Đó là cô Jenifer Namusyo và thiếu niên David Fletcher. Trong khi cô Jenifer Namusyo bị đâm vào lưng, bụng và khuỷu tay trước khi những kẻ tấn công móc mắt và cắt ngực, thì thi thể thiếu niên David Fletcher được tìm thấy ở Mozambique trong tình trạng bị chặt đứt tứ chi.
Vấn nạn tại Malawi
Ngay sau khi biết tin - chỉ trong một tuần, 2 người bạch tạng bị giết hại dã man, ngày 6-5, Chính phủ Malawi đã kêu gọi người dân chấm dứt những hành động man rợ khi dùng chi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của người da đen bị bạch tạng để làm bùa chú, tà thuật.
Trước đó (thượng tuần tháng 3), tại huyện Nsanje ở phía Nam Malawi, 7 người bạch tạng đã bị thiêu sống để lấy xương phục vụ cho một buổi trừ tà. Cảnh sát Nsanje đã phát hiện vụ việc khi lần theo các cuộc điện thoại của một trong các nạn nhân. Sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát đã có mặt tại hiện trường, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có đối tượng nào liên quan đến vụ này bị bắt giữ. Bởi các chuyên gia đang khám nghiệm tử thi để xác định họ có mắc bệnh bạch tạng không.
Theo tờ Daily Mail, chính quyền Malawi từng cử cảnh sát bảo vệ người bị bạch tạng và ra lệnh bắn hạ những kẻ tấn công. Hơn 1 năm trước (tháng 3-2015), cảnh sát Malawi từng bắt một người đàn ông khi đang sát hại một thiếu niên bạch tạng 16 tuổi. Khi đó, giới truyền thông Malawi dẫn lời ông Lexen Kachama, Tổng Thanh tra cảnh sát quốc gia cho biết, cảnh sát đã bắt quả tang một người đàn ông đang siết cổ một bé trai bạch tạng 16 tuổi.
Theo lời ông Mariam Witness, trưởng thôn ở một làng tại Malawi, sống đã khổ, khi chết cũng không được yên, gia đình nạn nhân phải canh gác nghĩa địa cả ngày lẫn đêm, bởi nếu sao nhãng là bị đánh cắp thi thể. Theo lời Catherine Amidu, 12 tuổi, sống tại Malawi, từ tháng 12-2014, riêng khu vực em sinh sống đã có 6 người bạch tạng bị sát hại để lấy các bộ phận trên cơ thể.
Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) Muleya Mwananyanda cho rằng, những vụ giết người ghê rợn là một lời nhắc nhở về mối nguy hiểm mà người bạch tạng đang phải đối mặt. "Nhà chức trách cần có những hành động quyết liệt để chấm dứt tình trạng giết người bạch tạng để lấy chi làm tà thuật và phải có biện pháp bảo vệ những người đang có nguy cơ bị truy sát.
Hàng ngàn người bạch tạng ở Malawi đang sống trong nỗi sợ hãi bởi những vụ bắt cóc và giết hại man rợ của các băng nhóm tội phạm và những kẻ buôn người, bán chi, phục vụ cúng tế các nghi lễ cổ xưa", Phó Giám đốc Muleya Mwananyanda nhấn mạnh. Đồng thời kêu gọi chính quyền Malawi phải đưa những kẻ giết người ra ánh sáng công lý.
Và điều quan trọng nhất chính là Malawi cần giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách cải thiện nhận thức của người dân. Bởi tại Malawi, người dân quan niệm rằng, nếu sở hữu chân hoặc tay của người bạch tạng sẽ được may mắn. Vì thế, việc giết người bạch tạng phục vụ cho hủ tục này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Ikponwosa Ero, chuyên gia của Liên hợp quốc về người bạch tạng (cũng là người bạch tạng), vừa đến Malawi và được nghe kể về các cuộc tấn công ngày càng tăng ở nước này. "Người bạch tạng và cha mẹ của những đứa trẻ bị bạch tạng đang sống trong nỗi lo lắng bị tấn công. Họ không có giấc ngủ yên bình và hạn chế tối thiểu việc di chuyển ra khỏi nơi ở của mình", Ikponwosa Ero cho biết. Đồng thời cảnh báo, những kẻ săn lùng còn tìm cách đánh cắp hài cốt của người bạch tạng từ nghĩa địa. Thậm chí khuyến cáo, người bạch tạng ở Malawi có nguy cơ "tuyệt chủng toàn diện" trước bối cảnh những kẻ săn lùng để giết, cướp bộ phận cơ thể họ ngày càng tăng.
Theo giới truyền thông, mùa hè năm ngoái, với sự giúp đỡ từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, chính quyền Malawi đã mở cuộc điều tra nhằm truy bắt các đối tượng chuyên săn lùng và giết hại người bạch tạng. Nhưng kết quả của việc này không đáp ứng yêu cầu đặt ra. Theo thống kê, từ cuối năm 2014, cảnh sát Malawi đã phát hiện có khoảng 65 trường hợp người bạch tạng bị giết để cướp nội tạng. Ước tính tại Malawi có hơn 10.000 người bạch tạng trong tổng số 16,5 triệu dân.
Quyết tâm của Tanzania
Hơn 1 năm trước (trung tuần tháng 4-2015), tờ Daily Mail từng cho biết, nhiều vụ sát hại người bạch tạng đã diễn ra liên tiếp tại Malawi, Tanzania và Burundi. Ngoài Malawi, Tanzania cũng kêu gọi mọi người hành động chống lại những kẻ sát nhân săn lùng người bạch tạng.
Thủ tướng Tanzania Mizengo Pinda từng cảnh báo và yêu cầu mọi người cảnh giác trước loại tội phạm nguy hiểm này, đồng thời cho phép bắt giữ bất kỳ ai nếu mang theo chân tay hoặc các bộ phận cơ thể của người bạch tạng. Hơn 1 năm trước (thượng tuần tháng 3-2015), 4 nghi phạm đã bị kết án tử hình vì tội sát hại một phụ nữ bạch tạng với mục đích lấy các chi bán để làm phép thuật. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Tazania Jakaya Kikwete lên án làn sóng thảm sát người bạch tạng.
Trước đó (14-1-2015), Chính phủ Tazania ra lệnh cấm phù thủy hành nghề nhằm hạn chế các cuộc tấn công người bạch tạng. Bộ trưởng Nội vụ Mathias Chikawe cho biết, Chính phủ sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm, chuyên bắt và kết tội những kẻ lừa gạt cũng như thầy bói mê hoặc người dân rằng, bùa ngải sẽ làm cho họ trở nên giàu có.
Ông Mohamed Mabula, tài xế taxi ở Ndembezi, miền Bắc Tanzania cho biết, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, khi 2 trong 6 đứa con là người bạch tạng, nên cần được bảo vệ đặc biệt. Và đã nộp đơn đề nghị Chính phủ giúp đỡ xây dựng ngôi nhà an toàn để các con có thể ngủ ngon.
Cũng giống như ông Mohamed Mabula, nhiều gia đình ở Tanzania giấu việc con cái là người bạch tạng hoặc đưa chúng tới các trung tâm đặc biệt để được giáo dục và bảo vệ. Bé gái 4 tuổi Pendo Emmanuelle Nundi đã bị bắt ngay tại nhà riêng hồi tháng 12-2014. Và mặc dù cảnh sát đã treo thưởng 1.700USD, đã bắt và thẩm vấn cha và chú của bé gái bạch tạng này, nhưng từ đó đến nay chẳng ai thấy Pendo Emmanuelle Nundi.
Trước đó (tháng 2-2014), cháu Mwigulu Matonange, 10 tuổi đã bị 2 người đàn ông tấn công khi đang đi từ trường về nhà. Họ cắt cánh tay của Mwigulu Matonange và biến mất vào rừng.
Người bạch tạng đang bị đe dọa ở châu Phi.
Theo số liệu thống kê, Tanzania là quốc gia có số vụ tấn công người bạch tạng cao nhất châu Phi - mỗi năm có trung bình 50 người bạch tạng bị săn lùng và giết chết. Ở Tanzania, cứ 1.400 người thì có một người mắc bệnh bạch tạng, thường là bẩm sinh, trong khi ở các nước phương Tây, tỷ lệ này chỉ là 1/20.000.
Việc ông Salum Khalfani Bar'wani, người bạch tạng đầu tiên đắc cử nghị sĩ Tanzania (tháng 11-2010) được coi là một bước ngoặt tại quốc gia Đông Phi, nơi vốn khét tiếng với những vụ sát hại người bạch tạng dã man. Trước đó (năm 2008), bà Al-Shymaa Kway-Geer đã có mặt tại Quốc hội, nhưng chính trị gia bạch tạng này được Tổng thống Jakaya Kikwete chỉ định, không phải do dân bầu.
Mê tín và tiền bạc
Ở một số nước châu Phi, bộ phận cơ thể người bạch tạng được tin là mang đến sức khỏe và may mắn cho người sở hữu. Vì thế, những kẻ săn người bạch tạng đã tìm mọi cách tấn công, giết và lấy chi, nội tạng của họ, bán cho các bác sĩ phù thủy. Hội Chữ Thập đỏ quốc tế từng cho biết, các phù thủy có thể trả 75.000USD cho một cơ thể đầy đủ của người bạch tạng. Chân tay của người bạch tạng có thể bán với giá 3.000-4.000USD.
Những vụ tấn công xảy ra phổ biến tới mức người ta phải lập các trung tâm an toàn cho người bạch tạng để bảo vệ mạng sống của họ. Tuy đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, nhưng đang phát huy hiệu quả, nhất là trong bối cảnh chưa tìm ra được giải pháp dài hạn cho vấn nạn này. Theo giới truyền thông, Burundi cho xây hẳn một khu nhà đặc biệt để những người bạch tạch tới sinh sống dưới sự bảo vệ của quân đội.
Những cuộc săn lùng người bạch tạng thường xuyên diễn ra bởi người ta cho rằng, cơ thể họ có "sức mạnh kỳ diệu". Có kẻ còn cho rằng, cơ thể người bạch tạng là bùa chú mang lại may mắn, sự thịnh vượng, trường thọ và tình yêu. Thậm chí còn có lời đồn, uống máu người bạch tạng sẽ có sức mạnh vô biên, sống tới trăm tuổi, làm ăn phát đạt. Phụ nữ bạch tạng luôn đối mặt với việc bị hiếp dâm vì quan niệm giao hợp với người bạch tạng có thể chữa bách bệnh, kể cả HIV/AIDS.
Ngoài nỗi sợ bị săn đuổi, người bạch tạng còn phải hứng chịu bất hạnh do bệnh tật gây ra do thiếu sắc tố, mất khả năng tự bảo vệ cơ thể trước tia cực tím từ ánh nắng mặt trời nên dễ bị bỏng, ung thư da, mù lòa và nhiều hệ lụy sức khỏe khác.
Theo bà Nomasonto Mazibuko, đến từ Hiệp hội những người bạch tạng ở Nam Phi, những vụ bắt cóc, sát hại người bạch tạng thường không được báo cáo chính xác hoặc không được tiến hành điều tra. Bởi ở châu Phi, nhất là tại các vùng hẻo lánh, thầy mo, thầy phù thủy thường có quyền lực lớn hơn cảnh sát và chính quyền. Chứng mê tín dị đoan là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn săn người bạch tạng trở nên phổ biến ở châu Phi. Và vì mê tín, nhiều chính trị gia cũng tham gia vào các cuộc tấn công người bạch tạng để tìm bùa may mắn.
Sự xuất hiện hồi cuối năm 2012 của người mẫu Diandra Forrest, người Mỹ gốc Phi từng khiến dư luận quan tâm bởi cô là người bạch tạng. Nhà thiết kế người Anh gốc Nam Phi Jacob Kimmie thừa nhận, Diandra Forrest là một hiện tượng thời trang. Albinism là thuật ngữ tiếng Anh nói về bệnh bạch tạng, tuy nó có nguồn gốc từ tiếng Latinh. Ðây là một dạng rối loạn bẩm sinh tổng hợp sắc tố melanin, làm cho da, tóc và mắt có màu trắng nhạt. Ngoài ra, bạch tạng còn gây ra rối loạn thị giác, giảm thị lực và sợ ánh sáng..