Nghịch lý

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2016, tỉnh Bạc Liêu chủ động kiến nghị Trung ương loại bỏ quy hoạch dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng khỏi quy hoạch tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh.

Tỉnh này cũng không cho triển khai thêm dự án nhiệt điện trên địa bàn. Ngày ấy, tôi vẫn nhớ như in một không khí hồ hởi và tán dương, cổ súy cho việc làm này khi cho rằng tỉnh đã sáng suốt, tiên phong và quyết liệt loại trừ nhiệt điện, với hàm ý đó là nguồn gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, trước câu hỏi, nếu không nhiệt điện thì trong điều kiện hiện nay nguồn điện nào thay thế, đủ để đáp ứng nhu cầu điện quốc gia? Không ai có câu trả lời thỏa đáng, ngoài việc vu vơ rằng phát triển điện sạch như điện gió, điện năng lượng mặt trời. Nhưng phát triển bao nhiêu, lộ trình thế nào và vốn đầu tư từ đâu... cũng không có câu trả lời.

Làn sóng chối bỏ, tẩy chay các dự án nhiệt điện sau đó tiếp tục lan rộng ra một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Có nơi công khai không thực hiện các dự án đã được quy hoạch, có nơi ngấm ngầm tìm nhiều cách khác để trì hoãn việc triển khai dự án. Kết quả, suốt nhiều năm trời, gần như không có dự án nhiệt điện nào được xây dựng hay hòa lưới. Trong khi đó, hàng loạt dự án điện năng lượng tái tạo nằm ngoài quy hoạch đã bùng nổ đến mức mất kiểm soát. Không chỉ phá vỡ quy hoạch điện của quốc gia mà còn đẩy ngành điện lâm vào thế khó bởi không có sự chuẩn bị kịp thời về hạ tầng.

Cũng vì không có sự chuẩn bị nên hàng loạt nguồn điện lớn nhỏ đã đầu tư nhưng không được đưa vào sử dụng vì không đảm bảo thủ tục theo quy định, hoặc không có đường dây để hòa lưới quốc gia. Cho nên, dù có điện nhưng không thể sử dụng hoặc điều tiết từ nơi thừa đến nơi thiếu do nghẽn lưới truyền tải... Đó là hậu quả tất yếu của việc không tuân thủ kỷ luật đầu tư hệ thống điện đã được phê duyệt và các nhà quản lý từ trung ương lẫn địa phương liên quan không đứng ngoài trách nhiệm này.

Hạn hán dẫn đến thiếu nước, thiếu điện chỉ là chuyện nhất thời. Vấn đề thiếu điện hôm nay, ngoài lý do không tuân thủ kỷ luật đầu tư, còn là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác kéo dài trước đó, đặc biệt là chính sách giá điện không phù hợp, trong khi chưa hình thành được thị trường điện đúng nghĩa. Việc nhập nhằng, trộn chung giá điện phúc lợi với giá điện thị trường như lâu nay không phản ánh đúng giá thành, từ đó không đảm bảo được lợi ích của các bên tham gia. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo điện cho toàn bộ người dân cả nước nhưng đang vướng vào nhiều “điểm mù” về cơ chế, chính sách.

Việc phát triển nguồn điện đã được xã hội hóa từ lâu và đến nay đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thuộc các thành phần kinh tế đầu tư và chiếm tỷ trọng trên 60% tổng công suất, bao gồm cả nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió...; phần còn lại do Tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, do chưa hình thành thị trường điện đầy đủ nên các nhà đầu tư không tối ưu hóa được lợi nhuận và với tư cách là “nhà cái” mua và phân phối điện nhưng Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng không làm chủ được cuộc chơi.

Ngành điện Việt Nam đang bị giăng mắc giữa cả rừng nghịch lý, vướng mắc, nếu không nhanh chóng hóa giải, tháo gỡ thì sẽ rất khó để giải được bài toán về nguy cơ thiếu điện luôn hiện diện phía trước.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.