Ngược nguồn chữ Việt , Kỳ 10: Istanbul, ngã ba thế giới

Trải nghiệm du lịch mua sắm ở Istanbul
Trải nghiệm du lịch mua sắm ở Istanbul
TP - Hành trình cuối cùng của đoàn chúng tôi là du ngoạn ba ngày ở Istanbul.

Cưỡi “thảm bay” Airbus từ Teheran sang Istanbul, một ngày trời trong, sẽ nhìn thấy dưới cánh máy bay, địa hình biến đổi dần từ hoang mạc khô cằn một màu đất đá gan gà, sang vùng đồi núi loáng thoáng xanh, rồi trập trùng xanh. Và bên phải cánh bay là biển Hắc Hải (Biển Đen) mênh mông tới tít tắp Odetsa…

Khởi thủy Istanbul vốn là một hải cảng vùng biển Marmara, trấn ngữ eo Bosforus, huyết mạch dẫn vào biển Hắc Hải. Nước Nga và các nước vùng Ban Căng, vùng Trung Á, muốn ra Địa Trung Hải và đi thế giới, không thể không qua Istanbul. Với địa thế hiểm yếu này, đương nhiên Istanbul phải là một đại pháo đài. Những bức tường thành, nhiều đoạn nay đã đổ nát nhưng vẫn còn được bảo tồn, bao quanh bờ biển là minh chứng cho những cuộc giao tranh đẫm máu diễn ra nhiều thời kỳ.

Lịch sử chiến tranh, luôn gắn liền với những cuộc di dân và thôn tính, giao hòa văn hóa. Người Hy Lạp, La Mã từng ngự trị ở đây từ thời của những bản hùng ca Home, từ thời Alexandros đại đế và hòa đồng cho tới bây giờ. Không thể ngờ rằng, ở đây, chứ không phải một nước trong thế giới Hồi giáo nào khác, chữ Arap lại được sử dụng sớm nhất. Các thánh đường Hồi giáo từ thời cổ đại còn nguyên vẹn những bản khắc trên đá lời thánh Allah.

Nhưng cũng thật kỳ lạ, ngày nay, khắp các đường phố Istanbul, và cả ở thủ đô Ankara, cả ở các thành phố khác trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, rất hiếm thấy các biển quảng cáo, các thông tin bằng thứ chữ như lửa, như khói của thế giới Arap, mà chỉ thấy các dòng chữ Latin. Chợt nghĩ tới Việt Nam mình. Hàng nghìn năm bị bó gộp vào bộ chữ tượng hình của người Trung Quốc (dù là chữ Hán hay chữ Nôm), bỗng nhiên vượt thoát, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, để rồi từ đầu thế kỷ XIX, khởi phát một phương tiện văn hóa, giáo dục, phát triển khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật… hòa đồng với nhân loại.

Ngược nguồn chữ Việt , Kỳ 10: Istanbul, ngã ba thế giới ảnh 1 Du ngoạn ở Istanbul

Năm 1923, nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại được thành lập, do lãnh tụ Mustafa Kemal Ataturk dẫn dắt và là tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa thế tục này. Việc đầu tiên Mustafa Kemal làm là cải cách giáo dục, thay đổi chữ viết, đoạn tuyệt với thứ chữ giun dế, chuyển sang hệ Latin. Từ đây, Thổ Nhĩ Kỳ ngả nhiều sang màu sắc châu Âu. Cho nên, dù vẫn ghé chân trong thế giới Arap (về mặt tôn giáo, văn hóa, lãnh thổ), nhưng thể chế, lối sống, chữ viết, xu thế…Thổ Nhĩ Kỳ đã thực sự là một quốc gia châu Âu. Chỉ cần Đông Thrae với 3% diện tích cả nước, chỉ cần một nửa thành phố Istanbul thuộc bờ bắc kênh Bosforus, cả đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã được ăn theo, được coi là một nước châu Âu.

Tới thăm thánh đường Hoja Sophia, một trong nhiều thánh đường Hồi giáo ở Istanbul, mà du khách luôn choáng ngợp, trầm trồ bởi kiến trúc bậc thầy, bởi sự tráng lệ, nguy nga và nghệ thuật điêu khắc hoành tráng, tinh xảo, sẽ thấy sự bảo tồn và hóa giải tuyệt vời giữa Kito giáo và Hồi giáo như thế nào. Thánh đường được xây dựng từ thế kỷ thứ IV bởi những người Kito giáo, với những bức tranh chúa Jesus Christ và thánh nữ Maria trên tường, trên vòm mái.

Thế kỷ thứ XIV, người Hồi giáo chiếm lại, nhưng không phá hủy, mà sơn phủ đi, quay lại điện thờ hướng về thánh địa Mecka, khắc ghi những lời của thánh Allah, trở thành một thánh đường Hồi giáo hoàn hảo. Ngày nay, người ta đã cạo đi một vài mảnh tường, để lộ ra nguyên bản ban đầu, để nói rằng, ở Istanbul, sự hòa hợp của các tôn giáo là một phẩm chất, một ứng xử văn hóa, nhân văn.

Cũng tại một trong những bảo tàng lớn ở Istanbul, bảo tàng và cung điện Topkapi Palace, năm 1980, ngài bí thư đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội Makoto Anabuki đã phát hiện ra chiếc bình hoa lam quý giá hình củ tỏi, cao 54 cm được bảo hiểm tới một triệu USD, có ghi dòng chữ: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” ( Thái Hòa năm thứ 8 - Đời vua Lê Nhân Tông (1450), tượng nhân là Bùi Thị Hý, người châu Nam Sách, lưu bút). Vậy là từ thế kỷ thứ XV, hàng gốm cao cấp Chu Đậu, Nam Sách, Hải Dương của Đại Việt đã vượt trùng dương sang tận vùng viễn tây xa xôi này.           

Có một tour mua sắm, mà chỉ những tour leader chứ không phải tour gide dẫn mối, mới được tiếp cận. Đó là đi mua thảm len và hàng đồ da ở hãng sản xuất lâu đời và nổi tiếng nhất Istanbul. Cơ sở sản xuất thảm len nằm ở khu phố bờ biển. Khách đến, được mời xem quy trình dệt len thủ công với những người thợ lành nghề. Rồi hàng chục thanh niên lực lưỡng khuân ra những khoanh thảm, nhỏ như vuông chiếu và lớn bằng cả diện tích những đại sảnh. Đẹp tinh xảo, quý phái đến ngỡ ngàng. Nhưng đến khi phát giá, hầu như tất cả đều lắc đầu, lè lưỡi. Tấm nhỏ nhất, như vuông chiếu cũng hai ngàn USD. Tấm đại sảnh tới vài chục ngàn USD. Khách tấm tắc khen rồi vái tay ra về.

Ở hãng sản xuất hàng da quý hiếm, có tuổi đời hơn trăm năm, sự tiếp đón còn nồng hậu hơn nữa. Khách được mời uống trà ô liu nóng với đường chà là, được mời xem một catwalk show, thậm chí mời cả các thành viên của đoàn lên sàn biểu diễn. Ai cũng tưởng mình đang trong một cung điện trình diễn thời trang ở Italia, Pháp. Những chiếc áo da đủ loại, da cừu, da bò, da tuần lộc…  với độ mềm như lụa, mịn như nhung, với đủ màu sắc.

Tất nhiên một chiếc áo da hai lớp, có thể mặc trong mặc ngoài, một túi xách cũng đề bảng giá tối thiểu từ 2.500 USD tới nhiều nghìn USD. Khi biết khách là người Việt Nam, ông chủ tuyên bố xanh rờn: “Chúng tôi thường chỉ khuyến mại 40%, nhưng với các bạn Việt Nam anh hùng, hôm nay chúng tôi khuyến mại tới 60%”.

Và tất nhiên, những chiếc hầu bao của khách Việt vốn luôn khóa chặt, được mở tung. Nhưng khi thanh toán thì hai bên tiếp tục một cuộc thương lượng. Cuối cùng, ông chủ râu rậm và mến khách lại tuyên bố xanh rờn một lần nữa: “Hôm nay là một ngày đặc biệt, được đón đoàn khách đặc biệt đến từ Việt Nam quang vinh, chúng tôi đặc cách giảm giá cho các bạn 80%”.

Tám mươi phần trăm cho Việt Nam quang vinh. Một niềm vui, một tình cảm quá hào phóng của những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ giữa cố đô Istanbul.           

Việc đầu tiên Mustafa Kemal làm là cải cách giáo dục, thay đổi chữ viết, đoạn tuyệt với thứ chữ "giun dế", chuyển sang hệ Latin. Từ đây, Thổ Nhĩ Kỳ ngả nhiều sang màu sắc châu Âu.

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.