<A href="http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=39066&amp;ChannelID=7" resizable="yes" toolbar="yes" titlebar="yes" scrollbars="yes" menubar="yes" statusbar="yes" location="yes">Dừng chân trước cửa ngõ Tây Tạng huyền bí </A>- Kỳ 3

Người cổ quái làm sống dậy một nền văn hóa

Người cổ quái làm sống dậy một nền văn hóa
TP - Ông đang ngồi kia, bên một cái bàn đặt sâu vào ngách nhà âm u hao hao như một góc hang. La liệt quanh ông là những dải giấy xuyến giấy dó nhẹ thênh.

Cái thứ giấy mà tôi chưa được thấy ở đâu mà chỉ đặc sản vùng Lệ Giang này mới có trên đó đậu chi chít những con chữ tượng hình, không phải chữ Hán cổ viết theo các kiểu Chân, Thảo, Triện, Lệ hay Giáp cốt.

Người cổ quái làm sống dậy một nền văn hóa ảnh 1
Ông Hòa Đinh Ba đang cho chữ Đông Ba

Chữ của người Nạp Tây. Chữ của nền văn hoá có tên là Đông Ba ra đời hơn 1200 năm trước.

Nền văn hoá Đông Ba là một thành tố quan trọng để cấu thành và cũng là điểm nhấn để thành phố cổ Lệ Giang của Vân Nam này được vinh danh Di sản văn hoá thế giới.

Trong số hàng trăm cơ sở văn hóa thu hút khách thăm Lệ Giang, mà mỗi năm thành phố cổ kính bé nhỏ này có tới hơn triệu khách du lịch trong nước và thế giới tìm đến, chính quyền thành phố đã bố trí cho ông, nói đúng hơn là bố trí cho nền văn hoá Đông Ba một vị trí đắc địa đẹp nhất của thành cổ để ông chỉ việc ngồi đó mà viết mà cho chữ lẫn giao du với khách!

...Tôi dè dặt bước vào căn phòng âm âm ấy. Dè dặt bởi cung cách bài trí gây nên. Bởi sâu tít trong kia, bộ y phục của chủ nhân hơi bị quái : Thứ áo ông bận không phải là triều phục hay cải biên của thứ đào kép phường tuồng mà là lượt những xanh đỏ nâu tía.

Đã hết đâu, trên đầu ông, ngự trên một cái mũ rộng vành là ngất ngưởng một cặp sừng, không, những ba cặp chả biết làm bằng chất liệu gì nhưng ngó vằn vện đến kinh. Bên dưới cặp sừng là hai lá cờ đuôi nheo màu đỏ gắt (thấy bảo trang phục của ông mô phỏng gần chính xác y phục của các nhà quý tộc Đông Ba xưa).

Bàn ông ngồi ngăn cách với du khách một khoảng trống mà ông như là chủ tọa. Khoảng trống ấy dường như không phải là khoảng cách bởi bộ râu dài trắng cước lẫn cặp mắt tinh anh ánh lên những tia nhìn vẻ hiền hậu của chủ nhân.

Ông tên là Hedingba (tạm dịch ra âm Hán là Hòa Đinh Ba), dân tộc Nạp Tây, sinh tại một làng nhỏ giáp ranh giữa hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên. Vì vị trí địa lý và lịch sử khá đặc biệt nên cho đến tận những ngày này vẫn chưa có điện và đường đến ngôi làng của ông.

Chính bởi vậy văn hóa Nạp Tây hay văn hoá Đông Ba vẫn chưa bị ảnh hưởng pha tạp bởi nền văn hóa Hán và các nền văn hoá khác. Hòa Đinh Ba là đại diện cho các thế hệ của Đông Ba. Ông sinh ra trong một gia đình được coi là có máu mặt. Lúc lên 10 tuổi ông đã học được rất nhiều điệu múa dân gian Đông Ba.

Trên cơ sở đó, sau này ông đã sưu tập được hàng trăm điệu múa độc đáo của Đông Ba bị thất truyền từ lâu. Năm 1999, ông được mời tham dự Liên hoan văn hoá nghệ thuật Đông Ba quốc tế tổ chức ở Vân Nam. Ông được vinh danh là người Đông Ba ở Lệ Giang đã sưu tập lẫn biên tập được nhiều sách về văn hoá Đông Ba nhất.

Tháng 2 năm 2004, ông được chính quyền Hồng Kông mời tham dự Liên hoan nghệ thuật Đông Ba tại đặc khu này. Hiện nay ông là giảng viên bộ môn Đông Ba tại Học viện nghiên cứu văn hóa Đông Ba của thành cổ Lệ Giang...

Được hầu chuyện vị quý tộc  hay đúng hơn là nhà văn hoá đại diện cho một nền văn minh suýt nữa bị thất truyền này quả là một điều thú vị! Tôi thầm cảm ơn không biết ai đây,về sự mẫn tiệp của ông hay là hai cái cầu phiên dịch, một người giúp việc cho ông dịch từ tiếng Nạp Tây sang tiếng phổ thông (ông không dùng được bạch thoại, tức tiếng phổ thông Trung Quốc).

Rồi người hướng dẫn đoàn tour dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Việt mà chúng tôi loáng thoáng biết được tôn  giáo tín ngưỡng của người Nạp Tây khác với các tôn giáo khác như Phật giáo, Đạo giáo. Người Nạp Tây thừa hưởng một tư tưởng triết học thực tế từ tổ tiên mình.

Họ tin rằng sự vui vẻ là tiêu chí hàng đầu của cuộc sống! Nghe có vẻ đơn giản nhưng cái người ăn mặc hơi bị cổ quái đang ngồi trước tôi đây dường như có vẻ tự hào ngầm về tôn giáo và dân tộc mình, ấy là sự thuần khiết như là vi nhiên như nhiên vậy!

Người cổ quái làm sống dậy một nền văn hóa ảnh 2
Một góc văn hóa Đông Ba

Có phải vậy chăng mà trong một khu vực của dân Nạp Tây (chỉ chiếm khoảng hơn hai trăm ngàn người) ở quê hương ông của Vân Nam này hiện vẫn tồn tại chế độ mẫu hệ!

Mà chả phải ngẫu nhiên ông lưu ý chúng tôi một cách bâng quơ rằng Phật giáo Tây Tạng truyền từ Bắc xuống Nam tới Lệ Giang đây là điểm dừng! Chưa hết, văn hóa Hán truyền Phật giáo từ Nam lên hướng Tây Tạng lại cũng dừng ở Lệ Giang? 

Tôi hỏi ông về thứ chữ tượng hình của người Nạp Tây đang bày la liệt trên tường kia. Cứ như cung cách giới thiệu hơi vội của ông, tôi loáng thoáng thấy kiểu chữ tượng hình này có những nét tương đồng thời cổ đại mà người Ai Cập sông Nin, người Hán cổ ở lưu vực sông Hoàng Hà vẫn vạch trên vách đá hang động và sau này vạch trên mai rùa.

Mặt trời, đơn giản là ký hiệu một vòng tròn đang lan toả ra mấy cái vạch. Và mặt trăng, giản dị là một cái lưỡi liềm. ấy là thoáng qua chứ còn hàng nghìn mẫu tự đủ sức, tóm lại là đủ ngữ nghĩa (không hề phải vay mượn bất kỳ một tự dạng chữ Hán cổ cũng như mới) để chuyển tải những câu chuyện về tập tục về những điệu ca vũ của người Nạp Tây, của văn hoá Đông Ba thì thứ chữ tượng hình này quả là điều độc đáo và thú vị thay!

Hôm sau đáo qua một cửa hàng sách ở phố cổ Lệ Giang, tôi đã tình cờ mua được cuốn từ điển tạm gọi là Đông Ba- Hán biên soạn khá công phu. Ngạc nhiên và vui mừng khi nhận ra người chủ biên chính là cái người ăn mặc hơi bị cổ quái mà tôi đã gặp: Hòa Đinh Ba!.

Theo gợi ý của người giúp việc, nhân năm mới, mấy anh em chúng tôi cũng nên xin ông chữ để lấy may (Lệ phí cho mỗi lần xin chữ như thế không hề rẻ: 100 tệ, khoảng 200.000 tiền Việt). Về phần tôi, xin ông một chữ Tuệ. Loáng cái trên mặt giấy dó nhẹ thênh nuột nà đặc sản Đông Ba- Lệ Giang đã giăng ra một cụm hình.

Cứ như ông giải thích thì Tuệ bằng chữ Đông Ba này hội đủ hình người cầm công cụ (gì đó) phải vượt qua ban ngày lẫn ban đêm cả mưa gió lẫn sấm chớp nhưng đều an lành.

Bởi có tuệ dẫn đường chỉ lối! Tôi muốn ông ghi thêm dòng lạc khoản bằng chữ Hán vào góc tờ giấy hầu mong (mà cũng có ý khoe) bạn bè biết được mình đã vinh hạnh đến được thành cổ Lệ Giang, được tiếp kiến, được xin chữ...

Nhưng ông cười mà rằng ông không biết viết chữ Hán! Nếu quý khách nào thích bất kỳ thứ gì thì cứ tự mình điền thêm vào (tới lúc này tôi vẫn không tin ông không nói lẫn viết được tiếng Hán, chữ Hán) Nhưng thấy chủ nhân cởi mở với lại cũng tiện bút mực (thứ bút ông dùng tốt quá đi) tôi lia nhanh hàng chữ Xuân Bính Tuất Lệ Giang Lưu niệm rồi được ông bắt chặt tay tạm biệt khá là vui vẻ.

...Buổi rời Lệ Giang, tôi thoáng giật thột bởi chưa kịp hỏi tuổi con người cổ quái ấy ở Cổ thành! Rồi tự dưng lẩn thẩn, hình như cái cụm từ xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vận rất đúng vào chính sách cải cách mở cửa khai phóng, bằng nhiều cách làm hiệu quả sinh động ở thành Lệ Giang tận vùng sâu, vùng xa của Trung Hoa rộng lớn này này.

Kỳ cuối: Dưới gốc hoa trà 500 năm tuổi

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.