Cả nước có 6,11% khuyết tật từ 2 tuổi trở lên
Tỷ lệ khuyết tật này ở khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (6,89% so với 4,78%). Xét theo vùng kinh tế-xã hội, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 2 vùng có tỷ lệ khuyết tật của người từ 2 tuổi trở lên cao nhất lần lượt là 7,54% và 7,52%, vùng Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ khuyết tật của người từ 2 tuổi trở lên thấp nhất cả nước với 3,62%.
Điều tra người khuyết tật năm 2023 (viết tắt VDS 2023) là cuộc điều tra lần thứ hai về người khuyết tật tại Việt Nam. Đây là cuộc điều tra thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023.
VDS là cuộc điều tra mẫu được thực hiện 5 năm một lần với mục đích thu thập thông tin về người khuyết tật phục vụ biên soạn chỉ tiêu thống kê quốc gia về người khuyết tật và hoạch định chính sách đảm bảo quyền của người khuyết tật, giám sát và đánh giá việc thực hiện pháp luật của Việt Nam, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về người khuyết tật.
![]() |
VDS 2023 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo kết quả VDS 2023, tỷ lệ khuyết tật của trẻ em từ 2-17 tuổi của cả nước là 1,98%, trong đó, tỷ lệ khuyết tật của trẻ từ 2-4 tuổi là 4,44% (ở nhóm tuổi này khuyết tật về thần kinh có tỷ lệ cao nhất với 3,92%) và tỷ lệ khuyết tật của trẻ từ 5-17 tuổi là 1,51%. So với năm 2016, tỷ lệ khuyết tật của trẻ từ 2-17 tuổi giảm 0,81 điểm phần trăm; tỷ lệ khuyết tật của trẻ từ 2-4 tuổi tăng 1,7 điểm phần trăm; và tỷ lệ khuyết tật của trẻ từ 5-17 tuổi giảm 1,29 điểm phần trăm.
Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em khuyết tật ở cả 3 cấp học phổ thông đều giảm
Theo kết quả tính toán từ VDS 2023, tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em khuyết tật ở cả 3 cấp học phổ thông đều giảm so với năm 2016, trong đó giảm mạnh nhất ở cấp tiểu học và THCS lần lượt giảm 13,6 và 14,4 điểm phần trăm, cấp trung học phổ thông (sau đây viết gọn là THPT) giảm nhẹ với 2,8 điểm phần trăm. Qua đó cho thấy, trẻ em khuyết tật rất khó có thể theo học cùng với trẻ em có cùng độ tuổi mà thường đi học chậm hơn.
Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ em khuyết tật là 68,1%, thấp hơn 27,1 điểm phần trăm so với tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ em không khuyết tật (95,2%). So với năm 2016, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật giảm 13,6 điểm phần trăm, của trẻ không khuyết tật giảm 0,9 điểm phần trăm.
Ở cấp THCS, tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em khuyết tật là 53,0%, thấp hơn 37 điểm phần trăm so với tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em không khuyết tật (90,0%). So với năm 2016, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp THCS của trẻ khuyết tật giảm 14,4 điểm phần trăm, của trẻ không khuyết tật tăng 1,4 điểm phần trăm.
Ở cấp THPT, tỷ lệ đi học đúng tuổi có sự chênh lệch lớn giữa nhóm trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật. Theo kết quả VDS 2023, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp THPT ở trẻ em khuyết tật là 30,8%, thấp hơn 45,8 điểm phần trăm so với tỷ lệ này ở trẻ em không khuyết tật. So với năm 2016, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp THPT của trẻ khuyết tật giảm 2,8 điểm phần trăm, của trẻ không khuyết tật tăng 7,9 điểm phần trăm.
Tỷ lệ người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên biết chữ năm 2023 là 79,0%, thấp hơn 17,3 điểm phần trăm so với tỷ lệ này ở người không khuyết tật (96,3%). So với năm 2016, tỷ lệ người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên biết chữ năm 2023 tăng 4,5 điểm phần trăm. Sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa người khuyết tật và không khuyết tật là do việc tiếp cận giáo dục cũng như khả năng tiếp nhận kiến thức của người khuyết tật khó khăn hơn.
Tỷ lệ người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề năm 2023 thấp hơn nhiều so với người không khuyết tật (8,8% so với 25,4%). So với năm 2016, tỷ lệ người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề năm 2023 tăng 1,5 điểm phần trăm. Sự chênh lệch về tỷ lệ được đào tạo nghề giữa người khuyết tật và không khuyết tật cho thấy khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo nghề của người khuyết tật ít hơn người không khuyết tật, dẫn đến hạn chế trong việc phát triển kỹ năng lao động và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Về y tế, kết quả điều tra VDS 2023 cho thấy, người khuyết tật nhận được nhiều sự trợ giúp từ các chương trình, chính sách hỗ trợ về y tế của nhà nước nhiều hơn so với người không khuyết tật.
Cụ thể, tỷ lệ người khuyết tật có bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí năm 2023 là 95,7% cao hơn người không khuyết tật (92,5%), tăng 5,6 điểm phần trăm so với năm 2016. Theo nhóm tuổi, tỷ lệ người khuyết tật có bảo hiểm y tế miễn phí cao nhất ở nhóm từ 70 tuổi trở lên (98,2%) và tỷ lệ thấp nhất là nhóm tuổi từ 50-59 tuổi (91,1%).