng ký phải khai đầy đủ thông tin các thành viên trong hộ gia đình về số thẻ và loại hình tham gia (ví dụ BHYT học sinh, sinh viên, hưu trí…) nên càng thêm rắc rối. “Trước đây, trung bình mỗi tháng có từ 30-40 người đến đăng ký BHYT tự nguyện tại phường. Khi thực hiện quy định mới, do thủ tục rườm rà nên số lượng người đăng ký giảm một nửa”, bà Thủy cho biết.
Địa phương triển khai quá máy móc
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng chỉ những người ốm, người bị bệnh mãn tính mới mua (BHYT); hướng tới phủ sóng BHYT toàn dân. Ngoài ra, còn góp phần giảm bội chi Quỹ BHYT tự nguyện. Theo ông Sơn, tại TPHCM, trong năm 2014, chỉ với 754 nghìn thẻ BHYT tự nguyện từ các tỉnh khác đến khám, chữa bệnh đã khiến ngành BHXH bội chi gần 1.500 tỷ đồng.
Về các bức xúc của người dân khi đăng ký mua BHYT bị “hành” do thủ tục rườm rà, ông Sơn cho biết, nguyên nhân do ở địa phương triển khai quá máy móc. Để hạn chế việc gây khó dễ cho người dân, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH TP Hà Nội và TPHCM cần đơn giản hóa thủ tục hành chính khi người dân muốn tham gia BHYT theo hộ gia đình. Cụ thể, chủ hộ chỉ có trách nhiệm kê khai các thông tin trong giấy kê khai đăng ký mua BHYT và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với lời khai.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, các vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện BHYT hộ gia đình đã được ngành BHXH tiếp nhận. “Tinh thần là sẽ giảm mọi rắc rối, phiền hà để làm sao mọi người dân có thể tiếp cận được với BHYT”, bà Phương nói. Theo bà Phương, để giảm bớt gánh nặng tài chính khi chi trả BHYT và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là tăng số người tham gia BHYT để tới năm 2015 đạt 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt trên 90% dân số có BHYT. Đồng thời mở rộng phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế xuống dưới 40% vào năm 2015 và dưới 30% vào năm 2020.
Post by Báo Tiền Phong.