Hôm 12/11, chỉ một ngày trước “thứ Sáu đen tối” tại Paris, ở Beirut (thủ đô của Lebanon) cũng đã xảy ra một vụ đánh bom đẫm máu khiến ít nhất 43 người chết và 239 người bị thương. Cũng giống như các nạn nhân ở Paris, họ qua đời trong một vụ tấn công bất ngờ giữa phố đông, khi đang tất bật với những công việc thường ngày.
Sau khi vụ đánh bom xảy ra, không khí thủ đô Beirut trầm hẳn xuống, vô cùng tang thương. Khắp nơi, người dân tổ chức các cuộc tưởng niệm, diễu hành và đám tang cho các nạn nhân xấu số.
Khi nghe tin IS tấn công Paris, nhiều người Beirut cũng không khỏi bất ngờ, bởi họ luôn nghĩ rằng Pháp là một quốc gia an toàn, ít nhất là so với đất nước Lebanon đầy bất ổn của họ.
Thế nhưng, bên cạnh sự đồng cảm với người dân Paris, không ít người Beirut cảm thấy bị tổn thương khi cả thế giới chỉ hướng về nước Pháp mà quên mất rằng, chỉ trước đó một ngày, tại Beirut cũng xảy ra vụ tấn công với số thương vong thậm chí còn lớn hơn.
Hiện trường tan hoang vụ đánh bom kép ở Beirut.
Elie Fares – một bác sĩ người Lebanon đã viết trên blog cá nhân: “Khi những người dân của chúng tôi chết, không có quốc gia nào chiếu đèn màu cờ nước chúng tôi trên các địa điểm nổi tiếng, cả thế giới không tiếc thương. Cái chết của họ dường như không được giới truyền thông quan tâm bởi nó xảy ra ở một nơi xa xôi.”
Nhiều người Lebanon cảm thấy rằng dường như mạng sống của họ ít được quan tâm hơn những người thuộc các sắc tộc, quốc gia khác, dường như cuộc tấn công ở đất nước của họ được cả thế giới coi là đã quá bình thường nên không có gì đáng chú ý.
Nếu như ở Paris, vụ tấn công liên hoàn ngày 13/11 được coi là một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử, thì ở Lebanon, những cuộc tấn công như vậy xảy ra thường xuyên, và người dân phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực.
Nour Kabbach – một người phụ nữ gốc Syria, hiện hoạt động nhân đạo ở Beirut nói: “Những gì xảy ra ở Paris hôm 13/11 cũng chính là những gì đang xảy ra hàng ngày ở Lebanon trong suốt 5 năm qua. Hãy tưởng tượng bạn phải trải qua những gì chúng tôi đang trải qua, nhưng không được truyền thông thế giới chú ý, không nhận được lời chia sẻ của công dân toàn cầu, không được các lãnh đạo thế giới lên tiếng ủng hộ. Rồi bạn sẽ phải giải thích với các con bạn thế nào về việc một nơi đẹp đẽ như Paris khi bị tấn công thì nhận được sự quan tâm của cả thế giới, còn nơi chúng sống thì không?”
Mạng sống của con người ở đâu cũng quý giá, bất cứ ai ngã xuống vì khủng bố cũng sẽ mang đến nỗi đau khôn nguôi cho những người ở lại, vì vậy, nhiều người dân Lebanon đã kêu gọi: thay vì chỉ cầu nguyện cho Paris (Pray for Paris), chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn nhân loại. (Pray for the world).
Được biết, thủ đô Beirut nói riêng và Lebanon nói chung cũng đã gặp phải không ít khó khăn kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra ở Syria. 4 triệu người Syria đã rời bỏ quê hương để chạy trốn đến những quốc gia láng giềng, trong đó có Lebanon.
Bản thân thủ đô Beirut cũng từng bị IS đe dọa tấn công nhiều lần bởi đây là thủ phủ của tổ chức chính trị - vũ trang Hezbollah. Tổ chức này từng gửi quân đến Syria để giúp Tổng thống nước này đấu tranh với phiến quân Hồi giáo IS.