Người chụp những bức ảnh để đời về quan hệ Việt-Nga

0:00 / 0:00
0:00
TP - Được sang Liên Xô học tập và sau đó có cơ hội chụp những bức ảnh mang tính lịch sử của phi công vũ trụ Phạm Tuân với đồng nghiệp Liên Xô. Đó là những năm tháng và khoảnh khắc đáng nhớ suốt đời đối với nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng.

Ông Phạm Tiến Dũng, sinh năm 1953, từng là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Liên Xô, sau này trải qua các vị trí Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh. Nhân dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19-20/6, ông Dũng chia sẻ với phóng viên Tiền Phong về những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với Liên Xô, nơi ông coi là quê hương thứ hai.

Người chụp những bức ảnh để đời về quan hệ Việt-Nga ảnh 1

Nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Gorbatko và Phạm Tuân. Ảnh: Phạm Tiến Dũng

Năm 17 tuổi, ông Dũng sang Liên Xô học ngành báo chí của Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov ở Mátxcơva, từ năm 1971-1977. Ông là một trong những sinh viên Việt Nam được Báo ảnh Việt Nam cử sang Liên Xô học chuyên ngành báo ảnh, với mục đích xây dựng đội ngũ phóng viên ảnh có kiến thức, học hành bài bản để phục vụ sự nghiệp báo chí của đất nước.

Ông kể rằng quê ông ở Phú Thọ, một miền quê nghèo và khi đó cả nước cũng rất nghèo. Sang đến Liên Xô, ông cảm thấy choáng ngợp khi nhìn thấy một đất nước văn minh, hiện đại. “Dọc đường tôi cứ ngước lên nhìn vì nhà cao quá, rất nhiều thứ tôi không biết là gì. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái TV, lần đầu tiên nhìn thấy telephone (điện thoại bàn) đều rất ngỡ ngàng”, ông kể.

Ông cho biết, khi mới sang, ông không cảm thấy thấy khó hoà nhập vì người Nga sống rất đôn hậu, gần gũi, tình cảm, bạn bè cũng thân thiện, dễ chịu. Trong những năm tháng học tập ở đó, các thầy cô giáo Nga không khác gì bố mẹ của các sinh viên nước ngoài, những học trò ngốc nghếch lần đầu xa gia đình. “Các thầy cô chăm chút kỹ lưỡng lắm, coi chúng tôi như những đứa con, khiến chúng tôi rất cảm động”, ông nói. Năm 1974, ông Dũng muốn về Việt Nam nhưng không có tiền, vì tiền học bổng chỉ đủ sinh hoạt. Biết chuyện, cô giáo chủ nhiệm khoa cho ông tiền mua vé tàu hoả về nước.

Người chụp những bức ảnh để đời về quan hệ Việt-Nga ảnh 2
Nhiếp ảnh gia Phạm Tiến Dũng (đứng bìa trái) trong bức ảnh chụp cùng phi hành gia Phạm Tuân và Viktor Gorbatko. Ảnh: tác giả cung cấp

Nhóm ông Dũng sang Liên Xô học đúng vào giai đoạn Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến thống nhất nước, vì thế rất được bạn Nga coi trọng. “Họ coi Việt Nam là dân tộc anh hùng, và chúng tôi là những người đại diện cho dân tộc đi học, nên cảm thấy rất vẻ vang”, ông cho biết.

Trong suốt những năm sau này, ông cũng có một số dịp gặp lại những người bạn Nga cùng khóa thời ấy, khi ông có dịp trở lại Nga theo các chương trình khác nhau. Có lần, ông Dũng và các bạn cùng khóa có cơ hội đón thầy giáo chủ nhiệm khoa sang Việt Nam chơi.

Tháng 9/2012, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Đỗ Quý Doãn mang Huân chương Hữu nghị sang Nga trao tặng GS.TS Iasen Nicolaievich Zasoursky, Chủ nhiệm Khoa Báo chí Truyền thông, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov. Đó là phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam ghi nhận những đóng góp tích cực của GS Zasoursky đối với sự phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, và mời ông sang Việt Nam chơi. Ông Dũng kể, GS Zasoursky rất thích thú khi đi Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng và gặp lại những sinh viên Việt Nam từng học ở Liên Xô.

Thời khắc lịch sử

Đầu năm 1980, ông Dũng được Thông tấn xã Việt Nam cử sang Mátxcơva hợp tác với NXB Progress để xuất bản Báo ảnh Việt Nam bằng tiếng Nga. Trong thời gian này, trong khuôn khổ chương trình Intercosmos, đến lượt các phi công vũ trụ Việt Nam, gồm Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm, bay lên vũ trụ cùng phi công Liên Xô.

Người chụp những bức ảnh để đời về quan hệ Việt-Nga ảnh 3

Nhiếp ảnh gia Phạm Tiến Dũng (đứng bìa trái) trong bức ảnh chụp cùng phi hành gia Phạm Tuân và Viktor Gorbatko. Ảnh: tác giả cung cấp

Ông Dũng may mắn được giao nhiệm vụ vào Trung tâm Đào tạo phi công vũ trụ Gagarin ở thành phố Ngôi sao để ghi lại toàn bộ quá trình tập luyện chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ của phi công Việt Nam. Trong thời gian đó, ông có cơ hội chụp được những khoảnh khắc thân thiết giữa nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko và Phạm Tuân trong quá trình tập luyện đầy gian khổ, hay khoảnh khắc Gorbatko ôm con gái của Phạm Tuân. Đặc biệt, ông đã ghi lại sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ấy là Phó Thủ tướng, đến thăm hỏi, động viên các nhà du hành vũ trụ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Dũng cho biết, trong nhiều năm công tác, ông đã thực hiện hàng ngàn bộ ảnh, nhưng phóng sự ảnh “Chuyến bay vũ trụ đầu tiên” vẫn là bộ ảnh ông thích nhất và cũng được nhiều người biết đến nhất, đến nay vẫn được báo chí sử dụng.

Biết tin Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp thăm Việt Nam, ông Dũng cho biết ông dự kiến sẽ có cơ hội tham dự buổi gặp mặt của Tổng thống với những người Việt Nam từng học ở Liên Xô và Nga. “Tôi rất háo hức vì đây là lần đầu tiên được gặp trực tiếp Tổng thống Putin”, ông chia sẻ.

Về quan hệ giữa hai nước, ông cho rằng Việt Nam với Liên Xô và Nga rất thủy chung và gắn bó, không chỉ là quan hệ chính trị - kinh tế mà hơn cả là quan hệ tình cảm.

Thư gửi hậu thế

Nhiếp ảnh gia Phạm Tiến Dũng kể rằng cách đây hơn 1 tuần, ông đi cùng Đại sứ Nga Gennady Bezdetko lên thăm Thủy điện Hòa Bình, nhân dịp tròn 30 năm ngày khánh thành công trình này. Đó là công trình vĩ đại mà Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng.

Tại sân truyền thống của nhà máy có một khối bê tông hình chóp cụt, trên đó gắn tấm biển thép khắc dòng chữ: “Nơi lưu giữ bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau. Thư được mở vào ngày ngày 1 tháng 1 năm 2100”. Lá thư gửi gắm những chia sẻ giúp các thế hệ sau này hiểu rằng thời đó Liên Xô đã giúp Việt Nam như thế nào để xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, giúp Việt Nam trong công tác trị thủy sông Đà, cung cấp điện cho cả miền Bắc.

MỚI - NÓNG
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
TPO - Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo đảm các chế độ chính sách, mức hỗ trợ thường xuyên và bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Xem đây là lực lượng “đồng hành”; là “tai, mắt”; là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân.