Tại tỉnh Gia Lai vừa xảy ra vụ ngộ độc cá nóc khiến 3 mẹ con trong một gia đình nguy kịch. Đáng chú ý là số cá nóc này đã được làm sạch, phơi khô, nhiều bà con ở các buôn làng không nhận biết sự nguy hiểm nên mua về ăn, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thương tâm.
12h 40 phút ngày 10/1, chị Um (35 tuổi), dân tộc J’rai, ở làng O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, cùng hai con gái lớn là Õn (14 tuổi) và On (12 tuổi) được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, suy tim. Riêng trường hợp cháu Õn đã ngừng tim, ngừng thở, mạch và huyết áp đều bằng 0.
Với các thông tin người nhà cung cấp, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai nhanh chóng xác định cả 3 trường hợp bị ngộ độc cá nóc. Qua đó, có biện pháp điều trị thích hợp và tích cực.
Đến sáng 11/1, chị Um cùng con gái nhỏ là On đã qua cơn nguy kịch, nhưng sức khỏe còn rất yếu. Riêng trường hợp cháu Õn, mạch và huyết áp đã trở lại nhưng vẫn còn hôn mê sâu, do thời gian ngừng tim quá lâu, tổn thương tới não.
Bên giường bệnh con gái, ông Hning cho biết, gia đình có mua nửa cân cá nóc đã phơi khô với giá 40.000 đồng của một hộ bán tạp phẩm trong làng. Khoảng 8h ngày 10/1, gia đình mang ra kho để ăn sáng. Ông Hning đi làm sớm, không kip ăn sáng nên không bị ngộ độc. Ba mẹ con cùng ăn thì đến 9h, cháu Õn có biểu hiện khó thở, đau cổ họng, sau đó, đến lượt vợ và con gái nhỏ.
Cá nóc khô gây ngộ độc cho mẹ con chị Um.
Điều đáng lo là cá nóc thường được làm sạch, phơi khô và mang về các buôn làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai bán với giá rẻ. Nhiều bà con ở các buôn làng không nhận thức được mức độ nguy hiểm của cá nóc nên mua về ăn. Tỉnh Gia Lai năm nào cũng xảy ra trường hợp ngộ độc cá nóc. Nhiều trường hợp tử vong, nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng và nếu được cứu chữa cũng thường để lại những di chứng nghiêm trọng.
Bác sĩ Kiều Văn Bướu, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khuyến cáo: “Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, suy thận cấp thì có thể chữa được. Nhưng bệnh nhân này khi vào phòng cấp cứu là đã ngừng tim rồi, bệnh nhân đã bị tổn thương não nên rất nguy hiểm. Người dân không nên ăn cá nóc. Ăn cá nóc nguy hiểm nhất là độc tính lên tim, gây tử vong”.
Theo một số tài liệu về y khoa, độc tố trong cá nóc thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, chưa có thuốc giải đặc hiệu, tỉ lệ gây tử vong khá cao. Do đó, thiết nghĩ, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai cũng như các địa phương, cần có những biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, khuyến cáo người dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về mức độ nguy hiểm của ngộ độc từ cá nóc và cách nhận dạng các loài cá nóc độc. Từ đó, giúp người dân tránh mua hoặc sử dụng nhầm cá nóc.