Nghi vấn 'làm luật' ở Hải quan Nội Bài: Đình chỉ 4 công chức

Nghi vấn 'làm luật' ở Hải quan Nội Bài: Đình chỉ 4 công chức
TPO - Theo nguồn tin của Tiền Phong, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với 4 công chức thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, yêu cầu giải trình, làm rõ nghi vấn “làm luật”.

Ngày 22/10, theo nguồn tin của Tiền Phong, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày kể từ 21/10 đối với 4 công chức nữ thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, yêu cầu giải trình, làm rõ việc bị tố liên quan thông làm luật khi làm thủ tục hồ sơ ở Hải quan Hà Nội được báo chí phản ánh. Trong đó, có 1 cán bộ Đội thủ tục, 3 cán bộ đội Giám sát.

 Trước đó, chiều 21/10, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã báo cáo lên Cục Hải quan TP. Hà Nội về việc xử lý ban đầu. Tại Văn bản số 3645/HQNB-TH, Chi cục Hải quan cửa khẩu đề nghị Cục Hải quan tạm thời ra quyết định đình chỉ công tác đối với các công chức có liên quan trong clip mà báo chí đăng tải, yêu cầu các công chức trên có báo cáo giải trình về vụ việc.

Văn bản cũng khẳng định, sẽ có hình thức xử lý nghiêm nếu có vi phạm sau khi xem xét toàn diện sự việc.

Chiều qua (21/10), Tổng cục Hải quan cũng có Công điện số 15-VP, yêu cầu Cục Hải quan TP. Hà Nội và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh, có biện pháp xử lý tập thể, cán bộ vi phạm.

Văn phòng Tổng cục Hải quan đề nghị Chi cục Hải quan TP. Hà Nội rà soát và báo cáo sự việc trên, có biện pháp xử lý tập thể, cá nhân vi phạm (nếu có) trước 10h ngày 22/10/2020.

Theo phản ánh của Đại Đoàn Kết trong bài viết: "ĐỘC QUYỀN: Những 'tờ xanh' kẹp trong hồ sơ ở Hải quan Hà Nội", sau một thời gian được tiếp cận với nghề khai thuê hải quan (thường quen gọi là “chạy lệnh” hoặc “forwarder”) tại Hà Nội, PV đã ghi nhận được những sự việc vô cùng "lạ lùng".

Thông thường để thông quan một lô hàng, sau khi doanh nghiệp cung cấp bộ chứng từ hàng hóa (đủ các giấy tờ cần thiết gồm: Hợp đồng thương mại, bộ vận tải đơn, hóa đơn thương mại, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ…), nhân viên giao nhận, hay còn gọi là nhân viên “chạy lệnh” sẽ tiến hành khai báo hải quan trên hệ thống khai báo điện tử của Tổng cục hải quan và đợi phân “luồng”.

Sau khi trải qua các bước trên, nếu lô hàng luồng xanh, nhân viên chạy lệnh sẽ tiếp tục qua hải quan giám sát làm những thủ tục cuối cùng để thông quan.

Đối với những lô hàng bị phân luồng đỏ, hồ sơ sẽ được chuyển qua bộ phận hải quan kiểm hóa. Ở đây, forwarder tiếp tục phải “lót tay” với phí “bôi trơn” từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/tờ khai tuỳ mặt hàng. Tiền này sẽ kẹp vào bộ hồ sơ, đưa trực tiếp cho cán bộ hải quan phụ trách kiểm tra lô hàng.

Chỉ riêng một buổi chiều, có đến hàng trăm lượt vào ra của các nhân viên chạy lệnh, cứ mỗi lượt vào ra là mở ví “xì tiền”…. “sau khoảng 4 rưỡi chiều, mức phí cho mỗi tờ khai tăng lên gấp đôi vì “ngoài giờ hành chính”. Nghĩa là mỗi tờ khai sẽ phải kẹp thêm tiền bôi trơn là 60.000 đồng cho lô hàng dưới 1 tấn và 120.000 đồng cho lô hàng trên 1 tấn”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.