Ngoài 12 dự án thua lỗ, còn bao nhiêu dự án như vậy?

Các ĐBQH đề nghị giám sát sử dụng vốn ODA, giám sát dự án BOT, dự án gây thua lỗ
Các ĐBQH đề nghị giám sát sử dụng vốn ODA, giám sát dự án BOT, dự án gây thua lỗ
TPO - Tại phiên thảo luận tổ sáng 23/5, đề cập đến dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, các ĐBQH đề nghị cần thực hiện giám sát việc sử dụng nguồn vốn ODA, các dự án BOT nổi cộm, hay các dự án gây thua lỗ. 

Đề cập đến việc chuẩn bị các dự án, ĐBQH Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) đề nghị cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị các dự án luật, tránh đến sát kỳ họp mới trình, rồi gấp gáp nên xin điều chỉnh, rút ra khỏi chương trình. Ông Quang đề nghị nếu ban soạn thảo dự án nào không thực hiện đúng thì phải có chế tài xử lý trách nhiệm rõ ràng.

Cơ bản thống nhất với dự kiến chương trình 2018, tuy nhiên, ĐB Quang đề nghị cân nhắc, bổ sung dự án Luật về hội. Tại kỳ họp 2, Quốc hội chưa thông qua, nhưng đến nay vẫn chưa xác định thời điểm trình dự án này, như thế là chậm. ĐB đề nghị đưa vào chương trình 2018 để Chính phủ khẩn trương chuẩn bị trình Quốc hội cho kịp thời, tránh lại tiếp tục lùi.

Hay với Luật cán bộ công chức viên chức, theo ĐB Quang, việc xử lý kỷ luật một cán bộ, công chức vô cùng khó khăn, phải qua rất nhiều công đoạn, mất ít nhất 1/3 năm do quá nhiều quy định. Việc vận dụng xử lý một số trường hợp chưa từng có trước nay, nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, cử tri phân tâm, thiếu tin tưởng. ĐB đề nghị cần sớm rà soát, sửa đổi cho phù hợp để xử lý các trường hợp tương tự cho hiệu quả, tạo ra sự đồng thuận trong dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hai trong 4 nội dung là giám sát cổ phần hóa và giám sát trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài, đã từng thực hiện giám sát rồi. Vì thế, theo ông Phùng Quốc Hiển, nên cân nhắc giám sát ở tầm rộng hơn.

Ông Hiển đề nghị tập trung giám sát vào lĩnh vực rất quan trọng là giám sát việc sử dụng vốn ODA. Bởi việc sử dụng vốn ODA đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lý.

Về giám sát cổ phần hóa DNNN, theo Phó chủ tịch Quốc hội, như thế cũng chỉ gói gọn trong một nhánh, lại đã thực hiện giám sát ở khóa 12 rồi. Theo ông Hiển, phải mở rộng hơn và nên chăng cần giám sát việc đổi mới hoạt động của DNNN, trong đó có cả DN 100% vốn nhà nước, có cả DN cổ phần, như vậy sẽ giúp cho hoạt động đổi mới DNNN. Ngoài ra, theo ông Hiển cũng có thể giám sát việc thực hiện chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Đề cập đến việc giám sát các dự án đầu tư công, theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, hiện đã công bố 12 dự án thua lỗ lớn, nhưng chưa biết thực chất còn bao nhiêu dự án xảy ra thua lỗ? Tổng kiểm toán đề nghị đối với các dự án BOT, hay sử dụng vốn ODA, có những vấn đề nổi cộm, nếu tiến hành giám sát sẽ có lợi cho dân nhiều hơn.

Ngoài ra, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng đã phản ánh nhiều, nay ngân hàng này, nay ngân hàng khác, chủ yếu là ngân hàng cổ phần. Nên chăng có chương trình giám sát ngân hàng thương mại, trong đó đáng chú ý là những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo.

Đồng tình với ý kiến đề xuất của Tổng kiểm toán, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng đặt ra câu hỏi: Ngoài 12 dự án thua lỗ ra, còn bao nhiêu dự án khác như vậy? Theo ĐB Cầu, giám sát các dự án có nguy cơ thất thoát, thua lỗ là một trong những nội dung mà dư luận hết sức quan tâm. Ông đề nghị bổ sung thêm nội dung giám sát này vào chương trình.

MỚI - NÓNG