> Xét xử vụ bắt cóc trẻ trơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương
> Toàn cảnh vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư
Nguyễn Thị Lệ khóc nhận tội tại tòa. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Sáng nay (9-4), Tóa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án bắt cóc trẻ sơ sinh tại tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương hồi tháng 11-2011.
Đúng 8h30, bị cáo Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, ở Việt Yên, Bắc Giang) được áp giải tới phòng xét xử. Bị cáo xuất hiện với áo phông đỏ, mái tóc cắt ngắn, trông trắng trẻo, béo hơn khi gây án và bị bắt. Sau khi xuống xe, bị cáo cúi mặt, bước vội.
Theo quan sát của phóng viên, không người thân thích của bị cáo dự tòa. Khoảng mười người phía gia đình bị hại có mặt, trong đó có bố cháu bé là Phạm Xuân Chiều cùng ông bà trẻ. Hai mẹ con chị Trần Thị Thơm và cháu bé bị bắt cóc là Phạm Văn Trường (sau đổi là Phạm Trường Hà, SN 1-11-2011) không đến dự tòa.
Tại tòa, bị cáo Lệ thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lệ khóc, xin lỗi gia đình bị hại, mong được pháp luật xem xét cho hoàn cảnh éo le của mình để được giảm án.
Anh Phạm Xuân Chiều - bố cháu Phạm Trường Hà - chỉ yêu cầu Lệ phải bồi thường về mặt tinh thần để răn đe trước pháp luật. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Đại diện phía bị hại – anh Phạm Xuân Chiều - bày tỏ những lo lắng, khủng hoảng tinh thần của gia đình khi con trai mình vừa sinh ra được ba ngày tuổi, đã bị bắt cóc. Trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường 120 triệu đồng.
Trước khi tòa nghị án, bị cáo Nguyễn Thị Lệ nói lời cuối cùng trước tòa. “Cảm ơn tấm lòng của gia đình bị hại và chân thành xin lỗi. Tôi xin chấp nhận bản án của tòa” - Nguyễn Thị Lệ khóc nức nở, nói. |
Tuy nhiên, thấy hoàn cảnh của bị cáo Nguyễn Thị Lệ, gia đình anh Chiều không yêu cầu bồi thường về mặt vất chất.
Viện Kiểm sát cho rằng, cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố bị cáo về tội “chiếm đoạt trẻ em" là hoàn toàn có căn cứ. Tính chất của vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Lệ đã xâm hại trực tiếp đến quyền tự do thân thể và quyền được quản lý của trẻ em, nhất là đối với trẻ em mới sinh; Đồng thời, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, bất bình trong dư luận xã hội.
Vì vậy, phải đưa bị cáo xét xử, cũng như lên một mức án phạt, cách ly bị cáo khỏi cộng đồng một thời gian để răn đe, đấu tranh với tội phạm nói chung.
Tuy nhiên, cũng theo Viện Kiểm sát, xét thấy nhân thân bị cáo lần đầu phạm tội, thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, bản thân bị cáo có hoàn cảnh gia đình éo le, mục đích bắt cháu Trường để nuôi, do đó cần áp dụng điểm B Khoản 1,2 điều 46 của Bộ luật hình sự, để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện hợp pháp gia đình bị hại yêu cầu phải bồi thường tổn thất tinh thần mức tối đa theo quy định tối đa của pháp luật, còn các khoản khác không yêu cầu phải bồi thường.
Đây là sự tự nguyện hợp pháp của bị hại, được tòa chấp nhận và chỉ buộc bị cáo Lệ bồi thường thiệt hại về tinh thần, tương đương mức lương 30 tháng tối thiểu là 24,9 triệu đồng.
Kết luận tại phiên tòa, áp dụng khoản 1 điều 120, điểm B khoản 1, khoản 2, điều 46 Bộ luật hình sự xử, Toà án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Lệ bốn năm tù giam vì tội "Chiếm đoạt trẻ em", thời hạn tù tính từ ngày tạm giam (18-11-2011). Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Lệ phải bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại với khoản tiền 24,9 triệu đồng. |
Diễn biến vụ án Chiều tối 3 – 11 - 2011, từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, anh Phạm Xuân Chiều (Yên Mỹ, Hưng Yên) thông tin đến báo chí, con trai anh bị mất tích bí ẩn. Theo lời anh Chiều, ngày 1 – 11, vợ anh là chị Thơm sinh bé trai tại Khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đến trưa 3 – 11, một phụ nữ mặc quần áo bluse vào phòng chị Thơm nằm, yêu cầu bế cháu Trường đi lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi phụ nữ này bế con đi, đến chiều không thấy trả về, người nhà anh Chiều nghi ngờ, hỏi bệnh viện nhưng chỉ nhận được những câu trả lời “cứ yên tâm, rồi con sẽ về”. Chiều tối cùng ngày, vẫn không thấy con trở về, anh Chiều cùng gia đình báo công an, đồng thời thông tin đến báo chí. Gia đình anh Chiều yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Trung ương phải nhận trách nhiệm về việc mất tích của cháu bé. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội ngay lập tức vào cuộc. Khoảng 70 trinh sát tinh nhuệ thuộc Phòng CSHS và Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia thành nhiều mũi đi các tỉnh, xới tung những nơi nghi vấn, tìm bé bị bắt cóc ở bệnh viện phụ sản Trung ương. Trong lúc lực lượng điều tra đang tích cực điều tra, anh Nguyễn Xuân Việt – lái xe của hãng taxi Tuấn Linh đến cơ quan điều tra cung cấp thông tin về nghi can bắt cóc cháu Trường. Theo lời của anh Việt, lực lượng điều tra phối hợp với công an quận Đông Anh giải cứu thành công cháu bé, mang về trả lại gia đình, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Lệ. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Lệ khai đã giả dạng người của bệnh viện, lừa chị Thơm bế cháu Trường về nhà mẹ đẻ ở Bắc Giang, sau đó di chuyển về nhà chồng ở Đông Anh. Lệ cũng khai, do bị hỏng thai nên nảy sinh ý đồ bắt cóc trẻ sơ sinh để đối phó với nhà chồng. Trường Phong tổng hợp |