Ngư dân Cà Mau hối hả chuyến cuối năm, đón giao thừa trên biển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều ngư dân Cà Mau đang hối hả chuẩn bị nhu yếu phẩm vươn khơi đánh bắt xuyên Tết Nguyên đán để hái “lộc biển” cho chuyến cuối năm. Các tàu đánh cá xuyên Tết thường sẽ trở về vào khoảng mùng 10 Tết.

Hải sản tăng cao

Vào những ngày cuối năm Âm lịch, có mặt tại cảng cá thị trấn Sông Đốc, các tàu, thuyền lớn, nhỏ đánh bắt xa bờ đang hối hả cập bến, không khí ở đây rộn ràng hơn so với những ngày bình thường. Khác với trung tâm thành thị, ở các vùng biển vào những ngày này, người dân xứ biển mới bắt đầu rục rịch không khí đón Xuân. Bởi, đối với người vùng biển, họ chỉ thực sự đón Tết khi chuyến đi biển cuối năm kết thúc.

Cơn mưa chuyển mùa lất phất lẫn cái lạnh của tiết trời cuối năm dường như bị xua tan bởi sự đông đúc, tấp nập của kẻ bán, người mua. Hàng trăm tàu cá công suất lớn, nhỏ của ngư dân cũng tấp nập vào bờ bán cá, mực để nghỉ ngơi, ăn Tết. Mọi người, ai nấy đều phấn khởi vì có tiền trang trải và cùng gia đình chuẩn bị đón Tết.

Ngư dân Cà Mau hối hả chuyến cuối năm, đón giao thừa trên biển ảnh 1
Các tàu, thuyền lớn, nhỏ đánh bắt xa bờ đang cập bến.

Đang tất bật đóng mực cho chủ hàng, anh Lê Hoàng Quynh (ngụ khóm 10, thị trấn Sông Đốc) cho biết, những ngày giáp Tết, do nhu cầu mua hải sản của người dân tăng cao, nên cứ tàu về là anh Quynh cùng nhiều lao động địa phương phải có mặt từ sớm để đóng hàng. Trung bình mỗi ngày cung ứng cũng khoảng 500 – 700kg mực các loại cho khách hàng.

“Năm nay thời tiết thuận lợi, giá mực lớn được thương lái thu mua khoảng 280.000 đồng/kg nên chuyến biển cuối năm các thuyền viên đều vui. Anh em đóng mực nhờ đó cũng có thu nhập cũng ổn định. Năm nay, chúng tôi chắc ăn Tết sung hơn, đầy đủ hơn mọi năm”, anh Quynh phấn khởi nói.

Hơn 20 năm theo nghề biển, trở về sau chuyến đánh bắt gần một tháng, ngư dân Nguyễn Hữu Tân (ngụ khóm 1, thị trấn Sông Đốc - hành nghề lưới chụp) cho biết, nghề lưới chụp khai thác theo ánh sáng, chủ yếu là 20 ngày trên biển và 10 ngày trong đất liền. Chuyến biển những ngày giáp Tết năm nay, anh em ngư dân có nhiều cảm xúc lẫn lộn vì khai thác không được như mong đợi. Song, anh em chỉ mong bước sang năm mới thời tiết thuận lợi, ngư dân trúng mùa để cái Tết muộn được no đủ, ấm áp.

Ngư dân Cà Mau hối hả chuyến cuối năm, đón giao thừa trên biển ảnh 2
Trong năm 2022, sản lượng đạt theo kế hoạch đề ra nhưng sản phẩm, lợi nhuận của ngư dân không cao.

Theo lời ông Tân, sau chuyến ra khơi này, ông cùng bạn tàu trở về nhà nghỉ ngơi vài ngày, rồi chuẩn bị nhu yếu phẩm vươn khơi đánh bắt xuyên Tết Nguyên đán để hái “lộc biển” cho chuyến biển cuối năm. Các tàu đánh cá xuyên Tết thường sẽ trở về vào khoảng mùng 10 Tết. Như thường lệ, ngư dân ai nấy cũng động viên nhau cùng cố gắng, để sau Tết gia đình sẽ có thêm một khoản thu nhập kha khá.

Với người dân xứ biển, những ngày này, họ thường tranh thủ thời gian để đi thăm những “người bạn” gắn bó với họ trong những chuyến ra khơi. Đây có thể là dịp người ta thấy ngư dân diện được bộ đồ sạch sẽ, tươm tất, cầm trên tay phong bao lì xì đi chúc Tết. Bởi, quanh năm các ngư dân đều vội vàng vào bờ, rồi vội vàng ra khơi nên đâu có dịp “lên đồ”.

Đón giao thừa trên biển

Ngư dân Nguyễn Hữu Tân cho biết thêm, những chuyến đi biển cuối năm cũng gần đồng nghĩa với việc ăn Tết ở ngoài biển. Nên chuyến đi biển lần này, các ngư dân đều có chung tâm lý chuẩn bị đồ đạc nhiều hơn ngày thường để những ngày Tết trên biển có cái mà cúng, mà ăn.

Ngư dân Cà Mau hối hả chuyến cuối năm, đón giao thừa trên biển ảnh 3
Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến biển tiếp theo.

Bắt đầu từ chiều 30 Tết, những tàu cá đánh bắt ngoài khơi xa đều thả neo, liên lạc với nhau qua bộ đàm. Họ hỏi thăm toạ độ của nhau, hỏi thăm tình hình đánh bắt và cũng không quên gửi lời chúc tốt đẹp cho nhau.

Ông Tân cho hay, thời khắc giao thừa, mọi nghi thức cúng tế thần biển được thực hiện đầy đủ như trên đất liền. Sau đó, các bạn thuyền cùng ngồi lại bên nhau nhâm nhi chén trà, ly rượu hay khui vài lon bia và gửi lời chúc tốt đẹp cho nhau trong thời khắc đón chào năm mới.

Thời khắc đón chào năm mới vừa qua cũng là lúc các tàu cá bắt đầu bắt tay vào công việc, mỗi người mỗi hướng đánh bắt, mong khai thác bội thu, sớm vào bờ sum họp, đón Xuân muộn bên gia đình.

Ngư dân Cà Mau hối hả chuyến cuối năm, đón giao thừa trên biển ảnh 4

Trung bình mỗi ngày, lao động địa phương đóng khoảng 500 – 700kg mực các loại cho khách hàng.

Ông Nguyễn Đình Triểu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, hầu hết, ngư dân đều trông chờ vào chuyến biển cuối năm vì thời gian này thời tiết thuận lợi, khai thác đạt hiệu quả cao.

“Do ảnh hưởng chung của giá dầu, mặc dù trong năm 2022 sản lượng đạt theo kế hoạch đề ra nhưng sản phẩm, lợi nhuận của ngư dân không cao. Tuy nhiên, nhìn chung ngư dân cũng phấn khởi đón Tết cổ truyền với mong muốn con nước đầu năm sẽ có lợi nhuận cao hơn, cuộc sống ngư dân sẽ tốt hơn. Trong thời gian tới, địa phương mong muốn giá nhiên liệu ổn định để cho bà con khai thác hiệu quả hơn”, ông Triều nói.

MỚI - NÓNG
Cụ ông nguy kịch vì hóc xương cá
Cụ ông nguy kịch vì hóc xương cá
TPO - Ngày 8/7, thông tin từ Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa lấy thành công dị vật xương cá phức tạp, nhiều ngạnh, cắm vào thực quản bệnh nhân 60 tuổi.
Giám đốc Công an Hà Nội thông tin kết quả tổng kiểm tra PCCC nhà trọ, chung cư mini
Giám đốc Công an Hà Nội thông tin kết quả tổng kiểm tra PCCC nhà trọ, chung cư mini
TPO - Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin kết quả kiểm tra, rà soát phòng cháy, chữa cháy đối với nhà trọ; chung cư mini; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; trường mầm non, nhóm trẻ; cơ sở phòng khám tư nhân… trên địa bàn TP Hà Nội, sau khi xảy ra nhiều vụ cháy trên địa bàn thành phố.