Cây bút ký tài hoa
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long (H.Triệu Phong, Quảng Trị). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.
Thời niên thiếu, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh sống và học tập tại Huế. Sau khi học hết bậc trung học ở Huế năm 1960, ông chuyển vào TPHCM học tại trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán. Sau đó ông quay trở lại Huế, tiếp tục việc học tại trường Đại học Văn khoa Huế. Năm 1964, ông chính thức tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Triết học.
Đôi vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ |
Từ năm 1960 đến 1966, ông dạy tại Trường Quốc học Huế, tham gia tích cực vào các phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống Mỹ, đòi độc lập, thống nhất đất nước. Năm 1966 - 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường tình nguyện thoát ly gia đình, lên chiến khu để góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoạt động cách mạng trên mặt trận văn nghệ.
Ông viết văn và viết báo từ khi còn rất trẻ, sau này từng nắm giữ nhiều chức vụ: Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình TP Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
Viết văn, làm thơ tuy nhiên Hoàng Phủ Ngọc Tường được đánh giá cao nhất ở mảng bút ký. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông đến từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý...
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của nhiều tác phẩm ký được yêu thích có thể kể đến như Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984), Bản di chúc của cỏ lau (1984), Hoa trái quanh tôi (1995), Huế - di tích và con người (1995), Miền cỏ thơm (2007)... Ông cũng là chủ nhân của nhiều tác phẩm thơ như Những dấu chân qua thành phố (1976), Người hái phù dung (1992).
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bạo bệnh năm 1998, nhưng với khát vọng sống mãnh liệt, ông vẫn tiếp tục viết trên giường bệnh. Thời điểm đó, vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trở thành “thư ký riêng của chồng”. Bà ghi chép cần mẫn bản thảo của gần chục đầu sách văn xuôi, gồm bút ký, tiểu luận, tản văn của chồng... Những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn này được đăng trên chuyên mục Nhàn đàm của báo Thanh Niên.
Cuộc hôn nhân lãng mạn nhưngchông gai
Chuyện tình lãng mạn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được giới văn chương ngưỡng mộ. Sự ra đi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là nỗi tiếc nhớ của giới văn chương, nhưng suy cho cùng ông được giải thoát khỏi bệnh tật, được đoàn tụ với người vợ hiền lành ở cõi khác.
“Cũng như các nhà văn lão thành đã mất, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sống trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc và quá nhiều đau thương. Họ đã sống một cuộc sống với vô vàn khó khăn, thiếu thốn và nhiều thách thức, nhưng họ đã viết như không thể sống mà không viết. Tro cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa về Huế để làm lễ tưởng niệm và đưa tiễn ông. Có lẽ đó là mong ước cuối cùng của đời ông. Bởi Huế là tình yêu thương của ông, Huế chứa đựng những vui buồn lớn nhất của đời ông. Ông đã vinh danh Huế bằng những trang văn xuất sắc của mình”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Với nhiều đóng góp cho văn chương, ông được nhiều trao giải thưởng như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980, Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999, 2008, giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998 - 2003), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 (cùng đợt với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ).
Nhà văn Ngô Thảo mới đầu tháng 7 bay vào TPHCM viếng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nay hay tin nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời, ông thốt lên: “Thôi cũng là đôi đẹp rồi. Hai người trái tính nhau nhưng vẫn đi cùng nhau suốt 50 năm qua. Lâm Thị Mỹ Dạ hiền lành, hầu hạ chồng hết mức cho đến những năm cuối đời. Hoàng Phủ Ngọc Tường ra đi sau vợ cũng là được rồi”. Ông kể, phút chia biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn được gia đình đưa đến nhìn người bạn đời lần cuối dù ông rất yếu.
Khiêm tốn tự nhận không biết nhiều về Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng nhà văn Ngô Thảo có những nhận xét thấu đáo về tác giả Ai đã đặt tên cho dòng sông. “Nhớ đến ông Tường trước hết phải nhắc tới thầy giáo dạy triết học, từng hoạt động trên chiến khu một thời gian rồi mới bắt đầu làm thơ, viết ký. Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nổi tiếng nhất với thể loại ký - nơi bộc lộ kiến thức sâu rộng. Sở dĩ tác phẩm ký của ông được đánh giá cao là nhờ chiều sâu triết lý của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Điều này thể hiện rất rõ trong những tác phẩm như Ai đã đặt tên cho dòng sông, Miền gái đẹp...”, Ngô Thảo nhận định.
Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến hơn 20 năm nay. Tuy nhiên giai đoạn đầu hồi phục sau trận tai biến năm 1998, ông tiếp tục viết. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nghe chồng đọc, chép lại. “Điều này cũng chứng tỏ con người có nghị lực sống. Trải qua nhiều sự biến động, ông ấy vẫn giữ vững bản lĩnh của người viết văn”, Ngô Thảo nói. Ngoài bút ký, Ngô Thảo đánh giá thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường có giọng điệu riêng, thâm trầm. Trong đời sống, Hoàng Phủ Ngọc Tường đậm chất thẳng thắn của con người gốc Quảng Trị, dám nói thẳng, nói thật nhiều điều. Ông được nhiều người yêu mến.
Lễ tưởng niệm ở Huế
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế thông tin, hài cốt vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau khi hỏa táng được đưa về Huế.
Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế và gia đình phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm từ 14h ngày 30/7 đến hết 31/7 tại trụ sở Liên hiệp (TP Huế). Vợ chồng họ được an táng tại nghĩa trang cách sông Hương khoảng 2km, gần đồi Vọng Cảnh.