Ngược nguồn chữ Việt, Kỳ 6: Từ Teheran đến shiraz

Các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm
Các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm
TP - Qua một đêm ngủ vật vờ trên máy bay, lại transit ở Istanbul năm giờ đồng hồ, rồi lại lên máy bay hãng Turkish bay ngược lại năm giờ nữa, khoảng hai giờ chiều hôm sau thì đến sân bay Imam Khomeini, Teheran.

Không tấp nập như Istanbul, nhưng Khomeini là một sân bay bề thế, to đẹp. San sát máy bay mang sắc cờ ba màu xanh trắng đỏ có chữ tượng hình thánh Allah ở giữa. Khắp tứ bề đại sảnh dẫn vào cửa nhập cảnh là những tấm ảnh khổ lớn vị lãnh tụ Khomeini, bức cười, bức nghiêm nghị, bức kêu gọi tiến lên. Chợt lạnh gáy khi nhớ tới một thời… Ở phía hông sảnh lớn, nơi khách chờ làm thủ tục nhập cảnh có một chiếc xe mui trần giống như xe Jeep, nhưng mẫu mã đặc biệt. Cả ba nhà nhiếp ảnh trong đoàn: Nguyễn Đình Toán, Nguyễn Văn Tâm, Huỳnh Văn Truyền đều tháo ống kính máy chuyên dùng, săm săm tiến lại chụp. Lập tức một vệ binh mũ ca nô đỏ tiến lại ra hiệu không được quay chụp, không được lại gần.

Chúng tôi đồ rằng chiếc xe này là một hiện vật đặc biệt của vị thống soái trong cuộc  cách  mạng Hồi giáo 1979 lật độ chế độ quân chủ Pahlavi lập nên nhà nước Hồi giáo Iran hiện đại, hoặc  là chiến lợi phẩm trong cuộc chiến tám năm tàn khốc (1980 - 1988) với chính quyền độc tài Saddam Hussein của Iraq. Thì ra, chỉ qua khung cửa kiểm tra kia là bước vào một đất nước kỳ bí, chẳng kém gì Triều Tiên bí ẩn. Tôi chợt nhớ lời dặn và vẻ mặt trang nghiêm của một người bạn khi tôi rời Hà Nội: Sang bên đó phải cẩn thận, một bên là Afghanistan, một bên là Iraq, Syria. Bắt cóc, khủng bố là chuyện thường ngày ở huyện.

Nghe mà hãi, định bỏ cuộc. Quả thật, nhìn quanh, ai cũng có vẻ trang nghiêm, khép nép. Những người đàn bà áo đen choàng kín chân, khăn đen bịt kín mặt, chỉ hở đôi mắt to hun hút. Không ai nhắc, cả đoàn đều bám sát theo nhau. Lạc nhau giữa thế giới Hồi giáo này chỉ có trời tìm, bởi không thể đọc nổi những dòng chữ như lửa cháy, như khói hương kia, bởi tất cả các máy điện thoại đều thành cục gạch. Ngay cả khi một vài người bỏ ra mười USD mua simcard lắp vào máy, mạng Google, Facebook, Zalo… cũng vô tác dụng. Mấy người bạn mách tôi cài WhatsApp trước khi sang đây, cũng chẳng thấy tín hiệu gì.

Ngược nguồn chữ Việt, Kỳ 6: Từ Teheran đến shiraz ảnh 1

Trước thánh đường Hồi giáo

 Đoàn đã vào hết phòng chờ, bỗng thấy anh Nguyễn Văn Tâm hớt hải đi tìm vợ. Chị Hồ Nguyệt Thu, từ lúc xuống sân bay Istanbul đã mệt lả, nhưng vẫn cố bám theo chồng. Nhưng khi vào cửa hải quan, nam đi cửa riêng, nữ khám cửa riêng, thì anh mất hút vợ. Mấy chàng trai trẻ vừa khuân kiện hàng đặc biệt bằng đá hoa cương Quảng Nam ra phòng chờ để chuyển  ra ô tô còn đang thở dốc, rồi cả anh chàng cao khều Emad con trai ông Hojat, do ông phái từ Isfahan đến đón đoàn, cùng bủa đi tìm. Thế mới biết chế độ sử dụng điện thoại ở Việt Nam mình còn thoải mái hơn khối nước. Bấm một phát biết ngay chị Thu đang ở đâu. Nhưng giờ này, ở xứ này, đành bó tay. Nhìn gương mặt anh Tâm, thấy đã bắt đầu hoảng loạn. Chỉ còn  ít phút nữa, đoàn phải di chuyển ra phi trường nội địa bay tiếp về Shiraz. Không thể để lỡ công việc đã chuẩn bị hàng tháng trời…

Rất may, có ai đó bỗng phát hiện ra chị Thu đang nằm ngủ ở dãy ghế phía bên kia. Hú vía. Thì ra mệt quá, không đi nổi, chị Thu ngả xuống chiếc ghế dài  khuất sau cột và thiếp đi. Cả đoàn tưng bừng ra xe buýt đặt sẵn, di chuyển sang sân bay Mehrabad.

Có hai tiếng đồng hồ quá giang ở thủ đô. Thời gian này chỉ đủ cho đoàn chiêm ngưỡng một công trình văn hóa kiến trúc tiêu biểu của Teheran. Đó là Azadi square, còn gọi là quảng trường Tự Do. Quảng trường rộng vài chục hecta, mênh mông cỏ xanh và được bao quanh bởi một bờ hoa hồng trắng tinh khôi miên man nở.  Giữa quảng trường là tháp Azadi, được xây bằng 8.000 khối đá cẩm thạch trắng, cao 45 mét, vút lên trời xanh.

Dưới tòa tháp là cụm kiến trúc ngầm dành cho nhà bảo tàng và khu dịch vụ bán đồ lưu niệm. Đây là công trình kiến trúc vào loại đẹp và độc đáo nhất của Iran hiện đại do kiến trúc sư lừng danh người Iran sáng tạo năm 1971 dưới thời vị vua cuối cùng triều Pahlavi (1925 - 1979) để kỷ niệm 2500 năm nền quân chủ Ba Tư, trước khi bị cuộc cách mạng Hồi giáo khai tử. Nếu Paris có Eiffel,  New York có Thần Tự do, Moskva có điện Kremlin thì Teheran có Azadi square.

Trời ơi, một chốn bồng lai! Hiền Phương reo lên, rồi như một thiếu nữ mười bảy tuổi, mái tóc bạch kim bay về phía ngọn tháp như một đài lửa đang bò lên từ bốn góc cỏ, thắp sáng từng không.

Lại năm giờ bay đêm. Cho đến 11giờ tối thì chúng tôi về đến ARG hotel, nằm ở trung tâm thành phố Shiraz, cách Teheran chừng hai nghìn cây số. Tại sao lại bay dọc Iran từ cực bắc xuống nam vượt qua Isfahan để đến Shiraz rồi ngày mai lộn vòng trở lại? Cho đến sáng ngày hôm sau, khi từ trung tâm cố đô Shiraz, chúng tôi lên xe bus mới bóc tem, có máy điều hòa, bốn mươi chỗ ngồi rộng rãi  có thể ngả nằm khi đi đường mà cha con ông Horzazd thuê riêng suốt thời gian phục vụ đoàn. Mọi người mới nhận ra ông Horzard và những người thiết kế chương trình tuyệt vời thế nào. Còn hai ngày nữa mới đến giờ G của ngày 5/11/2018, ngày giỗ lần thứ 358 cha Alexandre de Rhodes và đặt bia tưởng niệm.

Phải có một ngày thư giãn và thăm thú một kỳ quan nào đó của xứ Ba Tư. Thì đây, kỳ quan thứ nhất là Thánh đường Hồng giữa phố cổ Shiraz. Thánh đường xây dựng từ thế kỷ XVII, hầu như còn nguyên vẹn. Bề thế, tinh xảo đến từng mái vòm, ô cửa. Độc đáo nhất là hai dãy nhà cầu nguyện được chọn hướng xây đối diện với hướng mặt trời.

Và tất cả các ô cửa đều được lắp kính đủ màu sắc và phối màu độc đáo tới mức từ bảy giờ sáng, khi mặt trời lên, ánh nắng xuyên qua ô kính tạo ra muôn ngàn tia màu khúc xạ vào nhà cầu nguyện, đẹp lộng lẫy và lung linh, tưởng như ta đang lọt giữa ống  kính vạn hoa bảy sắc cầu vồng. Đúng lúc ấy, tràn ngập không gian, tiếng chuông từ  nóc các thánh đường ngân lên, rồi tiếng loa đặt trên các đỉnh tháp âm vang bầu trời: “Thánh  Ahlla là đức Chúa Trời. Mohamet là thiên sứ của Người…”.

Năm lần trong ngày, vào những giờ nhất định, khắp thế giới Hồi giáo đều vang lên chỉ một câu như thế, một giai điệu như thế. Lúc ấy, các con dân của thánh Ahlla trong các gia đình, các công sở, trường học đều phủ phục hướng về phía thánh địa Mecca ở Saudi Arabia, còn trong nhà thờ, mọi con chiên cũng quỳ gối hướng về vòm cửa, nơi biểu tượng sự hiển linh của Chúa Trời để nguyện cầu. Trong các nhà thờ đạo Hồi không có bất kỳ hình ảnh nào của Chúa. Mỗi thánh đường  khi xây dựng, nhà thiết kế phải  định vị la bàn, chọn đặt vị trí cửa điện thờ hướng về thánh địa Mecca.   

(Còn nữa)

Du khách và dân chúng tràn ngập quảng trường. Ai cũng muốn chụp hình với khách châu Á. Họ tưởng chúng tôi là người Nhật, người Hàn. Khi biết là người Việt Nam, họ đặc biệt thân thiện và yêu mến, ai cũng vẫy tay chào và giơ máy điện thoại xin chụp ảnh.     

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.