Kỳ 1: Sống chui trên quê mình
Luật sư Hoàng Đức Cường, Chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội & HĐND tỉnh Quảng Trị kể nhiều cảnh khó tin ở vùng biên ải này.
Ông Cường còn đảm nhận chức Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị. Gặp tôi, ông buồn buồn về chuyện, hiện ở Quảng Trị có 527 hộ (2.016 nhân khẩu) là người dân Việt Nam di cư tự do từ Lào về sống ổn định 5 năm, 10 năm, thậm chí có người 15 năm tại các xã biên giới ở huyện Hướng Hóa (ấy là chưa tính ở huyện rẻo cao Đakrông) song chưa có quốc tịch Việt Nam.
Buồn cảnh: Một gốc hai ngọn
Giữa cái nắng nóng cháy tai, ràn rạt gió Lào khô khốc của tiết trời tháng 5 ở vùng sơn cước Hướng Hóa, tôi bám đuôi xe máy Chủ tịch xã A Dơi Hồ Xa Kách vào bản áp biên giới Việt-Lào có tên gọi A Dơi Đớ. “Đường đất gồ ghề, quanh co khúc khuỷu, thăm thẳm như cảnh dân bản tìm lại quốc tịch của mình, phải không cán bộ?”, Trưởng bản Hồ Văn Lối đón chúng tôi bằng câu ví von đến chạnh lòng khi đến nhà già làng Pả Kía.
A Dơi là xã có 67 hộ, 678 khẩu dân di cư tự do từ Lào về, đông nhất huyện Hướng Hóa. Còn bản A Dơi Đớ này chiếm tới 47 hộ, 315 khẩu. Trưởng bản Lối kể, sau hoạch định biên giới năm 1977, các hộ dân sang Lào sinh sống. Song nỗi nhớ quê hương bản làng níu họ trở về, và thế là họ trở thành những cư dân sống… bất hợp pháp. Ở nhà già làng Pả Kía, nghe tin cán bộ dưới xuôi lên, nhiều dân bản dừng việc lên nương kéo đến gặp.
Hồ Văn Vay, một cư dân bản tha thiết: “Dân bản bày tui khổ lắm. Cưới vợ chui, lấy chồng chui, đẻ con ra cũng chui. Chui hết!”. Còn bà Hồ Thị Mết thì không nói gì nhưng nhìn khuôn mặt, cử chỉ thì chúng tôi hiểu rằng bà rất buồn: “Hầu hết bà con bản mình đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hướng Hóa ni. Nhiều người từng tham gia kháng chiến, là đảng viên”. Pả Kía từng đi bộ đội Cụ Hồ. Bước chân ông và đồng đội từng in dấu khắp núi rừng miền tây Quảng Trị.
Ông và đồng đội lặn lội sang Lào, giúp dân nước bạn chống lại kẻ thù chung. Vào thời điểm hoạch định biên giới, theo lời mời gọi của người dân nước bạn, Pả Kía sang Lào sinh sống mà chẳng đắn đo gì. Giống như Pả Kía, vì nhiều lý do khác nhau, một bộ phận người dân Việt Nam sống trên phần đất phân chia biên giới quyết định qua bên kia biên giới gây dựng cơ nghiệp.
Rồi cảnh ly hương, nỗi nhớ bản làng, dòng tộc khiến những người như Pả Kía, ông Vay, bà Mết, chị Lắm ở A Dơi Đớ quyết tâm trở về bản làng của mình, bởi cây có cội, suối có nguồn mà. Pả Kía là người đầu tiên trở về quê cũ. Đất hương hỏa chẳng còn, Pả Kía vào rừng dựng tạm nhà để ở. Vài năm sau, vùng đất gia đình Pả Kía ở tiếp tục đón những hộ dân mới. Gốc gác họ là người Việt Nam song lại mang quốc tịch Lào. Bản A Dơi Đớ ra đời như vậy đó.
Toàn cảnh A Dơi Đớ lọt giữa đại ngàn.
Thế nhưng, Pả Kía bảo, dân bản A Dơi Đớ nào ngờ đường hồi hương lại trúc trắc như rứa. Đa phần dân bản chịu cảnh “một gốc, hai ngọn” mà gia đình già làng Pả Kía là một điển hình. Do mang quốc tịch Lào nên Pả Kía không có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình. Người con trai đầu Hồ Pưn đẻ trên đất bạn nên cũng mang quốc tịch Lào. Song bà Lia, vợ Pả Kía lại là người Việt Nam. Ba người con sau của ông sinh ở bản A Dơi Đớ nên lựa chọn quốc tịch theo mẹ. Thế hệ trước kéo theo đời sau, giờ đây các cháu của vợ chồng Pả Kía cũng “tách thành” hai quốc tịch khác nhau, Lào và Việt.
Không giấy kết hôn, không giấy khai sinh
Chủ tịch xã Hồ Xa Kách bảo, do vướng mắc quốc tịch nên đa phần gia đình ở bản A Dơi Đớ đều không được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Nhà không có hộ khẩu. Vợ chồng lấy nhau không có giấy đăng ký kết hôn.
Còn giấy khai sinh, phần lớn trẻ em ở bản chỉ được chính quyền xã A Dơi linh động, tạo điều kiện học đến bậc trung học cơ sở ở địa phương. Học hành dang dở, các em chỉ biết níu vô nương rẫy kiếm sống. Nhưng lớp trẻ ở đây đang trong cảnh khốn khổ không có đất sản xuất. Rồi lúc đau ốm, dân bản chỉ biết nhờ Giàng. Bao năm nay người dân bản cứ luẩn quẩn như vậy.
Tôi hỏi Pả Kía, cuộc sống eo thắt vậy, dân bản có ra đi nữa không? Pả Kía dứt khoát: “Không, không bao giờ có chuyện ly hương lần nữa. Bởi nếu quay lại Lào thì cũng phải sống bất hợp pháp do nhiều người không có hoặc thất lạc các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình”. Còn ông Hồ Rứt lập luận: “Nhà miềng giờ đi cũng không được, ở cũng chẳng xong. Tốt nhất là ở lại quê nhà. Chỉ thương 6 đứa con thôi, cứ như ri, đời chúng sẽ khổ lắm!”.
Ông Hồ Xa Kách bảo, lãnh đạo địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân bản A Dơi Đớ thực hiện nghiêm túc các quy định về chủ quyền, lãnh thổ. Vậy nhưng, bà con năm lần, bảy lượt bày tỏ nguyện vọng ở lại quê nhà, được nhập quốc tịch Việt Nam.
Tại xã, người dân bản A Dơi Đớ chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Chính quyền xã A Dơi cũng đã linh động, tạo điều kiện hỗ trợ dân bản A Dơi Đớ bằng nhiều cách khác nhau, song việc giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ khẩu nằm ngoài khả năng của xã.
Đã có "2627" mở đường
Đem nỗi trăn trở day dứt của những “người lậu miền biên ải” hỏi Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh. Ông Thanh thông tin, hiện trạng này diễn ra tại khá nhiều bản làng ở vùng sơn cước Hướng Hóa và Đakrông. Duyên do nhận thức về chủ quyền, biên giới của người dân còn hạn chế.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2627 phê duyệt Đề án thực hiện “Thỏa thận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”.
Trẻ em bản A Dơi Đớ.
Theo đó, “Trong 3 năm kể từ ngày thỏa thuận có hiệu lực, các cơ quan chức năng của hai nước Việt- Lào cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm thỏa thuận, giải quyết cơ bản vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt-Lào. Cụ thể, những người Lào sang Việt Nam sinh sống trước thời điểm thỏa thuận được ký (ngày 8/7/2013) thì được phép cư trú và nhập quốc tịch nếu có nhu cầu.
Vậy là bài toán về quốc tịch của hàng trăm hộ dân dọc miền biên ải Việt-Lào nói chung đã có cơ sở giải quyết. Vấn đề còn lại là sự vào cuộc của các cấp chính quyền như thế nào mà thôi!
______________
(Còn nữa)
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị, ông Lê Sa Huỳnh: “Cũng vì chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch nên những người này chịu nhiều thiệt thòi, không được hưởng những quyền lợi do Nhà nước quy định. Rồi việc có quá nhiều người không quốc tịch sinh sống trên địa bàn gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, ảnh hưởng tình hình an ninh, chính trị khu vực biên giới”.