Mái ấm của người tâm thần
Qua vài cuộc hẹn, chúng tôi mới có thể gặp anh Hà Tư Phước (thôn Ia Rok, xã Chư H’Drông, thành phố Pleiku - người được mọi người quen gọi cái tên gần như gắn với nghiệp là “Phước điên”). Mùa khô nên anh tranh thủ đánh xe tải đi làm sớm. Từ mờ sáng anh đã ra khỏi nhà chở vật liệu xây dựng cho khách hàng, tất tả ngược xuôi đều đặn 4 chuyến/ngày. Anh bảo: “Dạo này bận bịu lắm, suốt ngày đi bưng bê, chở hàng cho khách. Tối về nhà có khi không kịp tắm rửa, thấy anh em (những người tâm thần - PV) đau ốm, tôi lại xắn tay vào chăm lo”.
Anh Phước chia sẻ: Việc anh cưu mang người tâm thần là do duyên số. Cách đây hơn 10 năm, một lần tình cờ phát hiện bệnh nhân tâm thần bị nhốt trong lồng chật chội, hôi hám như con vật bị giam cầm khiến anh động lòng. Cảm xúc xốn xang khó tả. Sau một hồi đắn đo anh liều xin nhận bệnh nhân về nhà nuôi. Lúc đó, ai cũng phản đối. Vợ anh càng không chấp nhận việc làm của chồng vì: “Trong nhà có mẹ già, với 2 con nhỏ, nghĩ sao còn rước người điên về? Ai lường hết tâm tính người điên?”. Nhưng chính cái tâm, sự kiên trì của anh dần dà khiến chị xiêu lòng, chấp thuận.
Kể từ đó, người bị tâm thần lang thang, cơ nhỡ tìm đến chỗ anh không ngừng tăng lên. Tiếng lành đồn xa, người nhà của bệnh nhân ở các tỉnh thành như Đồng Nai, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum… cũng tìm đến mong anh cưu mang. Đến nay, “ngôi nhà vui vẻ” của anh đang nhận nuôi tới 74 người, mỗi người một cảnh, một số phận oan trái, éo le.
Mới nhất là trường hợp của ông T. (ở thành phố Pleiku). Trước đó, trong cơn điên loạn, không làm chủ được mình, ông T. đã cầm dao đoạt mạng vợ, để lại ba đứa con dại bơ vơ. Giờ hồi tỉnh, ông cảm thấy day dứt không yên, hễ nhắm mắt lại là thấy cảnh tượng kinh hoàng. Đã 3 đêm nay ông không ăn, không ngủ. Biết rõ sự tình, anh Phước nhiều lần ngồi riêng trò chuyện, giúp ông T. xoa dịu, quên đi mặc cảm tội lỗi để sống và làm lại cuộc đời.
L.T.Q. (23 tuổi, ở Phú Thọ) cũng vào đây với tình cảnh tương tự. Nửa đêm, Q. lên cơn đã dùng dao chém cha, mẹ của mình. Do vết thương nặng, người cha đã tử vong. Q. hồn nhiên kể: “Năm lên 9 tuổi em đã bị ma ghen, nó không hại em thì em đã thành ca sĩ rồi”.
Sau một thời gian ủ rũ, A Sak (32 tuổi ở xã Ngọc Réo, huyện Đắk Hà, Kon Tum) đã vui vẻ, hoạt bát trở lại, là người hát hay, đàn giỏi nhất ở đây. A Sak bảo: “Mình bị người yêu bỏ đi theo người khác nên bị điên”. Trước đó, A Sak là cán bộ y tế đã công tác 5 năm ở xã.
Tấm chân thành hóa giải bệnh tật
Hiện gia đình anh Phước có 3 thế hệ cùng sống, gồm mẹ già bị bệnh, vợ và 2 con nhỏ vẫn ở trong căn nhà cấp 4 lụp xụp. Hằng ngày anh chạy xe tải chở hàng thuê và chăm 4 sào cà phê. Cách nhà ở chừng 50m là “mái ấm vui vẻ” do anh nhiều năm tích góp, dựng nên. Ban đầu, khu nhà này chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông, qua nhiều năm cơi nới, anh đã xây thành hai dãy nhà kiên cố diện tích hơn 400 m2 - đủ để nuôi cả mấy chục người. So với căn nhà vợ chồng anh đang ở thì nó rộng gấp 5 lần.
Bữa cơm đạm bạc của những người điên
Anh Phước chia sẻ: “Tôi làm là vì cái tâm, mọi người khen hay chê đối với tôi không quan trọng. Với người bị các thể tâm thần, nhiều người xa lánh nhưng với tôi thì ngược lại, tôi cảm thấy yêu thương và coi họ như người thân của mình”.
Theo anh, những người bị điên thì đừng coi họ là người bệnh mà nên coi như người thân yêu của mình. Hằng ngày trò chuyện, làm bạn, chơi cùng họ… dùng tình cảm yêu thương, cảm hóa họ thì cũng như uống thuốc. Thuốc chỉ dùng để cắt cơn đau, còn nếu xa lánh họ thì bệnh càng nặng hơn. Có người lành bệnh, về rồi điện thoại cho anh xin vào lại vì về nhà lại bị coi là bệnh nhân tâm thần. Trong 74 người tâm thần, anh đều thuộc tên và nhớ vanh vách về hoàn cảnh từng người. Thậm chí nhiều đêm, anh còn ngủ chung với họ để hiểu họ hơn.
Để cho những người bệnh ít nghĩ vu vơ, anh phân công quét rác, dọn nhà. Lúc rảnh rỗi thì tụ tập mọi người lại chơi đàn, ca hát để quên đi mệt mỏi, đau đớn. Bình thường, những người không bị lên cơn vẫn được tự do đi lại quanh khu vực nhà. Trước lúc ngủ, anh mở băng đĩa kinh Phật cho người bệnh nghe và đọc theo.
Ông T.V.S. (phường Yên Đổ, thành phố Pleiku) cho biết: “Gia đình tôi coi anh Phước là ân nhân. Trước đây, con tôi bị bệnh không nói chuyện, ngay cả đi vệ sinh cũng không biết. Tôi nghĩ “nó đã chết rồi”. Nay mọi việc đều ổn cả”.
Chị Huỳnh Thị Hạc - vợ anh Phước chia sẻ: “Hằng ngày tôi chỉ ở nhà thay chồng chăm lo, ăn uống cho mọi người. Tôi coi họ như người thân trong gia đình nên chẳng ngại, lo sợ gì . Để nuôi 74 người tâm thần là việc không hề đơn giản, ngoài tích góp gia đình còn có những người hảo tâm giúp sức”.
Chưa có hướng giải quyết
Trường hợp nhận nuôi người bệnh tâm thần ở nhà anh Phước, ông Nguyễn Quang Hải - Phó chủ tịch xã Chư H’Drông cho biết: Đây là vấn đề nan giải ở địa phương từ nhiều năm nay vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể. Mặc dù đến nay tình hình an ninh trật tự vẫn được đảm bảo nhưng nhiều hộ dân gần đó phản ánh, tỏ ra lo lắng vì có nhiều người tâm thần tự do đi lại. Hằng tháng, cán bộ y tế xã chỉ xuống kiểm tra sức khỏe định kỳ và hỗ trợ cấp phát thuốc.
Chị Hạc phát thuốc cho người bệnh
Không chỉ địa phương mà các sở, ngành còn nhiều lúng túng. Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Gia Lai: Lâu nay, ông Phước đã “cố tình né tránh”, không hợp tác với chính quyền địa phương và các sở, ban ngành. Chúng tôi đã thực hiện các thủ tục cần thiết, chỉ cần ông Phước ký xác nhận là có thể thành lập cơ sở ngoài công lập nhưng ông Phước không ký. Sở đã không dưới 5 lần mời các sở, ban ngành làm việc nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Nếu xử lý theo quy định rất khó vì chỗ ông Phước đang làm việc thiện, không tư lợi gì.
“Do không có tư cách pháp nhân nên các cơ quan chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, cũng như hỗ trợ thuốc men cho người bệnh. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh tạo điều kiện xây dựng trung tâm phục hồi chức năng và rối loạn tâm trí cho người bệnh tâm thần. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 người hưởng trợ cấp xã hội”, bà Tâm nói.
Trao đổi với PV, anh Phước cho biết anh không muốn thành lập cơ sở, nếu nhà nước muốn đưa các bệnh nhân vào bệnh viện ở, điều trị thì anh không phản đối gì. Hỏi lý do vì sao, anh không giải thích.
Theo bác sĩ Hiệp, Bệnh viện Tâm thần kinh Gia Lai mới hoạt động 9 tháng, số bệnh nhân tại đây khoảng 14-15 người trong khi cơ sở hạ tầng, thuốc men, cán bộ chuyên môn đầy đủ. Nguyên nhân cho sự thưa vắng này là do bệnh tâm thần cần phải điều trị lâu, người nhà bệnh nhân không thể ở lại bệnh viện lo ăn uống cả tháng được. Mặt khác, những người vào đây phần lớn thuộc hộ nghèo.
“Nếu nhà nước hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân, bệnh viện thuê người nấu ăn tại chỗ thì sẽ giữ chân bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị thay vì vào các cơ sở tự phát không đủ các điều kiện”, bác sĩ Hiệp nói.
Bác sĩ Võ Đình Hiệp - GĐ Bệnh viện Tâm thần kinh Gia Lai khẳng định: Rõ ràng, cơ sở của ông Phước là bất hợp pháp nhưng để xử lý thì không hề đơn giản. Việc điều trị cho người bệnh tâm thần cần có phác đồ, theo dõi và thuốc men đầy đủ thì bệnh mới hết được. Chắc chắn cơ sở ông Phước không đạt các yêu cầu này. Trước mắt, bệnh viện chỉ hỗ trợ ông Phước lượng thuốc nhất định.