TPO - Tối 29/8 (14/7 Âm lịch), hàng nghìn người dân Thủ đô, du khách thập phương đã đổ về chùa Phúc Khánh để dự lễ Vu Lan - Báo hiếu, một trong những lễ truyền thống được xem trọng nhất của Phật giáo.
|
Vẫn như thông lệ hằng năm, chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) lại tổ chức hàng loạt các hoạt động trong dịp lễ Vu Lan trong những ngày cận Rằm tháng 7 Âm lịch thu hút người dân Thủ đô cùng với du khách thập phương, phật tử đến tham dự. |
|
Ghi nhận của PV, trước khi diễn ra "Đại lễ cầu siêu - Phả độ gia tiên" trong lễ Vu Lan tại chùa Phúc Khánh, hàng nghìn người dân, du khách thập phương đã kéo đến đây, ngồi chật kín sân trước điện chính của chùa. |
|
Phần lớn diện tích mặt sân được trải chiếu để người dân tham dự lễ có chỗ ngồi. |
|
Bên trong khuôn viên chùa du khách cũng như các phật tử đều được hướng dẫn ngồi theo hàng để đảm bảo trật tự tại khu vực làm lễ. |
|
Trong khuôn viên của chùa chật kín người, không còn chỗ trống. |
|
Từ người trẻ tới người già đều kính cẩn chắp tay hành lễ theo tiếng tụng kinh gõ mõ của sư thầy |
|
Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ chính của Phật Giáo, trong ngày này, người con sẽ dành cả lòng thành để báo hiếu công ơn dưỡng dục của cha mẹ tổ tiên. Ngoài ra, các người con cũng sẽ phóng sinh, làm phước để cha mẹ được hưởng công đức. |
|
Tất cả đều thành tâm cầu khấn, một lòng thành kính hướng về cha mẹ, ông bà, tổ tiên trong ngày lễ Vu Lan. |
|
Mọi người phải đứng chờ nhau để có thể kiếm được chỗ ngồi trong sân chùa. |
|
Càng về tối, lượng du khách, phật tử đến với chùa càng đông đúc. |
|
Chùa Phúc Khánh hay còn gọi Tổ đình Phúc Khánh là ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Hậu Lê. Khoảng hơn chục năm gần đây, chùa Phúc Khánh luôn thu hút được hàng nghìn du khách, phật tử đến hành lễ trong những dịp quan trọng. |
|
Nhiều người không tìm được lối vào sân chùa đành phải tìm chỗ quanh chùa để có thể hành lễ, nghe tụng kinh từ xa. |
Lễ Vu Lan (ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là cuộc lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Duy Phạm