Chiều 28/9, nhiều chủ tàu cá và thủy thủ đoàn có mặt tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) để chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào ngày hôm sau. Đây là cảng cá lớn nhất miền Trung, cũng là nơi có nhiều ngư dân chống lệnh, không chịu lên bờ vào chiều 27/9, trước khi bão Noru đổ bộ.
Anh Tân (chủ tàu cá tại cảng cá Thọ Quang) thanh minh: “Những người làm nghề đánh cá tại cảng này thường không phải dân ở đây, không có nhà cửa trên đất liền. Ngoài ra, chúng tôi coi tàu là linh hồn nên phải ở lại để canh tàu khỏi mất”. Theo các ngư dân, giá trị mỗi con tàu đánh cá có khi lên đến 5-6 tỷ đồng.
Ngư dân ở cảng cá Thọ Quang sẵn sàng ra khơi ngay sau bão |
Nói về chuyển đi biển gấp rút vào ngày 29/9, anh Tân lý giải: “Mỗi khi bão về, ngư dân chúng tôi vừa lo vừa mừng. Lo vì không biết tàu bị ảnh hưởng thế nào, nhưng mừng vì khi bão về, tôm, cá và các loại thủy sản khác theo đợt sóng cuốn trôi vào bờ. Sau trận bão là làm ăn được nhất. Thời gian nhiều cá kéo dài đến tới một tuần”, anh Tân chia sẻ.
Ông Hùng (thủy thủ đoàn của một tàu cá tại cảng Thọ Quang) cho biết, ông tranh thủ đi biển ngay vì biển vẫn còn động sau khi bão Noru đi qua nên các loài cá sẽ ăn nổi, dễ đánh bắt. Lần này, ông sẽ đi ít nhất 10 ngày, nếu trúng đậm, ông sẽ bán cá cho các tàu buôn ngoài biển và ở lại đánh tiếp. “Có cá sẽ ở lâu vì mỗi lần tàu ra vào, tốn đến cả 2.000 lít dầu”, ông Hùng nói.
Ngoài ông Hùng và anh Tân, nhiều ngư dân từ bờ ra tàu để chuẩn bị cho chuyến biển. Việc đầu tiên họ làm là nổ máy để kiểm tra có hoạt động tốt sau bão hay không rồi chuẩn bị ngư cụ, thực phẩm để ra khơi.