Theo bác Trần Trung Thực (Di Linh, Lầm Đồng), Huân là con trai út trong gia đình. Từ bé, em đã rất yếu, không khỏe mạnh như các anh chị, việc nuôi dạy Huân vì thế cũng trở nên rất vất vả. Bù lại, cậu rất thông minh và học giỏi nhất nhà, tạo thành nguồn động viên lớn cho gia đình.
Năm lớp năm, Huân được chọn dự thi học sinh giỏi của tỉnh. Tuy nhiên, địa điểm thi lại cách xa nhà, lại phải băng qua rừng, qua suối. Nhận thấy sức khỏe kém của mình, cậu đã có ý định bỏ cuộc.
"Khi nghe con trai tâm sự 'con không đủ sức để đi thi đâu bố ạ', tôi thấy thương quá, đành phải động viên con cố gắng và cõng con đi thi, vượt 5 km, qua rừng, qua suối mới đến trường", bác Thực kể.
Suốt thời gian Huân học tiểu học và cả những năm mới vào cấp hai, ngày nào bác cũng đều đặn cõng con đi học bằng đường tắt, vượt qua rẫy và suối để đến trường cho nhanh. Có hôm sáng đưa con đi học thì trời tạnh ráo, nhưng chiều về trời lại mưa to, lội qua suối ướt hết người. Đường đất lầy lội, cha mệt mà đứa con trên lưng cũng mệt không kém.
Chia sẻ trong ngấn nước mắt khi nhìn lại quãng đường đã qua, bác Thục nói: "Tôi luôn bảo với con rằng, nhà mình nghèo, phải học và phấn đấu chứ không còn cách nào khác".
Cho đến năm Huân lên lớp chín, đường được sửa sang. Nhà nước mở con đường đến trường nên Huân đỡ vất vả. Lên cấp ba, Huân lại phải xa nhà vì chuyển lên trường huyện trọ học. Trong suốt thời học phổ thông, Huân đều có kết quả học tập tốt và đạt giải nhì học sinh giỏi tỉnh môn Hóa lớp 12. Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ khi nuôi con ốm yếu, Huân quyết định thi vào ĐH Y Dược TP HCM. Số điểm mà em đạt được rất cao: 28 điểm.
"Đời cha mẹ đã nghèo khổ nên bằng mọi cách tôi đều phải động viên các con cố gắng học hành", bác Thực nói. Ảnh: VnExpress. |
Ngoài trường hợp đứa con út là Huân, bác Thục còn thành công khi vượt khó, nuôi cả ba con còn lại vào đại học.
"Ngày gia đình tôi mới chuyển từ Thanh Hóa vào Lâm Đồng đi xây dựng kinh tế mới, tất cả còn quá lạ lẫm. Đứa con gái lớn ngày đầu đi học chưa quen đường rừng nên quên mất lối về nhà, đi lạc sang tận vùng khác. Đến tối vẫn không thấy con về, nhà mới hốt hoảng đi lên ủy ban nhờ loa trên đài phát thanh. Rồi có người mang cháu về nhà", bác Thục kể.
Người con gái cả của bác giờ đã tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP HCM và đang theo học chương trình thạc sĩ. Tương tự, hai con trai kế tiếp của gia đình cũng trải qua những ngày vất vả đèn sách và đều trở thành sinh viên của Học viện quân y tại Hà Nội. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hai con trai của bác đã phấn đấu thi vào Học viên quân Y để bố mẹ không phải tốn tiền nuôi ăn học.
Nhà thuộc vùng sâu nên đến năm 2010, điện lưới mới được kéo đến thôn. "Suốt những năm phổ thông, bốn anh chị em đều phải học bằng đèn dầu. Giờ có điện thì bốn đứa con tôi mỗi đứa theo học một nơi", bác tâm sự. Lẫn trong giọng bùi ngùi là nỗi hân hoan của người cha khi nhìn thấy cả bốn người con đều được lo cho ăn học đến nơi đến chốn.
Ngày 12 - 9, bác Trần Trung Thực đã bắt xe khuya từ Di Linh, Lâm Đồng về TP HCM, có mặt tại tòa soạn báo VnExpress dự buổi trao học bổng của độc giả dành cho con trai út Trần Công Huân. Tuy mệt nhưng bác Thục bảo "chỉ cần thấy các con học hành đỗ đạt, được ghi nhận là mừng lắm rồi".
Theo Hải Duyên
VnExpress