Người lữ hành một thời đơn độc

Người lữ hành một thời đơn độc
TP- 5 năm trước, thầy Nguyễn Thượng Long đã từng công khai lên án những gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Tây. Nhưng tiếng nói của thầy Long đã như hòn đá ném ao bèo.

Một thầy giáo ở Hà Tây từng tố cáo tiêu cực trong thi cử:

Người lữ hành một thời đơn độc

Người lữ hành một thời đơn độc ảnh 1
Thầy Nguyễn Thượng Long

Như Tiền phong đã thông tin, sau khi thầy Khoa công khai danh tính, có một thầy giáo cũng ở Hà Tây đã lặng lẽ tìm đến thầy Khoa để bày tỏ sự ngưỡng mộ. Đó là một thầy giáo sắp sửa đến tuổi về hưu Nguyễn Thượng Long.

Và khi thầy Khoa tới báo Tiền phong để tham gia cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc, thầy Long đã cậy nhờ thầy Khoa hỏi thanh tra Bộ GD&ĐT có biết vụ việc thầy tyố cáo gian lận trong thi cử năm 2001 không.

“Thanh tra Đa vít”

Ngày 18/6/2001, dư luận ngành giáo dục Hà Tây xôn xao bởi tại lễ bế mạc Hội đồng giám khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT Hà Tây một giáo viên đăng đàn phê phán những tiêu cực trong kỳ thi.

Bài phát biểu kết thúc, tiếng vỗ tay vang giòn như pháo nổ. Nhiều người ùa lên bắt tay hoặc ôm ghì lấy diễn giả. “Cảm ơn anh đã nói hộ cho nỗi lòng của chúng tôi!”.

Với vị trí là thanh tra nhân dân, thanh tra kiêm nhiệm Sở GD&ĐT Hà Tây và là giám thị coi thi, thầy Long được chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng.

Chẳng hạn, tại hội đồng thi THPT Xuân Mai, đang coi thi thì thầy nghe giám thị Phạm Gia Chiến (GV trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Oai) ở phòng thi bên cạnh kêu: “Đề bị cướp rồi!”.

Thầy Long nhìn ra ngoài thì thấy kẻ cướp đề đang trèo tường ra ngoài. Xung quanh đó là công an đứng nhìn dửng dưng. Thầy Long phẫn nộ: “Họ đến để bảo vệ kỳ thi nhưng không tác nghiệp!”.

Thầy Chiến xác nhận: “Việc này cũng được lập biên bản. Nhưng các anh lãnh đạo hội đồng “xin”, không đưa vào báo cáo. Thế là tôi mang cái biên bản ấy về làm “kỷ niệm”. Nhưng lâu ngày rồi, tôi cũng chẳng giữ nó lại làm gì”.

Không chỉ đến kỳ thi năm 2001 mới có cảnh người dân xâm nhập vào hội đồng thi để ném bài. Từ nhiều năm trước đó, bản thân thầy Long đã chứng kiến sự hỗn loạn không kiểm soát nổi ở một số nơi.

Một kỷ niệm buồn ở hội đồng thi THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất).

Dưới sức ép của thầy Long (thanh tra), công an đã phải tạm giữ những kẻ xâm nhập. Thầy Long cay đắng nói: “Nhưng họ diễn giỏi lắm. Giữ thì giữ. Đề ra bài vào vẫn cứ đề ra bài vào".

Thầy kể tiếp: "Một kỳ thi quốc gia mà chẳng ai coi ra gì. Cứ thấy tôi là người ta lại hét lên: “Thằng Đa – vít đến!” (Đa – vít là tên vị thanh tra trong một bộ phim truyền hình dài tập – PV). Hồi đó, công an cứ phải đi cạnh tôi vì sợ người ta xông vào đánh tôi”.

Kỷ niệm thất bại của một đời dạy chữ

Nhưng lời phát biểu thẳng thắn của một nhà giáo tâm huyết, một công dân có trách nhiệm ấy như đá ném ao bèo. Sự hưởng ứng của các đồng nghiệp loãng ra. Thay vào đó là sự im lặng của “trên” dù bài phát biểu đó thầy Long đã gửi đến các cấp thẩm quyền.

Trao cho chúng tôi bài viết “Nỗi buồn thi cử” (bài viết được đọc trong ngày 18/6/2001), thầy Long nói: “Sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2001, tôi xem nó như một kỷ niệm thất bại của đời mình. Cách đây hơn 1 năm, tôi đã đem bao tải đựng 6 kg “phao” mà tôi nhặt được trong các phòng thi sau 6 buổi thi khi đi làm nhiệm vụ ở hội đồng THPT Xuân Mai để “hóa”. Tôi đã giữ đám “phao” đó hơn 3 năm. Trước khi “hóa”, tôi còn chụp ảnh tôi đứng cạnh đống “phao”. Âu cũng là để lưu lại một kỷ niệm xót xa”.

Kể từ cái ngày lịch sử của đời mình, thầy Khoa trở thành một hình ảnh điên điên, khùng khùng trong con mắt đồng nghiệp. Thầy Kiều Văn Chất (GV trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Hà Đông) kể: “Người ta xem thầy ấy như hủi. Nhưng tôi thì rất khâm phục. Một mình thầy tả xung hữu đột chống lại cái xấu, lầm lũi lặng lẽ chống tiêu cực”.

Thầy Long thừa nhận: “Có lúc tôi thấy mình rất cô độc. Người ta xem tôi là kẻ rỗi hơi, lắm chuyện, tâm thần, thậm chí còn gọi tôi là kẻ ác độc. Từ một thanh tra viên năng nổ, nhiệt tình, tôi bị “thất sủng”. Người ta lặng lẽ cho tôi ngồi chơi xơi nước dù tôi là một thanh tra có thẻ. Tôi già rồi, chỉ còn 1 năm nữa là về hưu, chẳng ham hố gì danh lợi. Nhưng về hưu ôm theo một kỷ niệm thất bại thì tôi đắng lòng lắm”.

Dù không được gọi đi thanh tra, nhưng thầy Long vẫn có trong danh sách giám thị coi thi mỗi mùa thi đến. Danh sách chưa được dán lên, GV trường THPT Trần Hưng Đạo – nơi thầy Long công tác - đã nói đùa: “Thầy lại đi coi thi ở trường THPT Quang Trung chứ gì?”. Quả thế thật. Năm nào cũng chỉ có một nơi đó cho thầy Long đến coi thi.

Có năm chỉ làm mỗi nhiệm vụ: Trực canh đồng hồ để đánh trống báo hiệu hết giờ. “Từ một “thanh tra Đa vít”, 5 năm trước khi về hưu của tôi là một Nguyễn Thượng Long tẻ nhạt, buồn thảm” - Thầy Long tự nhận. Trường Quang Trung là nơi tương đối nghiêm trong thi cử ở Hà Tây. Vả lại, đó là nơi thầy Long có nhiều bạn bè.

Sự kiện giám thị Đỗ Việt Khoa tố cáo gian lận thi cử òa đến trong lòng những người như thầy Long niềm hy vọng.

Thầy Long hồ hởi: “Không thể như thế mãi được. Sẽ đến lúc lịch sử ngành giáo dục phải đặt trách nhiệm lên tiếng tố cáo gian lận trong giáo dục lên vai một ai đó, không phải thầy Khoa thì ắt cũng phải là một người khác. 5 năm trước, tôi đã lĩnh trách nhiệm đó, nhưng rồi tôi thất bại. Còn Khoa, tôi tin là Khoa sẽ thành công. Báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ, dư luận xã hội sẽ không để cho các cơ quan chức năng làm “chìm xuồng” vụ này”.

Gia đình và những người bạn

Hình ảnh thầy Long tuy méo mó ít nhiều trong con mắt các đồng nghiệp nhưng điều may mắn của thầy là được vợ con hiểu, yêu thương và kính trọng. “Mải mê chinh chiến” ngoài đời nhưng thầy Long vẫn đạt được sự cân bằng trong cuộc sống gia đình.

Đến nhà thầy lần đầu tiên, thầy đi vắng, bà giáo (là cán bộ ngành khí tượng thủy văn) tiếp chúng tôi. Bà xởi lởi: “Ông nhà tôi đi suốt ngày. Tôi vẫn nói đùa với ông ấy “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Nói vậy thôi, tôi cũng chẳng phàn nàn gì. Trời sinh ra ông ấy như vậy mà”.

Kể về con cái, giọng bà giáo trìu mến: “Nhờ trời các cháu đều ngoan. Mỗi cháu út đang học lớp 12, còn 2 anh, chị lớn đều phương trưởng và đều đã có gia đình riêng.

Anh con trai cả (sinh năm 1973) là Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh. Cô con gái thứ 2 là hoạ sĩ ở xưởng phim hoạt hình (Đài Truyền hình Việt Nam). Mấy ngày vừa rồi xảy ra vụ thầy Khoa, biết bố quan tâm nên anh cả chịu khó vào mạng đọc báo rồi thông tin lại cho bố”.

Những năm “hậu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2001”, thầy Long lầm lũi làm việc trong sự cô độc, trong lời dị nghị của  một số đồng nghiệp. Rời bục giảng là thầy lại viết. Viết báo có, viết ký rồi để đấy cũng có. Viết để giải tỏa những uẩn ức.

Dự định của thầy là sẽ xuất bản một cuốn ký khi đã về hưu. Nhưng mấy năm gần đây, thầy Long bắt đầu có những người bạn hiểu và yêu kính thầy. Họ là những GV dạy ở các trường khác nhau trong khu vực thị xã Hà Đông và các huyện lân cận. Họ cũng từng phải lờ đi trước những gian lận trong thi cử vì một mình chống lại không xuể.

Họ từng phải cầm những “đồng tiền bồi dưỡng chống trượt” mà dằn vặt bản thân: “Bứt rứt quá không thể nào chịu được. Cái phong bì nóng hổi ở trên ta... Cuộc thi này là toàn dân nổi dậy. Cách mạng thi tốt nghiệp của muôn nhà” (tác giả, GV Nguyễn Thanh Nhàn, trường THPT Quang Trung). Họ tìm thấy ở thầy Long tinh thần dũng cảm mà bản thân họ chưa đạt tới.

Hôm nay, nhóm bạn ấy lại tìm đến một người để bày tỏ lòng mến mộ: thầy Đỗ Việt Khoa.

Thầy Long nói: “Tôi cứ tưởng mình sẽ ôm một kỷ niệm thất bại để về hưu. Nhưng giờ thì tôi mừng lắm. Tôi thất bại, nhưng đã có Khoa - thế hệ học trò của chúng tôi - tiếp tục kiên cường đấu tranh lấy lại sự trung thực cho giáo dục. Dù đáng tuổi thầy của Khoa, nhưng khi báo chí đưa tin về cậu ấy, tôi đã lặn lội tìm đường đến nhà Khoa để nói, có chúng tôi ủng hộ và bảo vệ em”. 

MỚI - NÓNG