Ngược dòng

Ngược dòng
TP - Làn sóng chủ nghĩa dân túy bắt đầu bằng Brexit ở Anh hồi tháng 6 đã lan tới Mỹ, thể hiện bằng chiến thắng vang dội của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11. Dù đến tháng 1/2017, Mỹ mới chính thức có tân tổng thống, nhưng có ít nhất 5 nhân tố có thể giải thích chuyện gì đã xảy ra.

Thứ nhất, sự bỏ phiếu thầm lặng. Trung bình, các cuộc thăm dò dư luận trên cả nước Mỹ cho thấy, ứng viên Hillary Clinton dẫn trước đối thủ khoảng 3 điểm, còn các cuộc thăm dò ở cấp bang cho thấy bà Clinton sẽ giành được ít nhất 300 phiếu đại cử tri. Dường như nhiều người ủng hộ Trump đã giữ kín ý định của mình, không hợp tác với các đơn vị thăm dò ý kiến cử tri. 

Ngoài ra, không thể đánh giá thấp vai trò của Giám đốc FBI James Comey trong đợt bầu cử lần này. Hai tuần trước, bà Clinton dường như sắp cán đích, nhưng lá thư đề ngày 28/10 của ông Comey gửi Quốc hội Mỹ (thông báo FBI mở lại cuộc điều tra vấn đề email của bà Clinton) đã làm thay đổi động lượng cuộc đua tới Nhà Trắng.

Thứ hai, nhận diện “thương hiệu” và quảng cáo miễn phí. Tỷ phú Trump không cần đến một tổ chức, một bộ máy vận động tranh cử bài bản, chuyên nghiệp. Ứng viên này là người của công chúng hơn 30 năm, đồng nghĩa với việc ông tham gia cuộc đua với sự nhận diện “thương hiệu” gần như 100%, ngay từ đầu đã thu hút sự chú ý liên tục của giới truyền thông. 

Theo một nghiên cứu, tính đến tháng 5, ứng viên Trump đã được truyền thông đề cập nhiều đến nỗi quy ra “thóc” tương đương 3 tỷ USD quảng cáo miễn phí. Dường như qua trực giác, tỷ phú Trump hiểu rằng, những điều gây tranh cãi mà ông phát ngôn trong suốt chiến dịch tranh cử thu hút sự chú ý đặc biệt của cử tri - điều mà các bài phát biểu chính sách một cách nghiêm túc không bao giờ làm được. 

Chiến thắng của ứng viên Trump sẽ mở ra một kỷ nguyên mới – thời của chính khách “showbiz”, thời của người ngoại đạo hiểu truyền thông, có sức lôi cuốn quần chúng lên ngôi. Quan trọng hơn cả, ông đã thúc đẩy được cử tri. 

Những lời đao to búa lớn đậm màu sắc dân túy và phớt lờ, thậm chí coi khinh lễ nghi khuôn phép của tỷ phú Trump khiến ông kết nối được với đám đông. Ông không chơi theo luật thông thường của chính trường và nhiều cử tri thích điều đó.

Thứ ba, cách mạng dân túy chống nhập cư và toàn cầu hóa. Có thể nói ứng viên Trump đã đặt cược toàn bộ chiến dịch tranh cử của mình vào ý tưởng rằng, sự thù địch công khai đối với nhập cư tự do và các chính sách thương mại tự do là đôi hài vạn dặm đưa ông tới Nhà Trắng. Từ đầu đến cuối chiến dịch, ông trở đi trở lại với hai vấn đề cốt lõi này.

Ông cam kết xây dựng tường rào dọc biên giới Mexico và trục xuất 11 triệu người nhập cư trái phép. Tỷ phú bất động sản cũng cam kết xé bỏ các hiệp định thương mại tự do và giành lại công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo cho người Mỹ. Ngay từ đầu, ông đã xác định các chính sách bài ngoại, đậm chất dân tộc chủ nghĩa là trọng tâm của chiến dịch tranh cử của mình.   

Thứ tư, kẻ ngoài cuộc thắng người trong cuộc. Donald Trump sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên chưa từng có kinh nghiệm chính trường kể từ Dwight Eisenhower hồi thập niên 50. Tuy nhiên, ông Eisenhower từng là tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh ở châu Âu trong Thế chiến 2 và có kinh nghiệm vô đối về đối ngoại. Donald Trump đã biến sự thiếu kinh nghiệm chính trường của mình thành tài sản trong chiến dịch tranh cử như thế nào? 

Câu trả lời nằm ở chỗ ông công khai sự thù địch của mình đối với các cơ sở kinh doanh, truyền thông và chính trị đang dẫn dắt nước Mỹ. Niềm tin của nhiều người dân vào các định chế đang ở mức thấp kỷ lục. Phong cách không chính thống, thái quá, thông tục của ứng viên Trump khiến nhiều cử tri tin rằng, ông thành thật hơn đối thủ.

Thứ năm, nước Mỹ bị chia rẽ. Cuộc bầu cử lần này cho thấy Mỹ là một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc về chủng tộc, văn hóa, giới và giai cấp. Trong hoàn cảnh thông thường, người ta mong đợi tổng thống mới nỗ lực tập trung mọi lực lượng thông qua thông điệp đoàn kết. Nhưng Donald Trump tiến vào Nhà Trắng bằng cách phát động một trong những chiến dịch gây chia rẽ, phân hóa nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.

MỚI - NÓNG