Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19-20/6. Nhân dịp này, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, người từng công tác tại Viện Nghiên cứu châu Âu, hiện là giảng viên của Trường Đại học Thăng Long.
Đây sẽ là lần thứ 5 Tổng thống Vladimir Putin thăm Việt Nam. Theo ông, chuyến thăm có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước?
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn: Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước, chứng tỏ tầm quan trọng mà hai nước đặt ra đối với việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mức độ hợp tác cao nhất mà Việt Nam tin tưởng dành cho Nga. Chuyến thăm cũng là cơ hội để thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới… giữa hai nước. Việc thường xuyên giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam là Nga là điều hết sức bình thường, góp phần vào việc củng cố hòa bình, ổn định, phát triển chung của hai nước, của khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Nga năm 2018 Ảnh: TTXVN |
Chuyến thăm diễn ra vào năm hai nước kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị song phương. Ông có thể điểm một số thành tựu nổi bật trong giai đoạn đó?
Theo tôi, điểm sáng nhất là bức tranh kinh tế, trong đó nổi bật là liên doanh dầu khí Vietsovpetro, thủy điện Hòa Bình. Liên Xô đào tạo cho chúng ta rất nhiều cán bộ cao cấp, với mấy chục vạn sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh... Hiếm có nước nào đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ mà sau này họ trở về tạo thành cả ê-kíp trong cùng nhiệm kỳ lãnh đạo. Đến nay chưa có quốc gia nào làm được như vậy.
Theo ông, những yếu tố nào giúp Việt Nam và Nga xây dựng và giữ gìn quan hệ hợp tác tốt đẹp suốt nhiều thập kỷ qua, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, nhất là trong giai đoạn hiện nay?
Việt Nam và Nga đều phải đương đầu chiến tranh xâm lược từ kẻ thù rất mạnh. Nếu không có Cách mạng Tháng 10 Nga sẽ không có Cách mạng Tháng 8. Nếu không có Cách mạng Tháng 8 sẽ không thể khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á mà Liên Xô là nước đầu tiên công nhận.
Liên Xô đã giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để chúng ta giành được thắng lợi. Không có Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ không có sự kiện 30/4/1975, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Trong hai cuộc kháng chiến, Liên Xô đã dành tất cả những gì có thể cho Việt Nam. Không có sự giúp đỡ đó, chúng ta khó lòng chiến thắng. Tất nhiên còn có sự giúp đỡ của các nước anh em khác, nhưng quan trọng nhất vẫn là Liên Xô.
Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga kế thừa và đã xóa nợ cho chúng ta. Phần còn lại rất nhỏ và bạn tính lãi thấp, nhưng phần lãi được dùng để đào tạo 1.000 sinh viên Việt Nam sang học mỗi năm. Nước Nga và Liên Xô trước đây luôn đứng về phía Việt Nam trong mọi quan hệ quốc tế, bảo vệ quan điểm của Việt Nam.
Bức thư rơi nước mắt
Sau nhiều năm học tập, sinh sống ở Liên Xô và Nga, điều gì gây ấn tượng nhất với ông?
Tôi ở Liên Xô 20 năm, mãi đến 2010 mới về nước. Năm 1985, có lần tôi xem phim về chiến tranh vệ quốc vĩ đại của người Nga, tôi đã khóc. Mấy cụ già lại gần ôm tôi và hỏi “Làm sao con khóc?”. Tôi nói với họ rằng “câu chuyện trong phim giống đất nước chúng con quá”. Khi về nước, tôi viết hồi ký rồi dịch ra tiếng Nga để gửi cho các nhà khoa học Nga đúng ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít (9/5). Ngay lập tức, họ viết thư trả lời tôi, kể rằng cả nhà họ đã đọc, từ ông bà cha mẹ đến các con đều khóc. Họ bảo chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giặc giống như Hồng quân Liên Xô đánh và chiến thắng phát xít Đức. Cho nên, họ có sự chia sẻ, cảm thông, cảm thấy gần gũi, dù cách xa nhau hàng vạn dặm.
Người Nga có câu: “Một người bạn cũ tốt đáng tin cậy quý hơn hai người bạn mới”. Người Nga coi bạn mới là bạc, còn bạn cũ là vàng, nghĩa là bạn cũ đã được thử thách, rèn luyện trong thực tiễn, càng lâu càng có giá trị.
Một lần mùa hè về vùng nông thôn Nga chơi, ở đó trồng rất nhiều loại cây, như táo, lê, mận, cherry, kiwi... Tôi đang đi thì nghe thấy tiếng gọi “Con trai ơi! Lại đây!”. Tôi nhìn quanh thì không thấy ai ngoài mình. Tôi lại gần thì người phụ nữ ấy đưa cho ba quả táo rồi bảo: “Táo nhà mẹ đấy, ăn đi con, ngọt lắm”. Tôi nhận táo và đứng trò chuyện với bà. Bà bảo “Mày là thằng Việt Nam đúng không con? Việt Nam giỏi lắm! Giờ các con sang đây học là đúng rồi, học thay cho cha mẹ không được học”.
“Người Nga có câu: “Một người bạn cũ tốt đáng tin cậy quý hơn hai người bạn mới”. Người Nga coi bạn mới là bạc, còn bạn cũ là vàng, nghĩa là bạn cũ đã được thử thách, rèn luyện trong thực tiễn, càng lâu càng có giá trị” GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, giảng viên Trường Đại học Thăng Long
Tôi nhiều tuổi nhưng nhiều người Nga vẫn nghĩ tôi trẻ nên họ vẫn gọi tôi là con trai, dù tôi với họ không quen biết gì. Vì thế, tôi luôn cảm thấy cực kỳ gần gũi khi ở Nga.
Từ năm 1945 đến năm nay, có bao nhiêu người Việt Nam đi bao nhiêu quốc gia trên thế giới, nhưng có đất nước nào mà người Việt Nam nhắc đến nhiều và giữ nhiều tình cảm như với nước Nga không? Nhiều người hỏi tôi sao các bác, các chú yêu nước Nga thế? Đơn giản là vì tâm hồn Nga, tính cách Nga.
Liên Xô trước đây và Nga luôn giúp đỡ Việt Nam thật lòng. Ai thương mình, ai giúp đỡ mình thật lòng mình có quý không? Quý chứ. Người nào giúp đỡ, bảo vệ mình trong lúc khó khăn, hoạn nạn, mình có tin họ không? Tôi rất tin.
Cảm ơn ông.