Cơ thể yếu ớt, bà Cung Huân Huệ ngồi lọt thỏm trong một góc sô pha, sau lưng chèn vô số gối ôm mới thẳng lưng được. Bà mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) từ năm 2002, đến nay, cơ thể gần như bất toại hoàn toàn, chỉ có đôi mắt là còn chớp được. Khó khắn lắm, bà mới dùng đôi mắt điều khiển được máy tính đặt trước mặt, lệnh gõ ra lời muốn nói. ALS là căn bệnh khiến các tế bào thần kinh tê liệt. Một khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm nhận cơ thể từ từ đông cứng cho tới khi liệt hẳn. Họ dần mất khả năng vận động, không thể nhai thuốc, thức ăn và gặp khó khăn khi hít thở. Theo hiệp hội ALS, chỉ hơn 5% bệnh nhân có thể chống chọi bệnh trong 20 năm. Ông hoàng vật lý Stephen Hawking là một trong số hơn 5% hiếm hoi ấy.
Hàng ngày bà Cung được chồng tận tình chăm sóc. Bà quen ông Dương năm 1976, lúc 23 tuổi, qua ông ngoại giới thiệu. Bà kể lại, lần đầu tiên nhìn thấy ảnh ông, trái tim người con gái chưa từng yêu bỗng rung động. Ít lâu sau, ông ngoại dẫn ông Dương về nhà, hai người sinh lòng cảm mến nhau, rồi trở thành vợ chồng.
"Hồi đấy bà ấy đẹp lắm, còn là bác sĩ ngoại khoa nữa. Vừa giỏi vừa đẹp, tôi nhìn là mê ngay", ông Dương nhớ lại. Sau này bà nghỉ việc, hai vợ chồng cùng mở tiệm giặt là, sinh sống ở Thành Đô.
Năm 2002, bà bỗng cảm thấy sức khỏe bất thường. "Lúc đấy tôi hay chóng mặt, chân phải cứ hay bị tê, không còn sức", bà Cung kể lại. Hai vợ chồng đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, nhưng đều không chẩn đoán ra bệnh. Cuối cùng đến một ngày tháng 8/2003 bác sĩ kết luận bà bị bệnh rối loạn thần kinh vận động do xơ cứng teo cơ, khi bà nói không còn rõ nữa.
"Em không cam chịu số phận, không cam chịu ngày tháng trôi qua vô vị", bà Cung nhớ lại lúc mới mắc bệnh, nói với chồng. "Em vẫn còn sống, em muốn tiếp tục sống tiếp, chứ không muốn nằm chờ chết". Bà muốn nhìn thấy con trai lấy vợ sinh con, được nhìn thấy cháu nội. Từ đó, hai vợ chồng bà bắt đầu học cách sử dụng máy tính, thông qua một phần mềm có tên Con mắt vạn năng, chỉ cần chớp mắt, lắc đầu, phần mềm sẽ đọc được tín hiệu và viết lên máy tính.
"Bà ấy cứ thế kiên trì, ngày nào cũng vậy, ngồi mười mấy tiếng trước máy tính", ông Dương kể. Bà còn biết dùng QQ, một phần mềm nhắn tin phổ biến của Trung Quốc, để trò chuyện với những người bệnh khác cho khuây khỏa. Hơn một năm vất vả, bà vừa viết xong cuốn tự truyện về cuộc đời mình, dài hơn 150.000 chữ với hy vọng, cuốn truyện sẽ là nguồn cổ vũ tinh thần, cho những người mắc bệnh như bà.
12 năm vợ bệnh, ông Dương luôn bên cạnh chăm sóc, và căn nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. "Biết tin các anh sắp đến thăm, bà ấy cứ giục tôi trang điểm cho từ sớm. Đúng là càng có tuổi càng kỹ tính", ông Dương cười trêu vợ, mắt nhìn bà đầy âu yếm. "Đừng có nghe lời ông ấy", bà Cung nhanh chóng ra lệnh cho máy tính gõ chữ, trêu lại chồng.