In sai 57.000 thẻ BHYT cho học sinh

In sai 57.000 thẻ BHYT cho học sinh
TP - Ngày 19/1, BHXH Việt Nam họp báo cho biết, sau 19 ngày thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc in sai 57.000 thẻ BHYT cho học sinh tại tỉnh Đắk Lắk.

Hơn 64 triệu người tham gia BHYT

Theo BHXH Việt Nam, ước tính đến tháng 1/2015, toàn quốc đã có 64,1 triệu người tham gia BHYT. Trong đó, tổng số người được cấp thẻ BHYT theo mẫu mới hơn 29,1 triệu thẻ.

Ông Chu Minh Tộ, Trưởng ban Cấp sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, sau 19 ngày thực hiện Luật BHYT đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc cấp lại, đổi thẻ BHYT theo mẫu mới vẫn chậm.

“Hiện, Quỹ BHYT kết dư trên 25 nghìn tỷ đồng, tương đương với số chi BHYT trong 6 tháng. Trong năm 2015, Quỹ BHYT sẽ chi khoảng 56 nghìn tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam

Bên cạnh đó, danh sách do các đơn vị quản lý đối tượng lập chuyển cho cơ quan BHXH còn nhiều sai sót (thiếu ngày, tháng sinh; nhân thân sai lệch với giấy tờ tùy thân có ảnh...), dẫn tới tình trạng người tham gia BHYT phải cấp lại, đổi thẻ. Đặc biệt, là đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng. Điển hình là vụ in sai tới 57.000 thẻ BHYT cho học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Trong số 57.000 thẻ bị in sai, có 41.000 thẻ do nhà trường lập sai, không có ngày tháng năm sinh của học sinh và 16.000 thẻ do cơ quan BHXH in sai. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định: “Ngay trong tháng 1 này, BHXH sẽ phải cấp đổi lại thẻ ở Đắk Lắk để đảm bảo quyền lợi cho học sinh”.

Người nghèo được tăng quyền lợi

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện đã cấp được hơn 5 triệu thẻ BHYT theo mẫu mới cho người dân tộc thiểu số và 3 triệu thẻ cho người nghèo. Theo Luật BHYT mới, nhiều chính sách có lợi cho người dân tộc thiểu số và người nghèo. Trước hết, người nghèo và người dân tộc thiểu số sẽ không phải cùng chi trả, thay vào đó được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong phạm vi được hưởng.

Người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (trên thẻ BHYT có ký hiệu K1 và K2) sẽ được hưởng 100% chi phí KCB trong khu vực điều trị nội trú nếu đi KCB nội tuyến, trái tuyến từ tuyến tỉnh đến trung ương. “Riêng với người nghèo, người dân tộc thiểu số không may bị mắc những chứng bệnh mãn tính nặng như chạy thận nhân tạo, sẽ được tăng mức hưởng khi chữa bệnh”, ông Sơn nói.

Ông Phạm Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, người tham gia BHYT khi đi KCB trái tuyến sẽ bị giảm quyền lợi so với trước. “Giảm ở chỗ, khi đi khám trái tuyến ở tuyến tỉnh và trung ương, sẽ không được BHYT chi trả KCB BHYT nội trú. Tuy nhiên, về tổng thể, với Luật BHYT mới, quyền lợi của người tham gia BHYT được tăng lên”, ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, người tham gia BHYT được tăng về quyền lợi như không may bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông, điều trị lác cận thị ở trẻ em dưới 6 tuổi...

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.