Người phụ nữ đầu tiên làm homestay ở Lùng Phình, vươn lên làm chủ cuộc sống nhờ du lịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - A Lềnh là homestay đầu tiên ở xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Người sáng lập và tiên phong trong phong trào làm homestay ở vùng này là một phụ nữ người Mông, chị Giàng Thị Chứ. Kể từ khi làm du lịch, chị Chứ cũng tạo ra việc làm và thu nhập cho một số chị em trong thôn, có thêm thu nhập cho gia đình.

Đi vào hoạt động ngay từ thời điểm 2020, lúc dịch Covid vẫn còn tác động nặng nề đến toàn bộ hoạt động lưu trú. Tuy nhiên, với sự đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng dịch vụ, A Lềnh của chị Chứ đã thành công giữ chân du khách, mở ra một tiền lệ kinh doanh tương đối táo bạo cho cả xã Lùng Phình.

Người phụ nữ đầu tiên làm homestay ở Lùng Phình, vươn lên làm chủ cuộc sống nhờ du lịch ảnh 1

Một góc homestay A Lềnh vào mùa xuân.

Lùng Phình nằm trên cung đường từ huyện Bắc Hà đi huyện Si Ma Cai, có quang cảnh đẹp, là lộ trình hấp dẫn với dân phượt. Chính sự xuất hiện liên tục của khách ngoại quốc và khách du lịch ưa khám phá trong nước, chị Chứ nảy ra ý định táo bạo là mở một dịch vụ lưu trú để kinh doanh. Nói là táo bạo vì trước đó, không người dân nào ở Lùng Phình tin rằng mình hoàn toàn có thể kiếm tiền bằng những công việc khác, ngoài làm nương và làm thuê.

"Từ xưa mình chỉ quen làm ruộng nương thôi. Rồi mình thấy khách du lịch đi qua khu vực làng bản mình nhiều quá, nhưng cả xã mình chưa có một cơ sở nào làm du lịch để đáp ứng nhu cầu cho khách. Đi sang các vùng khác thì thấy họ làm du lịch khá tốt, hiệu quả cao hơn làm nông nghiệp rất nhiều. Nên mình đã bàn với chồng chuyển sang đầu tư làm du lịch", chị Chứ chia sẻ.

Người phụ nữ đầu tiên làm homestay ở Lùng Phình, vươn lên làm chủ cuộc sống nhờ du lịch ảnh 2

Homestay A Lềnh nằm ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Khi chị Chứ đem ý tưởng này ra bàn với chồng, chồng chị rất ngạc nhiên, chỉ lo không làm được, vì từ xưa cả bản, thậm chí cả xã Lùng Phình cũng chưa có ai biết làm du lịch như thế nào cả. Nhưng chị Chứ tin rằng, người khác làm được, mình cũng sẽ làm được, chỉ cần mình quyết tâm tìm tòi học hỏi. Thế là, chị bỏ thời gian đi đến các điểm làm du lịch ở dưới thị trấn Bắc Hà xem cách người ta làm homestay, quan sát học hỏi, rút kinh nghiệm cách làm của những người đi trước, rồi về áp dụng cho mô hình nhà mình.

Những ngày đầu khi A Lềnh vừa mở ra thì gặp đúng dịp dịch Covid bùng phát. Một thời gian dài không có khách, một số thành viên trong gia đình rất hoang mang. Riêng chị Chứ vẫn luôn tin tưởng, sau cơn mưa trời lại sáng. Chị động viên chồng cố gắng qua đợt dịch, khi kinh tế hồi phục, thể nào cũng sẽ lại có khách.

Người phụ nữ đầu tiên làm homestay ở Lùng Phình, vươn lên làm chủ cuộc sống nhờ du lịch ảnh 3

Người Mông ở Lùng Phình trước nay chỉ biết làm nông để kiếm tiền, chưa từng có ai nghĩ đến kinh doanh homestay.

"Khi vợ bàn việc làm du lịch, nói thật là mình cũng không yên tâm, nhưng vẫn ủng hộ làm và bỏ vốn đầu tư. Bởi vợ mình bàn có lý, đó là cả xã này chưa có ai làm, khách du lịch đi qua rất nhiều, nếu mình làm thì họ sẽ có chỗ để đến. Trải qua nhiều khó khăn, nhưng đến bây giờ thì cũng đã có khách và bước đầu cũng khá ổn định", anh Giàng A Lềnh, chồng chị Chứ, cho biết.

Cho đến nay, mô hình homestay của gia đình chị Chứ đã phát triển khá ổn định. Do được đầu tư với quy mô bài bản, có sức chứa được 100 khách/ngày đêm, cùng với đó là trang thiết bị khá tiện nghi, nên thu hút được khá nhiều du khách trong và ngoài nước.

Người phụ nữ đầu tiên làm homestay ở Lùng Phình, vươn lên làm chủ cuộc sống nhờ du lịch ảnh 4

Một vị khách nước ngoài thích thú với khung cảnh hoang sơ xung quanh homestay.

Kể từ khi làm du lịch, chị Chứ cũng tạo ra việc làm và thu nhập cho một số chị em trong thôn. Họ tham gia vào các dịch vụ nấu ăn, biểu diễn văn nghệ phục vụ khách, nhờ đó mà cũng có thêm thu nhập cho gia đình.

Người phụ nữ đầu tiên làm homestay ở Lùng Phình, vươn lên làm chủ cuộc sống nhờ du lịch ảnh 5

Homestay của chị Chứ đã tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều chị em khác trong bản.

Hiện chị Chứ mong muốn nhiều gia đình trong thôn sẽ cùng làm homestay để đón khách bởi nhiều đoàn khách đông, nhà chị không tiếp hết, họ lại phải ra tận Bắc Hà trọ, rất uổng.

Chị còn cho biết thêm: Nhiều nhà làm thì sẽ có thể mạnh hơn, có thể đón nhiều khách và tạo thành một điểm đến lớn ở Lùng Phình. Làm du lịch cũng vất vả và bỏ vốn nhiều, nhưng ngược lại nó sẽ có thu nhập tốt hơn là làm nông nghiệp.

Mô hình du lịch cộng đồng này của chị Chứ được cho là điểm sáng để nhiều dân bản tham quan, học tập, nhân rộng góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới vùng cao ngày một khởi sắc trù phú, thanh bình, nên thơ, đáng sống.

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.