Người hái phù dung đã đi về ngọn núi ảo ảnh!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đôi khi tôi vẫn nghĩ, nếu không có cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thì Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ,… mãi mãi là những nhà giáo. Nhưng rồi sứ mệnh của các anh đã “nặng hơn cầm phấn”. Thất phu hữu trách… thời cuộc đưa đẩy Hoàng Phủ Ngọc Tường đến với con đường thi văn. Anh viết văn, làm báo, làm thơ dọc đường kháng chiến.

Có thể nói, sự nghiệp thi văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường được khởi nguồn từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Một người bạn cùng thời kể: Khi lên rừng, Hoàng Phủ Ngọc Tường văn hay chữ tốt, được giao soạn thảo cương lĩnh của Liên minh các lực lược Dân tộc - Dân chủ và Hòa bình thành phố Huế. Anh viết chính luận, viết lời hiệu triệu rất hay. Ai ngờ có những bài viết khiến anh sau này bị “vạ miệng”. Ví dụ như lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào Huế nổi dậy do anh viết được thu băng, phát đi khắp các phố phường. Hay bài bút kí “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”, được viết từ những trang ghi chép của anh Nguyễn Đắc Xuân, khiến cho nhiều người tưởng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã về Huế trong Tết Mậu Thân.

Những chuyện tương tự như thế tôi có bài phỏng vấn anh Tường trên Tiền phong Chủ nhật, số ra ngày 30/4/2008, với tít đề: “Cái họa của người nổi tiếng”. Đó cũng là một trong nhiều nỗi buồn về cuộc đời mà anh Tường chỉ biết gửi gắm vào thơ, mà rõ nhất là trong tập thơ “Người hái phù dung”.

Người hái phù dung đã đi về ngọn núi ảo ảnh! ảnh 1

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - ngoài cùng bên trái cùng bạn bè văn nghệ. Ảnh: TL Thanh Tùng

Hòa bình, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại trở thành con người của chủ nghĩa xê dịch. Từ đầu thập niên 1990 anh bỗng có thêm biệt danh “gã lang thang”, “người ham chơi”. Mỗi năm anh ra Bắc vào Nam không biết mấy lần mà kể. Ít ai biết rằng, nếu chị Lâm Thị Mỹ Dạ không âm thầm lo khoản lộ phí thì chắc gì anh Tường có mặt trên từng cây số, lang thang từ địa đầu Móng Cái đến Mũi Cà Mau.

Thông thường, vào dịp cuối năm, khoảng tháng 11 dương lịch, anh vào Sài Gòn thăm bạn bè. Ban đầu anh chỉ nhằm mùa đông “hành phương Nam” là hợp lý nhất, tránh được mưa dầm và giá lạnh của Huế. Vô trong đó, gặp bạn bè mời viết báo xuân, thế là anh viết một hơi dăm bảy bài. Viết xong, nộp quyển rồi mới trở về nhà viết cho các báo ở Huế, ở Quảng Trị, ở Đà Nẵng.

Sau ngày ngã bệnh (tháng 6/1998), một trong những nỗi buồn của Hoàng Phủ Ngọc Tường là không được lang thang đó đây như ngày nào... Đó cũng là lý do khiến chị Lâm Thị Mỹ Dạ đã gắng hết sức mình để làm vơi bớt nỗi buồn của anh. Và cũng từ ngày Hoàng Phủ Ngọc Tường ngã bệnh, từ một người phụ nữ thùy mị, xinh đẹp, tưởng chỉ biết làm thơ, không ngờ Lâm Thị Mỹ Dạ bỗng trở nên mạnh mẽ.

Có bệnh là vái tứ phương, hay tin ở đâu có thầy giỏi thuốc hay là chị Dạ quyết chí đưa anh Tường đi chữa bệnh cho bằng được. Với chị Dạ, mỗi lần đưa anh Tường đi xa chữa bệnh không chỉ là chuyện “vái tứ phương”, mà còn là một dịp để anh được gặp gỡ bạn bè. Liệu pháp tinh thần cũng đã góp phần giúp anh chiến thắng bệnh tật. Mỗi chuyến đi như thế sức khoẻ của anh đều có khá lên, tinh thần lạc quan hẳn lên.

Người hái phù dung đã đi về ngọn núi ảo ảnh! ảnh 2

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Thanh Tùng

Năm 1999 Hoàng Dạ Thi, con gái anh, ra trường ở lại Sài Gòn làm báo, năm 2001 mua được căn hộ chung cư 3 phòng 60 m2 ở gần sông Sài Gòn. Rồi cô chị Hoàng Dạ Thư cũng chuyển vào trong đó làm việc ở Nhà xuất bản Trẻ.

Thế là anh lại có cơ hội và có điều kiện vào Sài Gòn đều đều, ở lại trong đó lâu hơn. Từ đó anh đã trở lại áp dụng thời gian biểu “hành phương Nam” vào mùa đông. Nhưng giờ thì “hành phương Nam” không phải vì “đi làm kinh tế” như trước đây bạn bè anh hay nói đùa, mà là vào sum họp gia đình.

Khao khát của chị Dạ là làm sao chạy chữa cho anh Tường hồi phục. Ít nhất là đi lại được, dù chỉ đi quanh quẩn trong nhà! Khi rộ tin về khu vườn kì lạ ở Long An, được sự hỗ trợ của bạn bè, chị Dạ đã đưa anh Tường xuống nghỉ dưỡng. Ở đó, anh có viết tờ trình gửi các cơ quan có thẩm quyền nhân dịp đoàn cán bộ khoa học ở trung ương vào khảo sát. Anh gọi đó là “Khu vườn huyền nhiệm”.

Mỗi lần đưa anh Tường đi chữa bệnh là một kỳ công. Phải có mấy người cõng anh Tường ra khỏi nhà, lên xe taxi, lên tàu. Đầu tháng 4/2001, anh Tường vào Đà Nẵng chữa bệnh theo một phương pháp cổ truyền do nhà văn Đà Linh giới thiệu.

Tôi và nhà văn Dương Phước Thu hộ tống anh. Vào Đà Nẵng ngày trước thì ngày hôm sau Trịnh Công Sơn mất. Gần chục tờ báo lần tìm được anh đang ở khách sạn Daesco để nhờ viết bài. Vừa mới vào thầy thuốc đã khuyên phải giữ cho được tĩnh tâm và tập trung cao thì liệu pháp điều trị mới có hiệu quả. Anh nghe theo. Nhưng đến ngày hôm sau thì không chịu nổi, anh quyết định viết 3 bài, viết cho báo Thanh niên, báo Tiền Phong và báo Thừa Thiên Huế. Anh đọc cho chị Dạ chép rồi đưa tôi về cơ quan nhập vi tính, chuyển email cho các tòa soạn.

Dưới bài viết, trước khi đề tên tác giả, anh đề: Huế, ngày... tháng 4 năm 2001. Chị Dạ và tôi cùng cười, tưởng anh lẩn thẩn: “Sao lại Huế, ngày... Đà Nẵng chứ?”. Anh nói ngay: Cứ để thế. Đó là chủ ý của mình. Tôi hiểu ý anh, và chợt nhớ những năm trước đó nằm ở Sài Gòn viết về Huế mà người đọc cứ tưởng như anh đang viết trong căn gác bên cầu Phủ Cam, sông An Cựu; căn hộ mà Trịnh Công Sơn bàn giao cho vợ chồng anh trước khi vào Sài Gòn.

Huống chi hôm ấy anh đang viết về Trịnh Công Sơn, viết về người bạn trong nỗi đau nhớ bạn. Tôi lại nhớ, khi giới thiệu về 3 cây ký xuất sắc của 3 miền là cụ Nguyễn Tuân, nhà văn Sơn Nam và Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Tô Hoài đã viết: “Hoàng Phủ Ngọc Tường trầm mình trong không gian, trong thiên nhiên và con người Huế để viết”.

Từ khi ngã bệnh anh Tường đã xuất bản bốn tập bút ký, nhàn đàm. Những khi nẩy ra ý tưởng hay, hoặc được đặt hàng, thì anh Tường liền đọc cho chị Dạ viết. Bản thảo của các ấn phẩm cuối cùng của anh cũng là do chị sắp xếp, tổ chức, và liên hệ với các nhà xuất bản. Chưa kể, năm 2002 NXB Trẻ và Công ty Phương Nam đã xuất bản “Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyển tập”, gồm 4 tập, với gần 2.000 trang in, chọn lọc toàn bộ tác phẩm xuất sắc nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng có vai trò không nhỏ của chị Lâm Thị Mỹ Dạ.

Hoàng Phủ Ngọc Tường có bài “Bồng bềnh cho đến mai sau”. Bài thơ rất hay từ thuở ban đầu, nói về chuyện tình của anh và chị: “Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ/ Bồng bềnh mà vẫn theo nhau/ Anh với em ừ thì cũng lạ/ Bồng bềnh cho tới mai sau...”

Chị Dạ vừa đi được 18 ngày, anh cũng đi theo. Ngày kia, anh - chị cùng nhau “bồng bềnh” về Huế. Ngôi nhà vĩnh hằng của anh chị nằm trên “ngọn núi ảo ảnh” thuộc phường Hương Hồ, hướng nhìn về “Dòng sông ai đã đặt tên” và những ngôi nhà vườn “hoa trái quanh tôi”!...

Chị Dạ vừa đi được 18 ngày, anh cũng đi theo. Ngày kia, anh - chị cùng nhau “bồng bềnh” về Huế. Ngôi nhà vĩnh hằng của anh chị nằm trên “ngọn núi ảo ảnh” thuộc phường Hương Hồ, hướng nhìn về “Dòng sông ai đã đặt tên” và những ngôi nhà vườn “hoa trái quanh tôi”!...

MỚI - NÓNG