Ngược nguồn chữ Việt - Kỳ 9: Ghi công người, ghi ơn chữ

Thiêng liêng, trang trọng trước mộ Alexandre de Rhodes
Thiêng liêng, trang trọng trước mộ Alexandre de Rhodes
TP - Nhằm giữa giờ Tỵ (10h), buổi đại lễ đặt bia tưởng niệm tác giả hai bộ sách Dictionarium Annamiticum - Lusitanum ed Latinum, Phép giảng tám ngày, nhân ngày giỗ ông được khởi sự với sự tham dự của các ngài đại diện chính quyền thành phố Isfahan, đại diện nhà thờ cộng đồng Acrmenia, các vị quản trang.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Viện trưởng Viện vinh danh chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, trưởng đoàn, đọc bài diễn từ nói lên công lao linh mục Alecxandre de Rhodes với sự hình thành chữ Quốc ngữ và sự tri ân của các thế hệ người Việt. Tiếp đó là phát biểu của các quan chức thành phố, của đại diện nhà thờ Kito giáo của người Armenia, phát biểu của tiến sỹ lịch sử Nguyễn Thị Hậu, phát biểu của người viết bài này, ký giả tự nhận của đoàn hành hương. Vất vả nhất là hai ông phó nháy Nguyễn Đình Toán và Nguyễn Văn Tâm, chạy như con thoi, phủ phục các góc để chọn góc máy và ánh sáng đẹp nhất.

Đặc biệt là nhà quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền. Trước khi đi anh đã chuẩn bị một máy flycam xịn để quay từ trên cao, nhưng khi biết bạn không cho phép, đành thay đổi phương án, kỳ công tìm chỗ đặt ba chân máy quay cho ba vị trí. Nhờ Emad giữ máy cố định, còn anh sử dụng chiếc máy chuyên dụng liên tục chạy chỗ không để lỡ một cảnh quay đắt giá nào. Những thước phim và những hình ảnh độc nhất vô nhị này sẽ làm tư liệu cho một cuốn phim tư liệu đặc biệt.

Khi tấm lụa trắng có hình trống đồng nước Việt phủ mộ được tám kiều nữ, áo dài Việt, nón lá tinh khôi, mở ra, tấm đá hoa cương có hình Cha Alexandre de Rhodes bừng sáng dưới nắng rực rỡ, nhạc nền bài “Tình ca” từ băng đĩa ngân lên, dàn đồng ca hai mươi người cùng ngân vang những âm thanh Việt: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi…Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…”. Những ngấn lệ nhòe giữa câu hát. Mỗi người vừa hát vừa chầm chậm bước lên, đặt một bông hoa hồng, màu đỏ, màu vàng, màu xanh thành ba dòng màu dọc mộ. Cả vợ chồng và hai con trai ông Hojat, cả những người bạn Iran cũng cất lời hát theo và cầm hoa đặt lên mộ.

Có cảm giác như có một vầng mây lành sà xuống, cuốn làn khói hương bay lên. Hẳn người nằm dưới mộ đang biết có một nhóm người Việt đến với ông. Họ đã không quên ông dù đã ba trăm năm mươi tám năm trời…Tôi đứng lặng rất lâu và như có một dòng thời gian với những loạt phim mờ chồng đứt nối, từ  xa xưa cuộn lướt trong đầu, tạo nên muôn vàn tình huống, muôn vàn giả định. Nếu như không phải đợi đến năm 1919, khi triều đình nhà Nguyễn ra chiếu chỉ học chữ Quốc ngữ toàn nước Việt, mà ngay từ thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687), sau khi  bộ từ điển Việt - Bồ - La ra đời, liền ra chiếu cho con dân xứ Đàng Trong của Đại Việt phải thay ngay chữ Nôm, chữ Hán bằng thứ chữ của Cha Alexandre de Rhodes thì tình hình xã hội nước Nam sẽ ra sao nhỉ?

Và nếu như bộ tiểu thuyết chương hồi đồ sộ đầu tiên “Việt Nam khai quốc chí truyện”, hay còn gọi là “Nam triều công nghiệp diễn chí” của Bảng Trung Nguyễn Khoa Chiêm (tổ phụ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) viết năm 1689, rồi  “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia Văn phái, “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng lãn ông (thế kỷ XVII), “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820), thơ Hồ Xuân Hương, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm cùng thời gian ấy, rồi “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu (1822-1888) và bao nhiêu trước tác giá trị khác… cứ đối chiếu từ điển Việt - Bồ - La mà viết ra, không cần qua chữ Nôm, thì đời sau con cháu đỡ công mày mò chuyển dịch, nhiều khi tam sao thất bản, và tất nhiên sẽ hay hơn biết bao nhiêu. Giống như trong truyện “Trái tim Danko” của Maxim Gorki, Alexandre de Rhodes và bao đồng đạo của ông, bao con chiên người Việt của ông, đã thắp lửa từ ấy, mà phải hơn hai trăm năm sau những thế hệ người Việt nối tiếp mới nhận ra.

Và sẽ thật bất hạnh, nếu như không có những người Việt tiên phong đi đầu, những Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của với sự ra đời của Gia Định báo tại Nam Kỳ năm 1865, với những nhà văn đi đầu của dòng văn chương tự sự Nam Bộ, như Nguyễn Trọng Quản với “Truyện thầy Lazaro Phiền” (1887),  Trương Vĩnh Ký với “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” (1876), rồi ba mươi năm sau, tiếp đến những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh với sự ra đời của Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí (những năm 1910).

Rồi cùng với phong trào Truyền bá Quốc ngữ, Đông Kinh Nghĩa Thục…một dòng văn chương Việt hiện đại bắt đầu phát lộ từ Tự lực Văn đoàn, từ Thơ Mới (1932 -1945), cho đến văn chương chữ Việt đương đại, nhanh chóng chiếm lĩnh những đỉnh cao và sự toàn bích, đưa ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt trở thành vi diệu, có khả năng giao hòa, khuếch tán vào nhân loại.   

Đã chính ngọ, mà không ai muốn về. Bãi tha ma cổ xứ Ba Tư đã lưu hơi ấm của người Việt.

Từ nay, có một người Việt nằm đây, Cha Alexandre de Rhodes. Từ nay có những dòng chữ Việt, lưu khắc tại đây: “Chữ Việt còn, Tiếng Việt còn, Nước Việt còn”.

Sẽ có người thắc mắc: Tại sao lại đề “Chữ Việt còn” lên trên “Tiếng Việt còn”. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thổ lộ: Từ lần đi sang Iran tiền trạm, tháng 5/2018, nhiều đêm tôi ít ngủ. Tôi luôn mơ thấy ngài Alexandre de Rhodes về. Ngài chỉ nhìn tôi im lặng. Tôi nghĩ rất nhiều về câu sẽ khắc trên bia tưởng niệm. Tiếng Việt còn thì đương nhiên rồi. Dân tộc mình trường tồn suốt lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước là nhờ còn bảo tồn và phát triển được tiếng nói.

Hơn một nghìn năm các triều đại phương Bắc muốn triệt hạ chúng ta về văn hóa, cả vật thể và phi vật thể. Và chúng đã phá hủy biết bao nhiêu… Chỉ riêng tiếng nói của người Việt là chúng không thể đồng hóa nổi. Vì thế nước Việt, người Việt mãi còn. Và từ khi có chữ Quốc ngữ, thì tiếng nói mọi vùng miền càng có cơ hội giao thoa, thống nhất. Như vậy chữ Việt còn, và ngày càng trong sáng, càng phát triển, thì tiếng Việt càng giàu có, phong phú, đa thanh đa sắc… 

Vâng. Chữ Việt là chìa khóa vàng để bảo tồn và phát triển tiếng Việt, nhất là tiếng Việt hiện đại của thời đại 4.0 với tốc độ phát triển thông tin, công nghệ vũ bão. Chính vì thế, uống nước phải nhớ tới nguồn. Nơi đây, dưới nấm mộ đá ở Isfahan này, là một nguồn mạch, trong rất nhiều nguồn mạch của nước Việt. Nơi đây sẽ là  chốn hành hương của những dòng người Việt trên toàn thế giới, những ai khao khát trở về với cội nguồn, khao khát được nói tiếng Việt, viết chữ Việt.  

(Còn nữa)
MỚI - NÓNG