Người Hà Nội trọng lẽ phải, yêu cái đẹp, làm việc thiện

Người Hà Nội trọng lẽ phải, yêu cái đẹp, làm việc thiện
TP - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã khái quát như vậy về chương trình “Xây dựng văn hóa người Hà Nội” trong buổi gặp gỡ đầu năm.
Người Hà Nội trọng lẽ phải, yêu cái đẹp, làm việc thiện ảnh 1
Chủ tịch UBND TP HN Nguyễn Quốc Triệu

Thành phố Hà Nội  đang chỉ đạo thực hiện Chương trình “Xây dựng văn hóa người Hà Nội”. Xin Chủ tịch khái quát những nét chủ yếu, quan trọng nhất của Chương trình này?

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là nâng cao hàm lượng văn hóa trong tất cả các hoạt động, trước hết là các hoạt động công vụ, quan hệ giữa chính quyền với nhân dân.

Những gì đã thuộc chức năng nhiệm vụ thường xuyên, hiện đã tốt thì giữ vững, phát huy để tốt hơn; chưa tốt thì chấn chỉnh cho tốt; chưa đầy đủ thì phải bổ khuyết cho đầy đủ.

Những vấn đề cuộc sống thực tiễn mới phát sinh, phải kịp thời nhận diện, phân vai, có cơ chế chính sách, nguồn lực để xử lý. Làm sao để chất THANH LịCH – VĂN MINH phải bộc lộ được ngay trong cuộc sống thường ngày.

Đông đảo nhân dân thấy được đó thật sự là viên ngọc quý, cùng nhau giữ gìn, mài sáng, đẩy lùi tiêu cực, trì trệ.

Chủ tịch vừa nói đến chất THANH LỊCH – VĂN MINH. Xem ra, khái niệm này còn rất trừu tượng với đa số nhân dân. Để đông đảo bạn đọc dễ cảm nhận, Chủ tịch có thể khái quát bằng những từ dễ hiểu, dễ thực hiện?

Chúng ta cần thiết phải khái quát lại thật tóm tắt, dễ hiểu dễ nhớ để dễ thực hiện. “3 từ cốt yếu” để diễn tả cụm từ này là một cách nói thích hợp.

Không riêng tôi trả lời, mà xin mọi người cùng tham gia trả lời. Không e ngại ý kiến khác nhau. Báo chí hãy tạo điều kiện để nhiều người được phát biểu. Tin tưởng những thiện tâm, thiện ý sẽ dần tìm gặp nhau.

Tuy nhiên theo tôi, 3 từ cốt yếu đó là “Trọng lẽ phải - Yêu cái đẹp - Làm việc thiện”. Hai từ đầu thuộc tư duy, nhận thức. Một về lý, một về tình. Lý và tình có những yêu cầu khác nhau, song lại cần sự hài hòa, thống nhất. Từ nhận thức phải thể hiện ra hành vi, đó là nội hàm của từ thứ ba.

Tóm lại, trong tư duy cả lý và tình đều nhận thức được Lẽ phải - cái đẹp, biết trân trọng, yêu quý; đến hành vi tâm niệm làm Việc thiện, lợi nhà ích nước, cho bản thân và cả cộng đồng.

Truyền thống tốt đẹp ngàn xưa để lại đã như vậy. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội phải khơi dậy, phát huy truyền thống, giữ cái tốt đẹp trường tồn mãi mãi.

Như vẫn thường nói: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong thực hiện chương trình “Xây dựng văn hóa người Hà Nội”, thực hiện được ba từ cốt yếu “Trọng lẽ phải - yêu cái đẹp- làm  việc thiện” rất cần thiết vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên?

Đúng vậy. Tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV vừa qua, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự xem lại mình sau mỗi ngày làm việc, mình đã làm được những gì có lợi cho dân, làm điều gì còn trái với lương tâm, đạo đức người cán bộ, đảng viên? Đảng mạnh phải từ mỗi đảng viên, mỗi chi bộ.

Tôi tin rằng, mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu, mỗi gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu, nêu gương sáng trước nhân dân, chắc chắn niềm tin của nhân dân với Đảng sẽ được củng cố bền vững”.

Như đã nói, Chương trình “Xây dựng văn hóa người Hà Nội” đặt mục tiêu nâng cao hàm lượng văn hóa trước hết trong các hoạt động công vụ, quan hệ giữa chính quyền với nhân dân.

Cán bộ, đảng viên được giao trọng trách trong các hoạt động này phải gương mẫu, biết “xử lý đẹp” (fair play). Từ đây sẽ lan truyền, những quan hệ qua lại trong nhân dân, giữa con người với con người, ắt sẽ dần tốt đẹp hơn.

Chủ tịch đã có những việc làm “đột phá ngoạn mục” như trực tiếp đến thăm hỏi và xử lý ngay việc trợ giúp đối với 9 nữ thanh niên xung phong bị “lãng quên” ở phường Ngọc Hà; vụ chậm  cấp “sổ đỏ” ở phường Cống Vị; vụ một công dân hưu trí 28 lần đơn từ ở phường Lê Đại Hành… Nhiều lời khen đó là biểu hiện “sâu sát” đời sống của nhân dân. Nhưng, cũng có ý kiến: Liệu như thế có quá “ôm đồm, bao sân”?

Có câu nói: “Bách nhân, bách khẩu”. Hàm nghĩa trước mỗi sự việc, trăm người trăm ý nhận xét, khen chê, đó là chuyện bình thường. Cán bộ chính quyền làm việc nước, việc dân luôn phải lắng nghe tất cả những nhận xét, khen chê ấy.

Riêng tôi suy nghĩ, Chủ tịch thành phố đương nhiên phải chăm lo những công việc quản lí chung cả thành phố, thường nói là quản lý “vĩ mô”. Tuy vậy cũng phải thường xuyên tiếp cận những việc “vi mô” cụ thể.

Chỉ làm “vĩ mô”, e dễ rơi vào quan liêu, xa rời thực tế. Ngược lại, quá sa đà vào “vi mô” đến mức bỏ trống vị trí, không làm tròn trách nhiệm quản lý “vĩ mô”, thì đúng là ôm đồm, bao biện.

Vấn đề là phải biết kết hợp hài hòa. Khoa học quản lý gọi là: có điểm. Chỉ đạo “diện”, cùng lúc bao quát tất cả các điểm. Chỉ đạo “điểm” để nêu gương, trực tiếp tác động thúc đẩy các điểm khác; đồng thời cũng kiểm tra lại diện, điều chỉnh, bổ khuyết cho sát hợp hơn.

Hoặc nói theo ngôn ngữ âm nhạc, giai điệu chính cần đan xen các nốt nhấn, luyến láy…

Xin cảm ơn Chủ tịch!

MỚI - NÓNG