Theo New York Magazine, một nhóm nhà hoạt động đã kêu gọi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton khiếu nại về kết quả bỏ phiếu tại 3 bang chủ chốt sau khi họ thu thập được bằng chứng cho thấy kết quả có thể đã bị “sắp đặt”.
Nhóm nhà hoạt động này gồm có luật sư về quyền bỏ phiếu John Bonifaz và ông J Alex Halderman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh mạng và xã hội thuộc Đại học Michigan. Họ cho rằng, những bằng chứng thu thập được có thể cho thấy hiện tượng “hack” phiếu ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania - 3 bang chủ chốt mà bà Clinton thất bại trước ông Trump.
CNN cho biết, nhóm này đã thông báo cho ông John Podesta, quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton, và Marc Elias, một quản lý cấp cao khác, rằng tại Wisconsin, số phiếu ủng hộ bà Clinton ở những quận bỏ phiếu bằng máy điện tử ít hơn 7% so với ở những quận sử dụng phiếu giấy hoặc máy quét lựa chọn. Nghĩa là, bà Clinton có thể đã mất 30.000 phiếu. Trong khi đó, kết quả công bố sau cuộc bầu cử ngày 8/11 cho thấy, bà kém ông Trump 27.000 phiếu tại bang này.
Các nhà hoạt động cho thấy tuy không có bằng chứng chắc chắn rằng kết quả bị thao túng, nhưng những bằng chứng của họ có thể là yếu tố để cân nhắc đề nghị kiểm lại phiếu.
Hiện đại diện chiến dịch tranh cử của bà Clinton chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về những thông tin trên. Trong khi đó, bản thân bà Clinton kể từ sau cuộc bầu cử thất bại không có dấu hiệu nào cho thấy bà có ý định khiếu nại kết quả. Nhà Trắng cũng cam kết sẽ tiến hành một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ.
Theo Independent, hạn chót khiếu nại kiểm lại phiếu tại 3 bang nói trên là từ ngày 25-30/11. Kết quả bầu cử ngày 8/11 cho thấy, ông Trump hiện giành 290 phiếu đại cử tri, bà Clinton giành 232 phiếu đại cử tri. Bà Clinton chỉ có thể “đảo ngược tình thế” nếu đảo ngược kết quả ở 3 bang chủ chốt Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.
Bà Clinton mặc dù hiện dẫn trước ông Trump hơn 1,7 triệu phiếu bầu phổ thông và con số này được dự đoán sẽ lên 2,5 triệu phiếu, nhưng lại giành ít phiếu đại cử tri hơn do thua ở các bang tranh chấp quan trọng. Trong khi đó, theo cơ chế bầu cử hơn 200 năm qua ở Mỹ, đại cử tri mới là người quyết định ai làm tổng thống.
Trước sự bất cập này, hiện hơn 4,5 triệu cử tri Mỹ đã ký vào một đơn thỉnh nguyện trực tuyến đề nghị cải cách cơ chế bầu cử.