NGS hứa sửa đổi thông tin sai về Hoàng Sa

NGS hứa sửa đổi thông tin sai về Hoàng Sa
TP - Qua trao đổi với Tiền Phong, Hội Địa lý quốc gia-NGS (Mỹ) thừa nhận thông tin mà tổ chức này mô tả về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Bản đồ thế giới online, do NGS phát hành, sẽ phải sửa đổi.
NGS hứa sửa đổi thông tin sai về Hoàng Sa ảnh 1
Khác với Bản đồ thế giới, ở Bản đồ châu Á, NGS ghi: Xisha Qundao (Paracel islands) Administered by China (claimed by Vietnam). Tạm dịch: Tây Sa quần đảo (quần đảo Paracel)/Trung Quốc hiện đang quản lý (Việt Nam tuyên bố chủ quyền)

Trong những ngày gần đây, thông tin Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society - NGS) đưa lên mạng Internet tấm bản đồ online, trong đó có những thông tin thiếu chính xác về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã khiến các tầng lớp nhân dân Việt Nam bức xúc.

NGS là một tổ chức khoa học danh tiếng của Mỹ, với hàng trăm năm tồn tại và phát triển. Tổ chức này cũng tuyên bố họ hoạt động thuần túy vì khoa học và giáo dục, phi lợi nhuận, phi chính trị. Vậy không hiểu tại sao NGS lại đưa những thông tin không chính xác, xâm phạm đến quyền thiêng liêng của Việt Nam là sự toàn vẹn lãnh thổ.

Phóng viên Tiền Phong đã liên lạc với NGS qua thư điện tử tìm câu trả lời. Sau đây là thư đi của phóng viên Tiền Phong.

“Gần đây, công luận của Việt Nam lên tiếng về tấm bản đồ thế giới online do quý tổ chức (NGS) phát hành chứa đựng những thông tin thiên vị hoặc thiếu chính xác về quần đảo Hoàng Sa (Paracel) của Việt Nam. Đó là lý do tôi viết thư này gửi quý vị.

Tôi muốn được trao đổi người có thẩm quyền trong quý vị về vấn đề NGS thu thập và lựa chọn thông tin, cụ thể như quý vị dựa trên tài liệu nào, tiêu chí cho việc lựa chọn tài liệu... để tạo ra tấm bản đồ thế giới nói trên. Tôi nghĩ mọi người Việt Nam cần được giải thích rõ ràng và họ có quyền ấy”.

Gần hai ngày sau, phóng viên Tiền Phong nhận được thông tin trả lời của Lia Roth, từ bộ phận truyền thông của NGS. Trong email có kèm theo Bản trình bày (của NGS) về vấn đề đảo Hoàng Sa (mà phía NGS gọi là Paracel islands). Dưới đây là nội dung văn bản của NGS.

Bản trình bày về quần đảo Paracel

“Trong nỗ lực duy trì các nguyên tắc về việc xác lập bản đồ mang tính liên tục và chính xác, được duy trì trong suốt 122 năm tồn tại của NGS, một tổ chức khoa học, giáo dục phi lợi nhuận, chúng tôi luôn cố gắng đứng ngoài chính trị, tham vấn nhiều nguồn thông tin khác nhau từ giới chức và chính quyền, và ra quyết định độc lập dựa trên các nghiên cứu sâu.

Chúng tôi không tìm kiếm các phương cách giải quyết các vấn đề, hoặc đứng về phía nào trong việc công nhận các tranh cãi liên quan đến lãnh thổ hay tên gọi, mà theo đuổi những phương cách dù là tạm thời, để trình bày tới độc giả hoặc người xem một cách rõ ràng nhất thực trạng của một vấn đề hay tình huống nào đó.

Đề cập đến Paracel (tên cổ) NGS công nhận rằng quần đảo này đã bị chính phủ Trung Quốc chiếm đóng (occupy) và quản lý (administer) từ năm 1974. Và do vậy NGS đã coi tên do phía Trung Quốc sử dụng là Xisha Qundao (quần đảo Tây Sa -PV) làm tên gốc (primary name). Điều này phù hợp với chính sách làm bản đồ của NGS.

Trên các bản đồ khu vực và bản đồ khác chi tiết hơn của chúng tôi (ngoài bản đồ thế giới-PV), quần đảo này được gọi bằng tên của Việt Nam là Hoàng Sa và tên cổ là Paracel, đi kèm ghi chú rằng Trung Quốc chiếm giữ và quản lý, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo nói trên. Chúng tôi tin rằng đó là tình hình thực tại, từ tất cả những gì mà chúng tôi biết.

Gần đây, chúng tôi đã nhận được ý kiến lên tiếng về một số mô tả trên Bản đồ Thế giới của chúng tôi, do hữu hạn về dung lượng và không gian nên không thể đi kèm thêm nhiều thông tin chi tiết về những vùng đất nhỏ, nằm rải rác như quần đảo Paracel.

Chúng tôi đã cẩn thận xem lại vấn đề và thấy rằng chỉ đơn giản mô tả quần đảo trên với tên của phía Trung Quốc và từ “Trung Quốc” trong ngoặc đơn mà không có thêm giải thích có thể dẫn đến sự lạc lối và hiểu sai.

Trong tương lai, chúng tôi hoặc thêm các giải thích như các bản đồ khu vực (của NGS-PV), hoặc chúng tôi sẽ bỏ hết tên do các bên đưa ra. Chúng tôi hy vọng rằng như vậy sẽ làm rõ những tình huống mang tính tạm thời, được mô tả trên các bản đồ khác của chúng tôi một cách chi tiết hơn”.

Báo Tiền Phong và tuổi trẻ Việt Nam cho rằng, khi NGS nhận thấy có sai sót thì sai sót đó cần được nhanh chóng sửa chữa. Trong khi các vấn đề ở biển Đông còn đang diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp giải quyết thấu đáo, không ai trong phía những bên liên quan được phép làm nghiêm trọng thêm tình hình và mọi quốc gia, tổ chức, cá nhân cần tôn trọng điều này.

MỚI - NÓNG