> Tan trong rét
> Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới: Nông dân vẫn nghèo
Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới: Nông dân vẫn nghèo
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 27,5 tỷ USD, riêng sản lượng lúa cả năm đạt 43,5 triệu tấn, xuất khẩu gạo lần đầu tiên lập kỷ lục gần 8 triệu tấn với giá trị 3,45 tỷ USD.
Nông dân nước ta hiện vẫn chiếm tới hơn 70% dân số và 50% lực lượng lao động xã hội.
Lực lượng lao động này từ ngàn đời nay vẫn luôn giữ vai trò quan trọng số 1, cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi sống toàn xã hội. Trong cơn bão dữ dằn của suy thoái kinh tế toàn cầu, những người nông dân vẫn một nắng hai sương, vẫn cần mẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” để đóng góp phần bền vững vào mức tăng trưởng GDP 5,03% của cả nước.
Buồn một nỗi, đa phần họ vẫn là những người thuộc tầng lớp nghèo. Vì sao xuất khẩu gạo năm nay đạt mức kỷ lục, vào hàng nhất nhì thế giới, mà nông dân vẫn không được hưởng lợi, vẫn nghèo?
Hoa Kỳ cũng là một cường quốc về nông nghiệp, chỉ có vẻn vẹn 2% dân số là nông dân nhưng làm ra lương thực đủ nuôi sống cả 98% còn lại. Nông dân Mỹ sử dụng thành thạo các loại máy móc nông nghiệp hiện đại trên những cánh đồng bạt ngàn, không những áp dụng cơ giới hóa 100% mà còn đạt mức tự động hóa rất cao.
Năng suất, chất lượng cao, đầu ra có nơi đặt hàng, tiêu thụ ổn định... Đó nguyên nhân lý giải vì sao nông dân Mỹ cũng như nông dân ở các quốc gia phát triển khác như Nhật Bản và Tây Âu có đời sống khá sung túc, bền vững, thậm chí họ còn giàu có hơn cả dân thành thị, công chức.
Vẫn biết sự so sánh đó là khập khiễng, khi Việt Nam vẫn đang quá trình chuyển đổi từ một đất nước thuần nông sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vấn đề là ở chỗ, có những điều lẽ ra người nông dân Việt Nam phải xứng đáng được hưởng nhiều hơn thế, xứng đáng với những mùa vàng bội thu của họ.
Đáng buồn là điệp khúc “được mùa - mất giá” lại đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người nông dân. Trong chuỗi giá trị hạt gạo mà người nông dân trực tiếp làm ra chỉ được hưởng có 37%, còn thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu hưởng tới gần 50%.
Những bất cập, nghịch lý nói trên, không chỉ xảy ra với cây lúa mà còn ở không ít các loại nông sản khác. Vấn đề nhức nhối bấy lâu nay rất cần được hoá giải với trách nhiệm cao nhất của các ban ngành hữu quan, của những người có trách nhiệm.