Người của lòng trắc ẩn

Người của lòng trắc ẩn
TP - Hàng ngày, anh Quản Trọng Thúy cần mẫn đi tìm những xác hài nhi bị người thân bỏ rơi ở khu vực bên trong Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đem về nhà xác, tắm rửa sạch sẽ và khâm liệm cho các cháu.

Anh Quản Trọng Thúy SN 1962, quê gốc ở Ứng Hòa, Hà Tây bỏ quê đưa vợ và hai con xuống thuê nhà sau Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để kiếm sống đã được 5 năm. Năm 2002, anh được một người bạn giới thiệu và xin vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội quét rác.

Rồi số phận đã đưa anh gặp những hài nhi xấu số. Trong những ngày đầu quét rác, anh Thúy bắt gặp một xác hài nhi bị ai đó vứt vào đống rác. Anh đứng sững như trời trồng nhìn thân hình bé nhỏ: “Sao lại có người tàn nhẫn đến thế. Giọt máu đứt ruột đẻ ra, dù nó đã chết lạnh đi rồi cũng phải làm phần việc nghĩa tử còn lại chứ”.

Không cầm lòng, anh đưa hài nhi đã chết về nhà xác của bệnh viện (nhà đại thể) tắm rửa, bọc quần áo và cho vào quan tài.

Cái “duyên” với nghiệp làm tang cho hài nhi xấu số bắt đầu từ đấy. Không ai xui, không ai trả tiền mà việc làm ấy xuất phát từ tấm lòng của anh. Rồi dần dần, Ban giám đốc Bệnh viện thấy anh “làm được”, đành đặt vấn đề cho anh chuyển sang hẳn sang công việc xử lý xác hài nhi xấu số.

Những ngày đầu làm việc nghĩa ấy, mọi việc cứ trôi đi bình lặng. Rồi một hôm, về đến cửa, anh thấy nhà lạnh tanh, không có mùi khói của bếp than. Vợ anh nằm quay mặt vào trong tường khóc rưng rức. Nghe tiếng anh về, chị tung chăn la mắng: “Ối trời đất ơi, anh có phải đồ dở hơi không, ai lại đi nhặt xác trẻ con như anh. Số tôi khổ quá mới ra thế này đây”. 

Đêm đó, anh bỏ ra căn phòng nhỏ bên cạnh nhà đại thể và tiếp tục công việc. Từ đó, vợ anh giận dỗi ra mặt, bà con xung quanh xa lánh anh. Nhưng các cụ già hàng xóm ai cũng thông cảm và trân trọng việc làm của anh.

Vợ anh từ chỗ bắt anh bỏ việc, thấy sự tôn trọng ấy rồi dần dần cũng nguôi ngoai. Bố mẹ anh cũng ủng hộ anh. Đến bây giờ, chỉ cần đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hỏi anh Thúy “chủ” căn nhà đại thể thì ai cũng biết.

Sống cùng những hài nhi đã chết

Đến tìm anh ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, một người gầy gò bước ra chào. Anh Thúy giới thiệu mình rồi dẫn chúng tôi vào căn phòng làm việc trong căn nhà cấp 4. Bên cạnh là “nhà đại thể” nơi lưu trú của những xác chết là hài nhi trước khi được chuyển đi hỏa táng.

Tôi có cảm giác như ngộp thở trong mùi thuốc khử trùng, mùi etê, mùi hóa chất khác lẫn vào với rác thải y tế. Tất cả những mùi ấy cộng với cái không khí lạnh lẽo và ảm đạm đến ghê người bao trùm cả không gian nhà đại thể nên ít người bén mảng tới cũng là sự thường.

Tại nơi này, mỗi ngày 2 lần đều đặn, anh Thúy đeo găng tay, xách hộp dụng cụ bằng inox âm thầm đi đến các “thùng rác”, các phòng phụ sản của bệnh viện thu gom tất cả các hài nhi xấu số vì lý do nào đó bị cha mẹ bỏ rơi để an táng cho những sinh linh bé bỏng xấu số ấy.

Cứ đều đặn và cần mẫn như con ong giữa đời thường, ngày nào cũng thế, anh có mặt tại nhà đại thể từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Nửa đêm, nhận được tin báo, anh lại đến bệnh viện để lo đám tang cho các cháu.

Theo thông tin từ Ban giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ngày ít anh phải làm từ 1- 2 ca, ngày nhiều 4- 5 ca, hầu như không có ngày nghỉ. Có tuần cao điểm anh Thúy phải khâm liệm gần 50 ca, tháng nhiều khoảng hơn 100 ca.

Hàng ngày, anh trích một phần nhỏ trong đồng lương ít ỏi ra để mua hương thắp cho các cháu, vừa để không khí đỡ ảm đạm và lạnh lẽo.

Anh Thúy kể, đa số các cháu chết do đẻ non, chết lưu, do “cô-vắc”... Nơi tập trung đông xác hài nhi nhất vẫn là khoa Kế hoạch hóa gia đình. Anh cẩn thận nhặt từng cái xác mà người ta gọi là “bệnh phẩm” rồi cho vào túi nilon xách về cho vào tủ lạnh.

Và trong căn phòng 15m2 có tới 3 chiếc tủ lạnh, một mới, 2 cũ dùng để bảo quản hài nhi. Kế bên là hàng chục chiếc quan tài mới nguyên màu gỗ nhỏ xíu được chất cao thành đống. Cứ khi nào hết quan tài, bệnh viện lại chuyển một loạt mới về phòng bị khi thiếu.

Khó hơn liệm người trưởng thành

Người của lòng trắc ẩn ảnh 1
Những chiếc quan tài dành cho hài nhi xấu số

Những tưởng công việc hàng ngày đã khiến anh chai sạn, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều khi tôi thấy anh thoáng rùng mình khi nhắc đến những “ca khó” - theo cách nói của anh - về những lần xử lý thai nhi khiến anh không khỏi sợ hãi.

Theo anh, “ca khó” là khi gặp phải những hài nhi 5 - 6 tháng tuổi vừa rõ hình hài của một con người. Những ca này đòi hỏi người tắm rửa phải rất tỉ mỉ và cẩn thận, can đảm. Rồi khi phải xử lý những thai lưu ở tháng thứ 9, hình hài không khác gì một đứa trẻ bình thường, nên lúc tắm rửa cũng rất phức tạp.Phải tắm rửa tỉ mỉ, rồi làm nhiều công đoạn, từ nắn lại chân tay cho ngay ngắn, chải lại tóc, lau mặt... cho đẹp, lau cho khô nhờn. “Khó khăn hơn khi khâm liệm cho người đã trưởng thành” - Anh Thúy bộc bạch.

Bên cạnh anh lúc nào cũng có đầy đủ quần áo, khăn lau, túi nilon, các tấm vải... để dùng cho lúc khâm liệm gọn gàng cho từng cháu. Sau khi quấn vải đỏ, anh cho những con người bé bỏng ấy vào quan tài. Xong xuôi, anh lại phân biệt các cháu bằng cách đánh dấu, rồi đặt cho chúng mỗi cháu một cái tên để gọi, để phân biệt.

Có một chi tiết làm ai cũng cảm động là việc lúc đi thu gom xác hài nhi, anh ghi lại giờ giấc, địa điểm và đặc điểm nhận dạng các cháu rõ ràng, để khi có người đến nhận thì anh thông báo cho họ chính xác những đặc điểm nhận dạng ấy.

“Nhưng có mấy ai quay lại tìm những cái xác đáng thương ấy đâu?” - giọng anh Thúy buồn bã - “Tội nghiệp lắm. Vì cái nghĩa, cái tình mà tôi phải khâm liệm chu toàn, dù các cháu đủ tháng hay thiếu tháng. Khi được khâm liệm rồi, chúng cũng được gọi tên, có khi là Nhân, Đạo, Nghĩa hay Hiếu. Ít ra, các cháu cũng được đặt tên, linh hồn chúng khỏi phải bơ vơ”.

Bước vào bên trong nhà đại thể, nơi các hài nhi lưu lại trần gian những khoảnh khắc cuối cùng, thấy anh Thúy đã cẩn thận sắp xếp mọi thứ ngay ngắn, sạch sẽ và gọn ngàng. Một bàn thờ chung nhỏ xíu đặt góc nhà xác, sạch sẽ, trang nghiêm và nghi ngút khói hương làm ấm lại nơi tang thương này.

…Anh vừa tắm rửa xong cho một xác hài nhi chết do đẻ non bị người thân bỏ lại tại phòng. Anh với tay thắp nén nhang để xua đi cái không khí lạnh lẽo dày đặc tử khí.

Anh bảo: “Người ta khổ quá rồi, các chú đừng chụp ảnh cho lên báo mà tội nghiệp, có chụp thì chụp bên ngoài thôi”. Tôi chợt thấy nhói lòng trước câu nói của anh và hạ máy ảnh xuống.

Anh Thúy chậm rãi nhấc máy điện thoại gọi sang Nhà tang lễ Phùng Hưng thông báo. Khi Nhà tang lễ Phùng Hưng cho xe đến, anh bảo chúng tôi cùng thắp nén nhang rồi cẩn thận bê chiếc quan tài xấu số ấy đặt ngay ngắn lên xe.

Anh đã kịp đặt tên cho cháu bé xấu số ấy là Nghĩa. “Cái tên mang cái tình của người đang sống, nó sẽ được an ủi khi về với cõi bên kia cuộc đời” - anh ngậm ngùi.

Khi chiếc xe tang chạy chầm chậm ra khỏi cổng bệnh viện, anh Thúy lại thắp một nén nhang lên cái bàn thờ chung và thở dài: “Tôi chỉ biết thắp nhang để an ủi các cháu, chứ chẳng biết oán trách ai”.

MỚI - NÓNG