Người Rục đói hay no sau bão số 6?

Người Rục đói hay no sau bão số 6?
TP - Khi mà con đường vào với người Rục vừa ráo nước, hàng chục đoàn cứu trợ của Trung ương và địa phương đang đổ về nghẽn lối con đường độc đạo dẫn đến các bản người Rục thì cũng là lúc chúng tôi chia tay nơi này để trở về xuôi.
Người Rục đói hay no sau bão số 6? ảnh 1
Gia đình chị Toàn vẫn đầy đủ lương thực sau bão số 6

Sau bão số 6, có  tin đồn 600 người Rục đang lả đi vì đói và bệnh tật. Sự thật thì sao? Bão số 5 vừa dứt, bão số 6 ập đến. Nước từ các khe suối dâng lên cục bộ cắt đứt tuyến độc đạo từ xã đến bản.

Những người có trách nhiệm từ xã, huyện và lực lượng biên phòng thường xuyên chỉ đạo các phương án ứng cứu cho người Rục nếu có tình huống xấu xảy ra. Khắc phục sự cố tắc đường cũng chỉ sau 2 ngày.

Và các cơ quan chức năng dùng mọi phương tiện nối thông với cộng đồng người Rục nơi đây. 7 hộ nhà bị ngập không đáng kể và được di dời kịp thời. Không dịch bệnh, không thiệt hại về người. Có khó khăn, nhưng khó khăn đến mức nào?

Chúng tôi đến nhà ông Cao Văn Chương ở bản Yên Hợp, vợ ông là Cao Thị Loan đang nấu ăn ở dưới bếp. Ông Chương kể: Trong mưa bão không vào rừng, lên rẫy được nên thiếu cái ăn. Nước rút, lên rẫy được thì không đói nữa...

Chỉ vào đống sắn ở góc nhà, ông Chương bảo có sắn nên không đứt bữa. Giờ lại có gạo và mì tôm cứu trợ rồi không còn phải lo đói nữa...Ông Cao Đồ, 71 tuổi bày tỏ: Nói người Rục đói ăn thì chưa hiểu người Rục.

Từ năm 1993 đến nay, Nhà nước đã đầu tư cho người Rục hàng chục tỷ đồng. Mục tiêu tối thượng của DA là bảo tồn và phát triển tộc người này. Riêng chỉ từ 2003 đến nay, một DA với quy mô lớn với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng đã được “rót” vào đây.

Một tuyến đường 12 km đầu tư cho ôtô vào đến trung tâm của 3 bản, đường điện lưới quốc gia cũng được kéo về từng hộ dân. Trên 110 ngôi nhà xây vững chắc (mỗi nhà chi phí 25 triệu đồng).

Trường học, bệnh xá, nhà văn hoá, nước sạch và trên 60 ha đất màu mỡ được khai hoang dành cho việc trồng ngô, đậu...cũng được đầu tư đồng bộ. 5 sỹ quan, chiến sỹ biên phòng cắm chốt tại bản.

Một phó chủ tịch HĐND xã Thượng Hoá được cử đặc trách giám sát ở đây. Ban dân tộc thường xuyên cử cán bộ lên chỉ đạo...

Có những rẫy sắn trồng 3-4 năm nay vẫn chưa dùng đến. Nhiều nhà ngô vẫn còn đầy. Bồi (ngũ cốc xay nhỏ đồ lên thành khuôn) là thức ăn chủ yếu ở đây. Nói người Rục thiếu gạo, thiếu cơm thì đúng chứ nói thiếu ăn đến lả cả người thì sai.

Nhà chị Cao Thị Toàn, 34 tuổi, được coi là gia đình khó khăn. Chị không có chồng, ở vậy nuôi mẹ già gần 80 tuổi. Ngôi nhà sạch sẽ tinh tươm. Ngô đầy dưới nền và trên gác bếp. Chị bảo: Với lượng ngô và sắn hiện tại ở trên rẫy, thì gia đình chị đủ ăn cho đến hết năm sau.

Ông Cao Tiến Thuỳnh - Trưởng bản Mò O, Ồ Ồ, vốn là một trung úy Biên phòng có 15 năm ở Tây Ninh, đã là Trưởng bản 13 năm nay - khi được hỏi về đời sống của người Rục sau bão số 6, đã trả lời khá gay gắt: “Toàn bộ người Rục ở đây chỉ hơn 400 khẩu.

Người Rục nghèo thì đúng rồi. Nhưng bảo là đói đến kiệt sức thì chỉ có những người không chịu làm mà chỉ luôn ỷ lại cứu trợ thôi”. Ông Thuỳnh chỉ tay ra phía trước mặt: “Đó, các anh xem, các rẫy sắn ngút ngàn thế kia thì sao bảo là đói được.

Tôi làm cán bộ ở đây chưa nghe nói có ai bị dịch bệnh. Thuốc được chuyển vào đầy đủ trước khi bão lũ xảy ra. Tôi xem tivi thấy đồng bào ven biển bị bão cuốn bay nhà cửa. Họ đang sống cảnh màn trời chiếu đất.

So với họ, người Rục hạnh phúc hơn nhiều. Nhà cửa kiên cố, điện không cắt, tài sản không mất và luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng”.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn dẫn lại nhận định của TS Trần Trí Dõi –một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về người Rục, rằng tiến trình hội nhập của người Rục với cộng đồng chậm là vì trong rất nhiều nguyên nhân thì nguyên nhân quan trọng nhất là trong rất nhiều lần cứu trợ.

Giúp đỡ “chúng ta đã vô tình tạo nên một tâm lý được ưu đãi của họ và do vậy họ không có ý thức tự phát triển. Sự ỷ lại đó là khó khăn lớn nhất cho bất kỳ chương trình, dự án nào”...

MỚI - NÓNG