Người Ơ Đu đầu tiên tốt nghiệp đại học

Người Ơ Đu đầu tiên tốt nghiệp đại học
TP - Tộc người Ơ Đu hiện có 570 người. Nhưng cho đến nay, chỉ có 1 người tốt nghiệp đại học (ĐH) là anh Lô Kim Trọng ở bản Kim Hòa, xã Kim Đa, Tương Dương, Nghệ An.
Người Ơ Đu đầu tiên tốt nghiệp đại học ảnh 1
Thầy Lô Kim Trọng, người ơ Đu đầu tiên tốt nghiệp ĐH

Hiện nay, anh Lô Kim Trọng là Phó hiệu trưởng trường THCS Kim Đa.

Bên ché rượu cần, Lô Kim Trọng kể về những ngày “xa lơ xa lắc”. Kỷ niệm của tháng năm băng rừng đuổi theo cái chữ như vẫn còn tinh khôi.

Sự học đối với người dân miền rẻo cao luôn vất vả gian nan, nhất là đối với Ở Đu, một trong những tộc người nghèo và lạc hậu nhất miền Tây xứ Nghệ.

Ngày đó phương tiện đi lại khó khăn, nhiều hôm chàng sinh viên miền núi phải cõng gạo xuôi thuyền từ Kim Đa về thị trấn Hòa Bình, rồi đi bộ từ Hòa Bình xuống Vinh, tàu xe ra Việt Bắc.

Càng gian nan thử thách, càng tôi luyện ý chí vượt khó. Năm 1981, Lô Kim Trọng hoàn thành luận án tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường ĐHSP Việt Bắc, anh trở lại quê nhà dạy học tại trường cấp III (nay là trường Dân tộc nội trú Tương Dương).

Đến năm 1985, mẹ anh lâm bệnh nặng, qua đời, Lô Kim Trọng phải rời mái trường phố núi thân yêu về bên dòng Nậm Nơn làm… cán bộ bản nuôi đàn em nhỏ.

Làm cán bộ bản Kim Hòa mấy năm, Lô Kim Trọng được tín nhiệm bầu giữ chức Phó chủ tịch HĐND xã Kim Đa. Nhưng hình như chàng trai Ơ Đu ấy chẳng muốn làm “quan”.

Năm 1998, anh trở lại với nghề dạy học. Những gương mặt thơ ngây, tiếng trẻ ríu rít học bài, kỷ niệm sân trường, mới thực sự cuốn hút tâm trí của người giáo viên vùng sơn cước. Năm 1999, Lô Kim Trọng trở thành Hiệu phó trường THCS Kim Đa.

“Tôi cảm thấy hạnh phúc thật đủ đầy và trọn vẹn, khi được đem cái chữ truyền lại cho con em bản làng nơi mình đã sinh ra, lớn lên” - Thầy giáo Lô Kim Trọng tâm sự.

Từ nhà anh ở bản Kim Hòa ngược dòng Nậm Nơn lên bản Com thuyền máy chạy chưa đầy 30 phút; xuôi dòng càng nhanh hơn: chỉ mất 15 phút. Nhưng để dành thời gian gần gũi các em học sinh, thầy Trọng tìm một mảnh đất bên cạnh Nậm Nơn, dựng lều ở. Nơi đó, thầy có thể tiếp cận với học sinh bất cứ lúc nào.

Ngồi nhìn ra dòng sông lãng đãng khói sương, thầy không nói nhiều về hoàn cảnh gia đình mình. Tâm tư của thầy đang hướng về sự học của một bản làng vùng cao.

“Toàn trường THCS Kim Đa hiện nay có 371 học sinh, nhưng người ơ Đu chỉ có 18 em. Và hiện tại cũng chỉ có 2 học sinh Ơ Đu đang học trung học phổ thông tại trường Dân tộc nội trú huyện Tương Dương” – Thầy Trọng nói.

“Thưa thầy, thầy có thấy tự hào khi mình là người Ơ Đu đầu tiên tốt nghiệp Đại học?” – Chúng tôi hỏi.

Không trả lời thẳng vào câu hỏi, đôi mắt thầy đăm chiêu nhìn xuống dòng Nậm Nơn nước cuồn cuộn chảy: “Tôi biết, nhiều em Ơ Đu có học lực khá, nhưng vẫn không học cao lên được. Có thể do hoàn cảnh chi phối. Tôi trăn trở nhất là hiện nay số học sinh bậc THPT người ơ Đu quá ít.

Toàn huyện có 570 người Ơ Đu, nhưng nay chỉ có 2 em học THPT thì ít ỏi quá. Điều đó làm tôi cảm thấy day dứt, làm sao để ngày càng có nhiều người dân ơ Đu đi học và học lên cao hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở trình độ như tôi”.

MỚI - NÓNG